“Hội chứng” trầm cảm vì phóng xạ

26/03/2011 11:49 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Những nhân viên kiểm tra phóng xạ ở một trung tâm sơ tán tại Fukushima, Nhật Bản trông giống như vừa bước ra khỏi một bộ phim khoa học viễn tưởng. Trên người họ là một bộ đồ chống phóng xạ màu trắng, mặt họ đeo thiết bị bảo vệ kín mít và tay thì lăm lăm các máy đo tia gamma, sẵn sàng soi quét bất kỳ người nào đi vào trung tâm. Riêng hình ảnh ấy đã đủ để khiến trẻ em khóc thét.

>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản

Công nhân trực tiếp làm các công việc sửa chữa tại nhà máy điện Fukushima Daiichi là những người có nguy cơ nhiễm xạ cao nhất.

Nhưng người lớn cũng không cảm thấy khá hơn, bởi chỉ riêng hình ảnh về bộ đồng phục và các máy đo đã khiến họ sởn gai ốc.

“Chuyện giống một cơn ác mộng không có hồi kết” - Takeshi Nemoto, một công nhân xây dựng vừa nói vừa nhìn về phía những người kiểm tra phóng xạ khi chơi đùa cạnh đứa con trai 4 tuổi của anh.

Ai cũng sợ phóng xạ

Takeshi Nemoto đang nhắc tới trận động đất xảy ra hôm 11/3, vốn khiến hơn 10.000 người Nhật thiệt mạng và 17.800 người khác mất tích, tính tới ngày 25/3. Thảm họa này còn gây nhiều vụ cháy nổ tại nhà máy điện Fukushima Daiichi, khiến cho nỗi sợ rò rỉ chất phóng xạ vô hình có khả năng giết hại nhiều người đang lan rộng.

Sự sợ hãi thể hiện rất rõ trong cộng đồng những người sống sót. Lo lắng trước tin tức về phóng xạ phát nhan nhản trên truyền hình, Sumiko Matsuno, một nông dân ở Fukushima đã chạy ra cánh đồng của bà và đào hết các loại củ mang về nhà. “Nếu củ nào nằm ngầm dưới đất thì chúng vẫn còn an toàn. Những loại nào có lá chìa lên bề mặt phải loại bỏ. Chúng tôi sẽ đào hết tất cả các củ cà rốt và hành với tốc độ nhanh nhất có thể. Có thể những thứ này sẽ không bán được nhưng tôi sẽ cần tới chúng để ăn. Chúng tôi thực sự lo lắng về tương lai của mình” - bà nói.

Nỗi lo lắng cũng đã tăng lên tại các trung tâm sơ tán như nơi Takeshi đang ở. “Tôi có 4 đứa con” - Mie Sato, 36 tuổi, người mới rời bỏ quê nhà ở thị trấn Minami Soma vì các cảnh báo phóng xạ nói - “Đứa con cả của  tôi đang mang thai và tôi rất lo lắng không biết chuyện này sẽ ảnh hưởng tới đứa trẻ ra sao. Sự lo lắng thật quá sức chịu đựng của chúng tôi”.

Mối đe dọa tinh thần

 
Các lao động bị nhiễm xạ được quây vải dầu bảo vệ trong lúc ra xe cứu thương tới bệnh viện gần nhất điều trị.

Hiện nay các chuyên gia đã bắt đầu quan tâm tới “nỗi lo lắng phóng xạ”, một hiện tượng stress, sợ hãi và lo lắng hình thành từ mối đe dọa do phóng xạ mang lại. Họ nói rằng sức ép tới từ phóng xạ có thể gây tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi của các khu vực bị thảm họa tàn phá.

“Công việc của chúng tôi ở đây chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu” - nhà tâm lý Akinobu Hata, giám đốc Trung tâm Phúc lợi và Sức khỏe Tinh thần Fukushima nói - “Chúng tôi tin rằng các ca trầm cảm và bệnh tâm thần sẽ sớm tăng lên”. Vấn đề lớn nhất hiện nay là sự lo lắng trong dân chúng đã tăng cao quá mức, trong bối cảnh rò rỉ phóng xạ vẫn chưa gây ra mối nguy hiểm nào đáng kể.

Các công nhân làm việc tại nhà máy Fukushima Daiichi có thể đối diện với nguy hiểm khi tiến hành các sửa chữa ở nhà máy do nồng độ phóng xạ ở đây cao hơn nhiều những nơi khác. Dấu hiệu phóng xạ cũng được tìm thấy trên rau củ ở một số khu vực, gồm cả thủ đô Tokyo. Nhưng các đơn vị phụ trách xử lý thảm họa nói rằng những mối đe dọa trên hoàn toàn có thể xử lý được.

Họ cũng nói rằng ngoài vấn đề nảy sinh từ nhà máy điện “ốm yếu”, phóng xạ rò rỉ sẽ khó có thể ảnh hưởng tới cư dân Nhật Bản. “Chúng ta sống trong một thế giới có nền tảng phóng xạ tự nhiên còn cao hơn nhiều lần lượng phóng xạ rò rỉ đã được nói tới” - Harold Swartz, một giáo sư tại Trường Y Dartmouth ở Mỹ nhận xét.

Thực tế tới nay, ngoài những cá nhân trực tiếp chiến đấu ngăn thảm họa ở Fukushima Daiichi, chưa có người dân nào của Nhật được phát hiện bị bệnh vì nhiễm phóng xạ cả.

Thiếu hụt chuyên gia tư vấn tâm lý

Theo nhà tâm lý Hata, dựa trên các nghiên cứu trước đây về thảm họa, ông dự tính khoảng 10% những người sống sót sau thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật sẽ bị các hội chứng rối loạn vì trầm cảm. Việc đã mất nhà, mất việc, mất người thân, lại cộng thêm nỗi lo phóng xạ sẽ dễ dàng đánh gục ngay cả những người can đảm nhất.

“Điều khiến thảm họa này trở nên đặc biệt là ngoài các tổn thương thông thường, người ta còn phải gánh những áp lực tinh thần lớn do rò rỉ phóng xạ mang lại” - Hata nói - “Người ta sẽ phải đương đầu với một kẻ thù vô hình, thứ họ không hiểu biết lắm về nó. Và việc thiếu kiến thức sẽ càng khiến nỗi sợ nhân lên”.

Vẫn theo Hata, nhà chức trách Nhật đã nhận ra vấn đề và đang nỗ lực đưa thêm các chuyên gia tư vấn tới trợ giúp người sống sót. Hiện số lượng những con người này vẫn còn rất ít, như trung tâm đã nói ở trên mới chỉ có 2 tình nguyện viên là chuyên gia tâm lý trẻ em. “Người sống sót phải nghe quá nhiều tin tức gây căng thẳng từ Tokyo. Và nếu tin tức tốt lành xuất hiện, nó lại tới từ những người sống ở rất xa nên không có ý nghĩa gì với họ cả.” - Hata nói - “ Những con người đáng thương này cần một nhà tư vấn để họ có thể nói chuyện trực tiếp. Họ cần ai đó có thể chia sẻ về các trải nghiệm đã qua”.

Nghi ngờ rò rỉ phóng xạ nguy hiểm ở nhà máy điện

Giới chức Nhật Bản hôm 25/3 thông báo họ nghi ngờ đã có sự rò rỉ nghiêm trọng tại một tò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Nghi ngờ rò rỉ xuất hiện khi 2 công nhân làm việc tại tổ máy số 3 của nhà máy phải nhập viện vì bị bỏng da lúc đang lội qua nước nhiễm xạ. Các thông tin ban đầu nói rằng nồng độ phóng xạ trong nước bẩn cao gấp 10.000 lần bình thường.

Phát ngôn viên Cơ quan An toàn Công nghiệp và Nguyên tử Nhật Bản (NISA) Hidehiko Nishiyama nói rằng hoàn toàn có khả năng hư hại đã xuất hiện ở đâu đó trong lò phản ứng. Ông cho biết một sự rò rỉ ở các ống nước hoặc ống thông khí có thể là nguyên nhân. 2 nạn nhân kể trên đã đưa số công nhân bị thương trong quá trình can thiệp ngăn chặn thảm họa ở nhà máy điện nguyên tử đã tăng lên 17 người. Quan trọng hơn, việc rò phóng xạ, nếu được xác nhận, cũng có nghĩa nó đã diễn ra trong nhiều ngày. Rất có thể sự cố xảy ra trong vụ nổ khí hydro ở lò phản ứng số 3 hôm 14/3 vừa qua. Hiện chưa rõ có chút nước nhiễm xạ nào thấm xuống lòng đất hay không.

Đây được xem là một bước lùi trong cuộc chiến kiểm soát khủng hoảng phóng xạ ở Nhật Bản. Cùng ngày, Thủ tướng Naoto Kan cũng nói rằng tình hình ở nhà máy điện Fukushima Daiichi là “rất nghiêm trọng” và yêu cầu những người có liên quan phải giữ thái độ thận trọng. “Chúng ta không ở trong vị trí có thể lạc quan. Chúng ta phải xử lý mọi tiến triển với sự cẩn trọng tối đa” - ông tuyên bố.

Tường Linh





Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm