09/01/2018 21:27 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 9/1, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC) và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” trong việc thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Quảng Trạch 1. Đáng lưu ý, hầu hết các bị cáo trong nhóm này đều đã nhận tội, duy chỉ có Trịnh Xuân Thanh phủ nhận hành vi tham ô tài sản.
Không thừa nhận ra chủ trương lập khống hồ sơ
Theo cáo trạng, tháng 7/2011, Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) giao cho Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVC, được phân công phụ trách Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) chỉ đạo Lương Văn Hòa (Giám đốc Ban điều hành dự án) chuyển tiền của Dự án cho Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh sử dụng. Việc chuyển tiền được Lương Văn Hòa thực hiện thông qua đầu mối tiếp nhận là Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC) quản lý chi theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, hoặc đưa cho Nguyễn Anh Minh.
Từ ngày 28/9/2011 đến ngày 23/2/2012, Lương Văn Hòa đã cùng cấp dưới gồm: Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban Điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch), Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật Ban Điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch), Lý Xuân Khánh (nguyên Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch Ban Điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch) hợp thức hồ sơ thiết kế, dự toán, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán 4 hạng mục phụ trợ, chuyển cho Nguyễn Anh Minh để Minh chỉ đạo các phòng ban của Tổng Công ty hợp thức thủ tục phê duyệt.
Sau đó, Lương Văn Hòa câu kết với Lê Thị Anh Hoa, Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa) lập, ký 4 hợp đồng khống có nội dung: Ban điều hành thuê Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa thi công 3 hạng mục phụ trợ của dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và 1 hạng mục phụ trợ của dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 để rút tổng số hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành.
Trong hành vi này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị xác định là người đề ra chủ trương, cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh được “ăn chia” số tiền 4 tỷ đồng, Vũ Đức Thuận được chia 800 triệu đồng, Nguyễn Anh Minh hưởng lợi hơn 3,6 tỷ đồng, Bùi Mạnh Hiển được chia 400 triệu đồng… Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh còn phải chịu trách nhiệm cùng Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.
Khai trước Tòa, các bị cáo: Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Lương Văn Hòa, Nguyễn Thành Quỳnh, Lê Thị Anh Hoa, Nguyễn Đức Hưng, Lê Xuân Khánh, Nguyễn Lý Hải… đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Duy chỉ có bị cáo Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc mình đã ra chủ trương lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau. Đồng thời, bị cáo Thanh cũng không thừa nhận việc mình đã tham ô số tiền 4 tỷ đồng nói trên, cũng như khoản tiền 1,5 tỷ đồng sử dụng chung với các bị cáo khác.
Trả lời câu hỏi vì sao bị cáo yêu cầu gia đình bồi thường 4 tỷ đồng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, vì bị cáo cảm thấy có trách nhiệm trước chuyện xảy ra ở PVC nên đã tự nguyện khắc phục 4 tỷ đồng.
Tại tòa, em trai Trịnh Xuân Thanh là Trịnh Xuân Tuấn cho biết, gia đình đã nộp 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả và đang chuẩn bị nộp tiếp để khắc phục hậu quả cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Làm rõ quy trình chuyển - nhận công văn
Liên quan đến việc bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2) khai đã gửi văn bản tới đích danh bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN), nêu rõ Hợp đồng EPC số 33 chưa hoàn thiện, các thủ tục hợp đồng vẫn chưa kết thúc thì tại phiên tòa, bị cáo Phùng Đình Thực phủ nhận, khẳng định không nhận được báo cáo nào từ Vũ Hồng Chương.
Được yêu cầu đối chất, bị cáo Vũ Hồng Chương khai rõ đã gửi đích danh bị cáo Phùng Đình Thực công văn số 85 ngày 27/4/2011, thể hiện hiện trạng chưa đầy đủ của Hợp đồng EPC số 33.
Về vấn đề này, bị cáo Phùng Đình Thực cho biết lần đầu tiên nhận văn bản báo cáo về tình trạng pháp lý của Hợp đồng EPC số 33 vào ngày 16/6/2011 và ngay trong ngày hôm đó đã chỉ đạo các bộ phận tìm phương án giải quyết và ngay lập tức thanh lý hợp đồng.
Bị cáo Phùng Đình Thực còn khẳng định, việc thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã giao cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN). Bị cáo Phùng Đình Thực cũng không phải là người chốt mốc thời gian khởi công dự án.
Về quy trình chuyển – nhận công văn, luật sư của bị cáo Phùng Đình Thực đặt câu hỏi: “Có trường hợp nào công văn từ đơn vị thành viên gửi tới đích danh Tổng Giám đốc mà công văn đó không đến tận tay ông Thực không?”. Bị cáo Thực đã trả lời: “Thực tế, rất nhiều công văn ghi địa chỉ tên tôi, song có văn bản tôi nhận được, có cái tôi không nhận được. Vì theo quy chế về công tác văn thư, Chánh Văn phòng Tập đoàn được phép xem xét chuyển thẳng các văn bản đến các lãnh đạo tập đoàn trực tiếp giải quyết lĩnh vực đó. Một mình tôi không thể giải quyết hết được. Do đó, có công văn chuyển thẳng đến tôi, có công văn mặc dù ghi địa chỉ là gửi cho tôi, nhưng Chánh Văn phòng Tập đoàn lại chuyển đến lãnh đạo khác của Tập đoàn phụ trách giải quyết lĩnh vực đó”.
Liên quan đến nội dung này, luật sư của bị cáo Phùng Đình Thực cũng đã cung cấp cho Hội đồng xét xử 2 công văn do bị cáo Vũ Hồng Chương gửi đến cho bị cáo Phùng Đình Thực đánh cùng 1 số, gửi cùng 1 ngày nhưng hai nội dung khác nhau.
Bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận có sai sót
Trả lời câu hỏi luật sư, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN) thẳng thắn thừa nhận đã có những chỉ đạo quá quyết liệt, nóng vội, nên sau 10 năm nhìn lại, bị cáo tự thấy có những việc do ép tiến độ đã khiến cấp dưới thực hiện công việc trong điều kiện chưa được đầy đủ, dẫn đến sai sót. Nhận trách nhiệm người đứng đầu, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét dự án này trong bối cảnh 10 năm về trước. Khi đó PVN là Tập đoàn lớn, thực hiện nhiều dự án trọng điểm cùng lúc, hành lang pháp lý còn thiếu, vừa làm vừa hoàn thiện.
Bị cáo Đinh La Thăng cũng khẳng định, hiện nay PVC vẫn đang triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, tuy rằng có vi phạm tiến độ nhưng PVC vẫn là tổng thầu đủ năng lực. Ngoài ra, PVC cũng chỉ đảm trách các hạng mục xây dựng, còn lắp đặt máy móc thiết bị là các nhà thầu nước ngoài.
Về Hợp đồng EPC số 33, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, Hội đồng thành viên đề ra chủ trương đường lối thực hiện theo chủ trương của Chính phủ. Còn cụ thể trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư. Trách nhiệm trong việc tạm ứng tiền cũng thuộc về ban điều hành dự án và chủ đầu tư.
Bị cáo Đinh La Thăng cũng khẳng định không hề nhận được báo cáo những thiếu sót về căn cứ pháp lý của Hợp đồng EPC số 33 cho đến khi làm việc với cơ quan điều tra.
Ngày mai, các luật sư tiếp tục tham gia xét hỏi các bị cáo về hành vi cố ý làm trái và tham ô tài sản.
Kim Anh - Nguyễn Cúc (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất