Hirst “vượt mặt” Picasso hay chuyện con bò đắt nhất thế giới

22/09/2008 07:35 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Cuộc đấu giá các tác phẩm của nghệ sĩ gây sốc Anh Damien Hirst vừa diễn ra đầu tuần vừa rồi ở London, một sự kiện được giới mỹ thuật đặc biệt chú ý, đã gây bất ngờ lớn: Nó thu về gần 200 triệu USD, phá mọi kỷ lục, đồng thời làm nên “một cuộc cách mạng” trên thị trường nghệ thuật.

Cuộc đấu giá lịch sử
 
 Con bò đắt nhất thế giới (18,4 triệu USD) của Damien Hirst
Cho đến nay, các nghệ sĩ thường bán các tác phẩm mới sáng tác của mình thông qua các gallery hoặc một nhà buôn tranh và tiền “hoa hồng” mà họ phải trả có khi chiếm tới 50% tiền bán tác phẩm. Damien Hirst đã phá thông lệ đó: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, có một nghệ sĩ không nhờ cậy đến các gallery, mà trực tiếp đưa một bộ sưu tập lớn các sáng tác mới của mình ra thị trường thông qua một nhà bán đấu giá. Báo chí phương Tây cho rằng qua đó Damien Hirst đã làm "một cuộc cách mạng" trên thị trường nghệ thuật. Đây cũng chính là lý do vì sao cuộc đấu giá này được giới nghệ thuật đặc biệt quan tâm.

Bản thân Damien Hirst cho rằng bán tác phẩm nghệ thuật theo cách đấu giá chứa đựng rất nhiều sự may rủi, song ông vẫn quyết định lựa chọn nó vì "đó là một cách bán các tác phẩm nghệ thuật đầy tính dân chủ", phù hợp với sự phát triển của nghệ thuật đương đại.

Damien Hirst chọn Sotheby’s ở London để thực hiện cuộc đấu giá của mình. Mang cái tên khá mỹ miều là Beautiful Inside My Head Forever, cuộc đấu giá này đã được tiến hành trong 2 ngày 15 và 16/9 đầu tuần vừa qua, trong đó tổng cộng có 223 tác phẩm mới sáng tác của Hirst được đưa ra chào khách, với tổng giá trị theo ước tính của Sotheby's là 65 triệu bảng Anh (116 triệu USD).

Thành công bất ngờ

Thực tế đã vượt rất xa so với sự mong đợi: Cuộc đấu giá cuối cùng đã thu về 111 triệu bảng (198 triệu USD), qua đó lập một kỷ lục mới đối với một cuộc đấu giá chỉ dành cho một tác giả duy nhất. Kỷ lục cũ thuộc về cuộc đấu giá liền một lúc 88 tác phẩm của Pablo Picasso (1981 - 1973) thuộc bộ sưu tập của Stanley J. Seeger được Nhà Sotheby's ở New York thực hiện năm 1993 (thu tổng cộng 20 triệu USD).
 Cừu ngâm trong formaldehy, một tác phẩm khác của Damien - Hirst - vật trưng bày đầy hãnh diện trong phòng khách của một gia đình giầu có.
Tác phẩm quan trọng nhất trong cuộc đấu giá của Damien Hirst ở London đầu tuần qua là The Golden Calf (Con bò vàng): Đó là một con bò đực được ngâm trong một chiếc tủ kính chứa dung dịch formaldehyde, đầu có gắn một chiếc đĩa bằng vàng 18 carat, sừng và móng guốc được mạ vàng... Nó được trả với giá 10,3 triệu bảng Anh (18,4 triệu USD), qua đó trở thành “con bò đắt nhất thế giới”.

Trừ The Golden Calf có giá bán thấp hơn so với ước tính ban đầu (12 triệu bảng), hầu hết các tác phẩm khác đều được bán ra với giá cao hơn nhiều so với dự kiến. Thí dụ một con cá mập ngâm trong formaldehyde đạt giá 9,5 triệu bảng, cao gần gấp đôi so với dự tính ban đầu. Fragments Of Paradise (Những mảnh vỡ của thiên đường), một tác phẩm sắp đặt được tạo ra từ thép quý, kính và kim cương, đã được chủ nhân mới của nó trả với giá 5,2 triệu bảng, cao gấp 3 lần so với mức chờ đợi.

Đại diện của Sotheby's hân hoan: “Thành công của cuộc đấu giá càng đáng chú ý khi người ta biết nó được tiến hành vào đúng thời điểm nền kinh tế đang trong tình trạng suy thoái”.

Không dành cho những tác giả chưa có tên tuổi?

Cuộc đấu giá thành công bất ngờ của Damien Hirst đặt ra cho giới nghệ thuật câu hỏi: Liệu đây có phải là hướng đi mới trên thị trường nghệ thuật? Câu hỏi đó thật khó trả lời.

Điều chắc chắn là hình thức này khó có thể áp dụng cho những nghệ sĩ chưa có nhiều tên tuổi. Sotheby's sẵn sàng đưa bộ sưu tập các tác phẩm mới sáng tác của Damien Hirst ra đấu giá trước hết vì ông hiện đang là một nghệ sĩ "thời thượng" có tên tuổi và đang rất ăn khách.
 Damien Hirst ngồi bên một con ngựa vằn ngâm trong bể kính chứa formaldehy, một tác phẩm được bán trong cuộc đấu giá đầu tuần vừa rồi
Damien Hirst, sinh 7/6/1965, học mỹ thuật tại Goldsmiths College (London). Là một trong những người mở đầu trào lưu Young British Artists (Nhóm nghệ sĩ trẻ Anh, viết tắt: YBAS) và được mệnh danh là người "kết liễu nghệ thuật hiện đại Anh", ông là nghệ sĩ gây được nhiều chú ý nhất ở Anh trong hai thập kỷ qua và hiện là một trong những nghệ sĩ đương đại có tiếng nhất thế giới.

Damien Hirst thường xuyên gây sốc bởi một trong những đề tài trung tâm trong các tác phẩm của ông là... cái chết. Thường dùng xác động vật làm "chất liệu" sáng tác, Damien Hirst được nhiều người biết đến nhất qua loạt tác phẩm Natural History (Lịch sử tự nhiên), trong đó ông ngâm nguyên vẹn những con vật (như cá mập, cừu hay bò...) trong dung dịch formaldehyde.

Trong vòng khoảng 4 năm trở lại đây, Damien Hirst liên tục gây xôn xao dư luận nhờ bán được tác phẩm với những cái giá cao bất ngờ.

Bắt đầu với một con cá mập dài 4,3 mét ngâm trong bể kính chứa formaldehy - mang cái tên đầy ẩn ý The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living (tạm dịch: Sự bất khả về thể xác của cái chết trong tâm trí một ai đó đang sống) - được tỷ phú Steven A. Cohen mua năm 2004 với giá 6,5 triệu bảng Anh (khoảng 12 triệu USD).

Đầu năm 2007 vừa rồi, loạt 28 bức tranh của Hirst mang tên Superstition (Mê tín), được tạo ra bởi những con bướm chết ép khô đủ màu dán lên toan, đã thu được 25 triệu bảng Anh (khoảng 49 triệu USD), qua đó anh đã vượt qua Jasper Johns để trở thành "nghệ sĩ (tạo hình) đang sống có tác phẩm cao giá nhất thế giới".

Giữa năm ngoái, Damien Hirst lại gây ầm ĩ với tác phẩm For the love of God (Vì tình yêu của Chúa), đó là một hộp sọ được nạm kim cương được bán với giá 50 triệu bảng (98 triệu USD).
 
Chỉ là thời thượng?

Cuộc đấu giá thành công của Damien Hirst sẽ tiếp tục làm các nhà kinh tế phải đau đầu.

Hồi đầu năm nay, Giáo sư kinh tế Mỹ Don Thompson đã phải viết hẳn một cuốn sách về hiện tượng Damien Hirst, nhan đề The $12 Million Stuffed Shark: Curious Economics of Contemporary Art (“Con cá mập ướp 12 triệu USD: Kinh tế học kỳ quặc của nghệ thuật đương đại và các nhà đấu giá”), trong đó tìm cách lý giải vì sao có một người (cụ thể là nhà tỷ phú Steven A. Cohen) sẵn sàng chi tới 12 triệu USD để mua một con cá mập đang dần thối rữa.

Giờ đây người ta cũng phải đặt câu hỏi: vì sao có người chi tới 18,4 triệu USD để mua một con bò mà chắc chắn đến một lúc nào đó cũng sẽ thối rữa, dù có được ngâm trong formaldehy?

Câu trả lời: Đơn giản là vì chúng là tác phẩm của một nghệ sĩ “thời thượng” đang được nhiều người nhắc đến tên tuổi. Don Thompson gọi kiểu sưu tầm nghệ thuật chạy theo tên tuổi tác giả như vậy là "Nghệ thuật chiến lợi phẩm". Ông định nghĩa "nghệ thuật chiến lợi phẩm” là “khi người ta đã có một căn hộ đắt tiền ở London, một lâu đài ở miền Nam nước Pháp hay một du thuyền xa xỉ và chẳng còn thứ gì hơn thế nữa có thể biểu lộ sự giàu có của mình, ngoài việc mua bằng được tác phẩm của một nghệ sĩ nào đó mà nhiều người biết đến, như Warhol, Hirst, hay Picasso”.

Nhờ kiểu sưu tầm nghệ thuật đó, Damien Hirst hiện là một trong những nghệ sĩ giàu có nhất thế giới. Và dường như Hirst đang tranh thủ sự nổi tiếng của mình để làm giàu. Người ta phê phán ông hiện thuê gần 200 người (!) để cùng ông tạo ra những tác phẩm nghệ thuật như là những mặt hàng “sản xuất hàng loạt”. Có người bảo: Chỉ cần ngâm một con vật nào đó vào bể kính, rồi đặt cho nó một cái tên thật kêu, là bán được hàng triệu USD, thì tội gì mà Damien Hirst không làm!
Đăng Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm