11/09/2021 06:07 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là người viết lịch sử cách mạng Việt Nam bằng âm nhạc. Từ các cột mốc lịch sử viết trên 5 dòng kẻ nhạc, các văn nghệ sĩ lại nhìn ra nét chân dung con người ông.
1. Nhà báo Lưu Trọng Văn từng là người hàng xóm nhỏ tuổi của nhạc sĩ lớn Lưu Hữu Phước khi nhà bé Văn ở chung số 66, Nguyễn Thái Học, Hà Nội, căn biệt thự kiểu Pháp trông sang Văn Miếu - Quốc Tử Giám; lớn lên anh giải phóng quân Lưu Trọng Văn lại thành đồng đội văn nghệ giải phóng với ông nhạc sĩ khi Lưu Hữu Phước: “… choàng khăn rằn, thắt lưng xệ một khẩu súng trông rất oách”.
Lưu Trọng Văn kể: “Thế Lữ mất vào đầu tháng 6/1989, Lưu Hữu Phước đến viếng. Trước linh cữu, Lưu Hữu Phước hứa sẽ dựng lại nhạc kịch Tục lụy, tác phẩm Thế Lữ phổ thơ từ kịch của Khái Hưng và Lưu Hữu Phước đã phổ nhạc năm 1943. Trớ trêu, Tục lụy lại chính là tác phẩm âm nhạc duy nhất của Lưu Hữu Phước viết về tình yêu lứa đôi. Khói nhang trên mộ nhà thơ Nhớ rừng [Thế Lữ] vừa tan, mấy ngày sau Lưu Hữu Phước ra đi [8/6/1989]. Hàng trăm nữ sinh trong áo dài trắng muốt đã ru ông vào giấc ngủ ngàn thu bằng Hồn tử sĩ, bản nhạc mà Lưu Hữu Phước viết để tiễn những người con của đất nước đã hy sinh cho Tổ quốc”.
2. Có phải Tục lụy là nhạc tình yêu lứa đôi “duy nhất” của Lưu Hưu Phước? Giáo sư - nhạc sĩ Trần Văn Khê từng cho biết, ông còn giữ được bản chép tay tình khúc Hương giang dạ khúc mà Lưu Hữu Phước đề tặng người đẹp - “Thương về Thu Hương”.
Nhạc sĩ Trần Văn Khê kể, Thu Hương là cô gái Huế từng viết thư bày tỏ sự ngưỡng mộ nhạc sĩ trẻ Lưu Hữu Phước, khi anh đang là sinh viên y khoa Đại học Đông Dương ngoài Hà Nội. Thu Hương viết bằng tiếng Pháp khiến chàng trai yêu nước, lịch sự tỏ ý không đồng tình: “Thưa cô, cô là người Việt, mà tôi cũng là người Việt, không hiểu tại sao cô lại viết thư cho tôi bằng tiếng Pháp? Vì thế cô cho phép tôi trả lời cô bằng tiếng Việt”. Thu Hương thưa lại trong thư tiếp theo: “Vì tôi quý trọng nhạc sĩ lắm, nhưng mà tôi là con gái không có quyền gọi nhạc sĩ bằng “anh” mà gọi bằng “ông” thì xa xôi quá. Vì thế tôi đã mượn tiếng Pháp để tự xưng là “je” (tôi) và gọi nhạc sĩ bằng “vous” (anh) một cách bình thường mà lại giữ được sự thân mật. Nếu điều đó đã vô tình làm nhạc sĩ bực bội thì tôi xin nhận lỗi vậy”.
"Đường thư" dẫn tới một ngày Thu năm 1943 nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tới Huế tìm Thu Hương, và rất buồn vì Thu Hương, chỉ là một người ẩn danh nào đó đăng ký địa chỉ ở hộp thư lưu nhà bưu điện trung tâm. Một người bạn trai an ủi Lưu Hữu Phước bằng cách tổ chức một chuyến du ngoạn Huế trên dòng sông Hương, với những cô gái Huế xinh đẹp không phải Thu Hương, khiến nhạc sĩ càng nhớ tiếc làn hương kia, viết ngay được Hương Giang dạ khúc và hát 1 lần duy nhất trước những người bạn mới.
Vài năm sau, Lưu Hữu Phước trao bản thảo cho bạn thân Trần Văn Khê trước khi “lên đàng” theo cách mạng. Mãi tới 1961 khi Trần Văn Khê qua New York dự hội thảo âm nhạc, vào ăn ở một quán cơm Huế, bà chủ quán tên Lan, làm quen, nói chuyện âm nhạc. Khi Trần Văn Khê hát Hương giang dạ khúc thì “Bà chủ nhà ôm mặt khóc. Khóc nức nở”. Và cho biết mình chính là Thu Hương ngày ấy phải ẩn danh vì e ngại!
3. Có chuyện mấy chị, mấy cô cũng “e ngại” có liên quan tới Lưu Hữu Phước, được người trong cuộc, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi kể lại: Mùa Thu 1951, ông được cùng Lưu Hữu Phước và Diệp Minh Châu, Nông Quốc Chấn tham gia đoàn đại biểu thanh niên ta đi dự Festival Thanh niên thế giới tại Berlin. Đi, về những 2 tháng trời. Ban tổ chức yêu cầu đoàn Việt Nam ngoài các hoạt động gặp gỡ, hội thảo, còn phải trình bày riêng một đêm văn nghệ. Đêm biểu diễn này là một mục quan trọng không thể thiếu trong chương trình đại hội. Thật vinh dự nhưng cũng thật là hóc búa. Tất cả đoàn hơn chục người không ai là “ca sĩ, múa sĩ”. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được bầu làm đạo diễn, chỉ huy chương trình, và tất cả cùng tự biên, tự diễn.
Nhưng, vẫn có những khó khăn bất ngờ xuất hiện. 3 đại biểu nữ trong đoàn dù tập làm diễn viên những nhất định không chịu đánh phấn bôi son vì “e ngại” son phấn thế là... "tạch tạch sè" - tiểu tư sản!
Và gần tới ngày biểu diễn, tiết mục mở màn Ca ngợi Hồ Chủ Tịch, Lưu Hữu Phước mới viết xong giai điệu âm nhạc, Nguyễn Đình Thi tiếp sức, viết những dòng ca từ lời 1 để Lưu Hữu Phước hoàn chỉnh tác phẩm của mình cho kịp tiến độ. Vậy mà, khi trình bày, bài hát được giới thiệu: “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch, nhạc Lưu Hữu Phước, lời Lưu Hữu Phước - Nguyễn Đình Thi”. Dù Nguyễn Đình Thi đề nghị không cần đề tên mình. Nhưng Lưu Hữu Phước nhất định không chịu. Và về sau, khi đưa in bài hát, anh vẫn ghi phần tác giả như vậy.
4. Lưu Hữu Phước còn tham gia vào bút danh, đồng thời là chính trị danh Huỳnh Minh Siêng, đó là một liên danh của 3 người bạn cùng một chí hướng Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước - nhóm Hoàng Mai Lưu và biến âm thành Huỳnh Minh Siêng. Cả 3 cùng góp sức để thực hiện đơn đặt hàng lịch sử, viết bài Giải phóng miền Nam cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Nhạc sĩ Lưu Cầu nhớ lại, một sáng liên lạc từ Ban Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trực tiếp đưa anh một công văn viết tay: “Anh Lưu Cầu cho phối khí và ban ca nhạc tập ngay bài này [Giải phóng miền Nam], xong báo tôi biết - Huỳnh Văn Tiểng. Tập xong, ban ca nhạc tới duyệt bài trước một ban “giám khảo” gồm các chính trị gia Lê Duẩn, Phạm Hùng… các nghệ sĩ, ký giả Bảo Định Giang, Lưu Quý Kỳ và nhóm tác giả Hoàng Mai Lưu... Duyệt xong, nhạc sĩ Lưu Cầu theo giám đốc Huỳnh Văn Tiểng tiễn ông Lê Duẩn ra xe và nghe được từ ông 2 chữ “tốt” “hay”. Nhờ 2 chữ này cả ban ca nhạc được Giám đốc Tiểng khao phở ở đường Lý Thường Kiệt, như là cách thêm vào tác phẩm của nhóm mình, một dấu hoa mỹ!
5. Là chiến sĩ nhưng trong đời thường, Lưu Hữu Phước sống rất thi sĩ, hào hiệp, thương người. Có buổi tiết trời giá lạnh đột ngột ở Hà Nội, ông cởi chiếc áo ấm đang mặc tặng anh hùng Núp và chia sẻ: “Chiếc áo này vợ tôi đan bằng sợi len mặc trong lễ tuyên hôn. Tôi tặng anh hùng Núp giữ ấm”.
Từ chiến trường ông viết thư cho người đan áo, bạn đời của mình nữ họa sĩ - cô giáo Trịnh Kim Vinh, bà mẹ của 3 đứa con, mà ngọt ngào như đang viết cho người tình: “Ngày hôm nay sinh nhật của em, anh đang ở một điểm thuộc thành phố Sài Gòn - Gia Định, anh nhớ em. Em đã tròn 40 tuổi, nhưng người cách mạng không bao giờ già. 40 tuổi là 40 mùa Xuân, cứ Xuân mãi đấy thôi…”.
Họa sĩ Trịnh Kim Vinh kể lại: “Trước khi nhận nhiệm vụ về chiến trường miền Nam quê hương, Lưu Hữu Phước tranh thủ làm cho các con cái nhà cho dế mèn ở vì biết các con rất thích dế mèn. Nhà cao 20cm bằng giấy bìa, kiến trúc rất đẹp. Nhà có bậc thang lầu, có hành lang, có cửa sổ, cửa thông qua các phòng để dế mèn chui qua lại và gáy vang… Lưu Hữu Phước về Nam, những đứa con ở lại Hà Nội với mẹ, nhớ cha da diết. Nét mặt chúng thẫn thờ khi nghe tiếng dế gáy”.
Chịu chơi với trẻ, với thiên nhiên đến thế cho nên, bên những tráng ca có nhịp uất nghẹn “xương tan, máu rơi”, có cao trào “cầm gươm, ôm súng xông tới” là mảng ca khúc thiếu nhi trong sáng, lảnh lót, hòa đồng, giúp sự nghiệp âm nhạc của ông cân đối. Có cả những ô nhịp trách nhiệm công dân và những trường canh tình cảm cá nhân nghệ sĩ. Cho tới hôm nay khi những tráng ca của ông được trân trọng cất giữ trong bảo tàng âm nhạc, thì nhưng bài Reo vang bình minh, Thiếu nhi thế giới liên hoan vẫn “liu líu… lôlô… chim oanh ca hát say sưa…” trong các hội diễn văn nghệ thiếu nhi.
Vài nét về nhạc sũ Lưu Hữu Phước Lưu Hữu Phước sinh ngày 12/9/1921 tại quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc thành phố Cần Thơ). Khoảng cuối thập niên 1930, ông lên Sài Gòn học Trường Petrus Ký. Trong thời gian này, ông cùng Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ, làm thành bộ 3 Hoàng - Mai - Lưu và là đầu mối hội tụ những học sinh, sinh viên yêu nước. Sau khi đỗ tú tài, Lưu Hữu Phước ra Hà Nội học ngành y, thuộc Viện Đại học Đông Dương (1940-1944). Trong giai đoạn này ông tham gia phong trào đấu tranh chính trị của sinh viên và sáng tác các ca khúc như: Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hát giang trường hận (Hồn tử sĩ), Hờn sông Gianh, Hội nghị Diên Hồng… Lưu Hữu Phước tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và có những ca khúc nổi tiếng như: Lên đàng, Tuổi hai mươi, Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn, Lãnh tụ ca, Tình Bác sáng đời ta… Sau ngày đất nước thống nhất, ông làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc. Ông qua đời tại TP.HCM ngày 8/6/1989. |
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất