06/09/2022 11:30 GMT+7 | Tin tức 24h
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 vào ngày 6/9 cho biết, trong tháng 8, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức với các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, trong nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi tốt: ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ổn định và cải thiện đời sống người dân.
Theo đó, CPI tháng 8 tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 8 tháng tăng 2,58%, cơ bản tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; thu ngân sách 8 tháng ước đạt 84,8% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021, bảo đảm đủ nguồn cho các nhiệm vụ chi; xuất nhập khẩu tháng 8 ước tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021, tính chung 8 tháng tăng 15,5%, tháng 8 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD, tính chung 8 tháng xuất siêu 3,96 tỷ USD.
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 8 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh, với tổng mức bán lẻ hàng hóa hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, một số công trình hạ tầng quan trọng, chiến lược được đưa vào khai thác, sử dụng trong 8 tháng đầu năm như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Hạ Long - Móng Cái, cầu Thủ Thiêm 2...
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, tăng cường, trong đó đã tổ chức khai giảng năm học mới thuận lợi, với nhiều niềm tin, hy vọng. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, trong đó, tổ chức thành công các hoạt động Kỷ niệm 60 năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào, 55 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia…
Về tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công, đến ngày 28/8, tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là hơn 505 ngàn tỷ đồng, đạt 93,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó vốn trong nước đạt 92,8% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 98,8% kế hoạch.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 31/8 đạt hơn 212 ngàn tỷ đồng, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn với cùng kỳ năm 2021.
Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đến ngày 2/9, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỷ đồng cho gần 4,54 triệu lao động; hỗ trợ 2% lãi suất đạt 13,5 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng; chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52 ngàn tỷ đồng.
Về tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, hiện có 44/52 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc; 2/52 địa phương mới giao một phần kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục quốc gia; 3/52 địa phương đã có nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đang thực hiện rà soát để chuẩn bị cho công tác giao kế hoạch cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc; 3/52 địa phương đang trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc.
Thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, tháng 8 và 8 tháng năm 2022 Việt Nam duy trì lạm phát ở mức thấp, song kinh tế lại tăng trưởng khá; trong khi ở nhiều nước, tăng trưởng kinh tế thấp, lạm phát lại cao. Qua đó cho thấy vai trò chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất kịp thời, hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam: Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023; ADB, IMF giữ dự báo tăng trưởng ở mức 6,5% và 6% năm 2022 so với dự báo trước đó. Bên cạnh đánh giá những kết quả tích cực, các thành viên Chính phủ thảo luận, cho rằng, kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn được đảm bảo song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức; thu hút FDI gặp khó khăn; xuất khẩu đối mặt với rủi ro, thách thức không nhỏ; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; dịch COVID-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp…
Các đại biểu cho rằng, thời gian tới, khó khăn, thách thức là rất lớn, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, thị trường thế giới chậm phục hồi, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta... Trong khi đó, đà phục hồi tiêu dùng trong nước, yếu tố tâm lý, thời điểm gia tăng nhu cầu trong những tháng cuối năm, tạo áp lực lên lạm phát và đầu vào sản xuất trong nước, hoạt động xuất khẩu… Do đó, nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, có thể làm giảm tiềm năng phục hồi kinh tế, tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực, đời sổng người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 Ngày 6/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2022. Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự phiên họp. Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tháng 8 và 8 tháng năm 2022, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; giá dầu biến động mạnh; giá nguyên liệu đầu vào tăng; thị trường bị thu hẹp... Trong khi đó, ở trong nước các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng nặng nề hơn. Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, phải xử lý các công việc tồn đọng, các dự án thua lỗ, yếu kém, kéo dài; xử lý nhiều vấn đề đột xuất nảy sinh, trong khi yêu cầu của nhân dân ngày càng cao... Mặc dù có khó khăn, song tình hình kinh tế-xã hội vẫn đạt được các kết quả cơ bản, khá toàn diện: Kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được đảm bảo; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; đối ngoại được tăng cường. Bên cạnh những kết quả cơ bản, vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục như: đầu tư công vẫn chậm; mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế có vướng mắc; công tác quy hoạch chưa đạt mục tiêu; một bộ phận nhân dân vẫn còn khó khăn; những vấn đề liên quan trật tự an toàn xã hội, an ninh phi truyền thống vẫn tiềm ẩn... Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu dự phiên họp nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, kinh nghiệm để phát biểu ý kiến "đúng, trúng", đi thẳng vào vấn đề, phân tích kết quả, các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học, dự báo tình hình để đưa ra các giải pháp phù hợp, khả thi thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. |
Phạm Tiếp/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất