Pep Guardiola và Carlo Ancelotti: Hai triết lí bóng đá xuất sắc với phong cách khác biệt

11/02/2025 18:59 GMT+7 | Bóng đá Quốc tế

Người ta bàn nhiều về cuộc đối đầu đầy duyên nợ giữa Real Madrid và Manchester City tại Champions League, lần thứ 5 chỉ trong vòng 6 năm. Người ta cũng nói về cuộc khủng hoảng của cả hai ông lớn ở mùa giải năm nay. Nhưng không thể bỏ qua được hai nhà quản lí lỗi lạc của hai đội: Pep Guardiola và Carlo Ancelotti. Họ là hai HLV tài năng bậc nhất trong lịch sử bóng đá, nhưng cũng rất thú vị vì đại diện cho hai trường phái quản lí rất khác biệt.

Tầm ảnh hưởng khác biệt của Pep và Ancelotti tại câu lạc bộ

Đây không phải là lần đầu tiên Carlo Ancelotti làm việc tại Bernabeu. Ông đã ở đây đủ lâu để biết chính xác đội bóng này vận hành như thế nào. Mới vài tuần kể từ khi Real Madrid lên ngôi vô địch thế giới cấp CLB một lần nữa. Và cũng chỉ mới sáu tháng kể từ khi ông dẫn dắt đội của mình đến một chiếc cúp Champions League khác — lần thứ hai trong ba năm đối với huấn luyện viên và câu lạc bộ.

Mặc dù tâm trạng bồn chồn, kích động đã bao trùm Madrid trong phần lớn mùa giải, chiến dịch của họ vẫn giữ được nhiều hứa hẹn. Đúng là Real đã liên tiếp hai lần nhận thất bại ê chề trước đại kình địch Barcelona. Đúng là phong độ của họ ở Champions League không đồng đều. Và bên ngoài sân cỏ, họ đã bắt đầu một cuộc chiến pháp lí với các trọng tài Tây Ban Nha, điều này được coi là hành động phá hoại thể chế vô cớ.

Pep vs Ancelotti

Real nâng cao chiếc cúp vô địch C1 lần thứ 15 của CLB

Nhưng đừng quên rằng, họ cũng đang dẫn đầu La Liga. Kylian Mbappe đang bắt đầu tỏa sáng. Họ có thể cảm thấy buồn phiền vì thực tế là lễ bốc thăm vòng play-off Champions League, là thăm may rủi đã đưa Manchester City vào đường đua của họ một lần nữa vào tối nay — lần thứ 5 chỉ trong 6 năm qua. Hai câu lạc bộ đang gặp rất nhiều vấn đề đối đầu nhau — nhưng Real hiểu vấn đề của Man City đang gặp phải còn đang lớn hơn họ nhiều.

Real không rơi vào tình cảnh buộc phải chi gần 200 triệu bảng Anh để sửa chữa những lỗ hổng lớn trong đội hình vào giữa mùa giải. Real không chỉ thắng một trong 13 trận đấu giữa Halloween và Giáng sinh. Real không bị tụt hậu trong cuộc đua giành danh hiệu quốc nội. Dù có bị loại khỏi cúp C1, mùa giải với Real cũng vẫn chưa khép lại.

Nếu ở vị trí của Ancelotti, một người quản lí kém cỏi hơn sẽ có thể thấy hơi khó chịu, thậm chí ganh tị nếu so với Pep Guardiola tại Manchester City. Pep sẽ không bị sa thải nếu City thua. Công việc Pep được bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt, được bọc thép. Mặt khác, những thất bại gần như chắc chắn sẽ định đoạt số phận của Ancelotti.

Pep không bị sa thải dù Man City đang có chuỗi phong độ vô cùng tệ hại

Pep không bị sa thải dù Man City đang có chuỗi phong độ vô cùng tệ hại

Xét về hầu hết các tiêu chuẩn, họ là hai nhà quản lý thành công nhất trong thời đại của họ, sự tương phản đó thật đáng kinh ngạc. Không có gì quá đáng khi Guardiola được miễn nhiễm với sự giám sát: xét cho cùng, ông đã dẫn dắt City đến sáu danh hiệu Premier League trong bảy năm, mang về chức vô địch Champions League đầu tiên trong lịch sử câu lạc bộ. Pep không chỉ định hình lại tầm vóc của CLB Man City, mà còn góp phần định hình nền bóng đá hiện đại.

Việc Ancelotti dường như có thể bị xem là dễ thay thế thật sự là điều đáng ngạc nhiên. Danh sách danh hiệu của ông có thể không dài bằng Guardiola, nhưng không kém phần ấn tượng. Ông đã giành chức vô địch quốc nội ở năm quốc gia khác nhau. Ông đã tham gia sáu trận chung kết Champions League, nhiều hơn bất kỳ HLV nào khác, và giành chiến thắng năm lần. Ông có thể nhận công lao cho chính xác một phần năm trong số 15 chiếc cúp châu Âu của Real Madrid. Đó, phải nói một cách công bằng, không phải là một thành tích tệ.

Lời giải thích dễ dàng nhất, dĩ nhiên, là chỉ đơn giản nhìn vào các ông chủ của họ. Manchester City và Real Madrid có thể tự xem mình là những kẻ nổi loạn ít ai ngờ tới trong bóng đá, những thành viên của giới tinh hoa nhưng lại đóng vai kẻ nổi loạn: bằng cách nào đó, cả hai CLB đều tự thuyết phục rằng lợi ích của họ và lợi ích chung của bóng đá không chỉ giao thoa mà còn đồng nhất.

Với mục đích đó, Man City hiện đang dành một phần đáng kể thời gian để tìm cách thay đổi các quy tắc tài chính của Premier League theo hướng có lợi cho họ. Còn Real, sau nỗ lực tái định hình Champions League theo ý mình, giờ đây lại quyết định rằng họ cũng sẽ phản bác lại những bất lợi do công tác trọng tài mà họ cho là không chính đáng.

Nhưng những điểm tương đồng giữa hai đội bóng kết thúc tại đó. Thành công của Man City luôn bắt nguồn từ khả năng tư duy dài hạn của CLB, bám sát một tầm nhìn và sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ giới chủ siêu giàu. Guardiola bị lôi kéo đến Manchester với lời hứa không chỉ xây dựng một đội bóng mà còn một CLB theo hình ảnh và sở thích của ông. Ngược lại, Real Madrid bị trói buộc bởi truyền thống, bị chi phối bởi lịch sử, những kỳ vọng cao ngất do quá khứ huy hoàng của họ khắc sâu vào thực tại. Đây không phải, và chưa bao giờ là nơi dễ dàng chấp nhận những thất bại. Ancelotti, như tất cả những người tiền nhiệm của ông, hiểu rằng đó đơn giản là một phần của thỏa thuận khi làm việc tại Bernabeu.

Pep và Ancelotti là hai vị HLV giàu thành tích bậc nhất lịch sử

Pep và Ancelotti là hai vị HLV giàu thành tích bậc nhất lịch sử

Sự khác biệt đó giúp minh họa cách hai HLV này nhìn nhận vai trò của mình. Xuất phát điểm có thể bị đánh giá quá cao. Nhưng câu chuyện khởi nguồn của Guardiola và Ancelotti có lẽ là ngoại lệ đáng để đặt cạnh nhau. Một trong những câu chuyện thú vị nhất thế giới về hai vị HLV tài năng bậc nhất trong lịch sử bóng đá.

Sự nghiệp cầm quân vĩ đại

Câu chuyện của Guardiola đã quá quen thuộc: ông từng là cậu bé nhặt bóng của Barcelona, sau đó trở thành cầu thủ, đội trưởng và rồi, vào thời điểm đội bóng quê nhà cần ông nhất, trở thành HLV. Công việc của ông, hay đúng hơn là cách ông nhìn nhận công việc của mình, là đưa một CLB đã lạc lối trở lại con đường chính nghĩa, con đường mà thần tượng và cũng là người thầy của ông, Johan Cruyff, đã đặt ra.

Với Guardiola, huấn luyện là truyền thụ cho các cầu thủ một tầm nhìn cụ thể, được xác định rõ ràng về bóng đá, một bộ nguyên tắc bất di bất dịch, và sau đó hướng dẫn họ hiện thực hóa điều đó trên sân. Sức mạnh của một HLV nằm ở tư tưởng của họ: cái mà người ta gọi chung là triết lý bóng đá.

 Pep Guardiola

Không ai có thể phủ nhận đươc tài năng cầm quân của Pep Guardiola

Những bước đầu tiên trong sự nghiệp huấn luyện của Ancelotti thì rất khác. Công việc lớn đầu tiên của ông cũng ở một CLB quê nhà, hoặc gần như vậy: ông dẫn dắt Parma vào cuối những năm 1990, thời kỳ hoàng kim của Serie A. Ông chủ của ông khi đó là Calisto Tanzi, một ông trùm ngành sữa ,và sau này được phát hiện là một trong những kẻ tham ô hàng đầu châu Âu.

Tanzi có lẽ không phải là kiểu ông chủ muốn nghe về triết lý bóng đá của HLV. Có lần, ông ta chào Ancelotti tại bữa tiệc Giáng sinh của CLB bằng câu: "Cậu có biết đội bóng đang chơi rất tệ không?" Sau đó trong buổi tối, ông ta thông báo rằng nếu Parma thua trận tiếp theo, Ancelotti sẽ bị sa thải. Phản ứng của Ancelotti, như được kể trong cuốn tự truyện đầy chất châm biếm Preferisco La Coppa, là: "Vậy thì, chúc ngài giáng sinh vui vẻ."

Parma và Tanzi là một trải nghiệm học hỏi đối với Ancelotti — không khó để nhận ra định nghĩa về công tác huấn luyện của ông từ những ngày đầu đó. Công việc của ông đơn giản là tìm ra cách để chiến thắng, không chỉ để tận dụng tối đa năng lực của các cầu thủ mà còn để đáp ứng những đòi hỏi không bao giờ thỏa mãn từ giới thượng tầng, trong khoảng thời gian dài nhất có thể.

Ví dụ, ông luôn cảm thấy hối tiếc vì đã không chấp nhận yêu cầu của Parma để ký hợp đồng với Roberto Baggio vào một mùa hè nọ. Baggio muốn có sự đảm bảo rằng anh sẽ được chơi ở vị trí số 10 yêu thích, nhưng Ancelotti không sẵn sàng thay đổi hệ thống của mình, và ông nói thẳng điều đó: "Tôi nghĩ sơ đồ 4-4-2 là tối ưu nhất cho đội hình khi ấy,". Baggio, không hài lòng, đã đến Bologna thay vì Parma. "Tôi đã trở thành Ancelotti, kẻ phản đối sáng tạo," ông viết. Tanzi và các giám đốc CLB, ông tin rằng, chưa bao giờ thực sự tha thứ cho ông vì đã phá hỏng nỗ lực của họ trong việc chiêu mộ một trong những biểu tượng lớn nhất của bóng đá Ý. Parma thậm chí đã công khai thuê người thay thế Ancelotti từ lâu trước khi mùa giải kết thúc.

Pep vs Ancelotti

Ancelotti là một nhà cầm quân với phong cách linh hoạt trong quản lí

Đó là một sai lầm mà ông không bao giờ mạo hiểm lặp lại. Kể từ đó, sự nghiệp của Ancelotti luôn được đánh dấu bởi sự linh hoạt tuyệt đối: trong chiến thuật, trong tuyển dụng, trong nhân sự. Ông không giống như Guardiola, người có một phong cách chơi bóng đặc trưng, một hệ tư tưởng mà ông đặt lên trên tất cả. Ancelotti không đại diện cho điều gì cụ thể theo cách đó. Ông đơn giản làm những gì ông luôn làm: quản lý cả trên lẫn dưới, tìm cách giải quyết bất cứ vấn đề nào được đặt ra trước mắt.

Có lẽ đó là lý do mà, dù thành công rực rỡ, ông chưa bao giờ có một trường phái riêng. Guardiola có hàng loạt đệ tử, gồm những người đã từng làm việc với ông — Mikel Arteta, Vincent Kompany, Enzo Maresca, và nhiều người khác — cũng như những người chỉ đơn giản là ngưỡng mộ ông. Ancelotti thì không. Thật sự mà nói, không có ai nhắc đến "Trường phái Ancelotti" hay ca ngợi một khái niệm như "Ancelottismo." Không có tài khoản mạng xã hội nào dành riêng cho "CarloBall."

Nhưng điều đó không có nghĩa là ông không có ảnh hưởng. Nó chỉ tinh tế hơn một chút. Xabi Alonso, người được kỳ vọng sẽ thay thế ông tại Madrid vào mùa hè này, từng làm việc với tất cả những HLV biểu tượng của bóng đá hiện đại: không chỉ Guardiola và Ancelotti mà còn cả Jose Mourinho và Rafa Benitez. Và chính Ancelotti, Alonso nói, là người ông cố gắng học theo nhiều nhất, đặc biệt là khả năng "biết khi nào cần thúc ép, khi nào cần mềm mỏng hơn, khi nào không được để cầu thủ quá lơi lỏng."

Pep Guardiola và Carlo Ancelotti: Hai triết lí bóng đá xuất sắc – Hai tư tưởng quản lí đối lập - Ảnh 6.

Cuộc so tài giữa Pep và Ancelotti vẫn là kinh điển trong giới bóng đá

Có lẽ ảnh hưởng đó cũng sẽ bền vững hơn một chút. Gần đây, đã xuất hiện những dấu hiệu của sự phản ứng lại với sự thống trị của những HLV theo trường phái triết lý cứng nhắc, một sự mất kiên nhẫn với quan điểm rằng tầm nhìn của một HLV về bóng đá phải là bất biến và không khoan nhượng. Ruben Amorim và Ange Postecoglou, chẳng hạn, đã bị chỉ trích vì quá giống Guardiola và không đủ giống Ancelotti, tại Manchester United và Tottenham Hotspur. Sẽ thật hấp dẫn nếu nói rằng sự linh hoạt, thay vì sự giáo điều, đang trở lại thời kỳ hoàng kim. Ancelotti có lẽ sẽ nói rằng nó chưa bao giờ nên lỗi thời.


Duy Bằng (dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm