Ông Tuấn rời ghế: Người đặc biệt đã rời VFF

27/12/2011 08:46 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Khi ông Trần Quốc Tuấn ngồi ghế TTK VFF, ông được coi là người đặc biệt bởi trẻ nhất trong lịch sử ghế TTK VFF - 34 tuổi. Thế nhưng, sau 6 năm vắt qua gần 2 nhiệm kỳ, những dấu ấn mà ông Tuấn để lại là không nhiều, dù ông là người đang sở hữu rất nhiều chức danh cả ở trong nước cũng như quốc tế.

1. Hôm rồi, ngồi đàm đạo với Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, nhắc đến thất bại của U23 tại SEA Games 26, bất giác ông Viễn buột miệng: “Thú thực, chúng tôi tin vào khả năng U23 vô địch quá. Cho dù thế, Tuấn cũng không nên cố bám trụ cái ghế trưởng đoàn làm gì. Lần này, ông trời không còn thương bóng đá VN, kiểu như AFF Suzuki Cup 2008”.


Chỉ trong vòng có 4 ngày, chiếc ghế TTK VFF của ông Trần Quốc Tuấn đã có những thay đổi chóng mặt. Ảnh: VSI

Và rồi, ông Viễn bồi hồi nhớ lại trận gặp Malaysia năm đó, ông ngồi trên khán đài. Tình huống Vũ Phong tung sút nửa chuyền bóng ở phút 88, thủ môn Malaysia đã đoán chính xác điểm đến của quả bóng. Đúng lúc đó, ông Viễn ngỡ ngàng khi thấy một cơn lốc xoáy rất mơ hồ xuất hiện khiến quỹ đạo của quả bóng thay đổi, vập vào mô đất và hạ gục thủ thành đối phương. Bàn thắng bằng đầu của Công Vinh, ông Viễn cũng lý giải do may mắn là chính. Pha tỳ sau của hậu vệ Thái Lan làm Công Vinh bị nghiêng người ra sau, đồng nghĩa cái đầu cũng phải hất ngược theo thân mình, tạo ra bàn thắng như một tác phẩm nghệ thuật do thiên nhiên sắp đặt. Bóng đá không thể thiếu  yếu tố may mắn, rất khó lý giải, thực tế đường đến vinh quang của ĐTVN năm đó luôn đồng hành với may mắn. Lần đó, không biết có sếp nào ở VFF tiếc khi không quyết tâm ngồi ghế trưởng đoàn, thay vào đó là ông Dương Vũ Lâm, Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn.

SEA Games năm 2009, cả nước đều có niềm tin quá lớn rằng U23 sẽ vô địch. Lãnh đạo VFF cũng tuyên bố bây giờ không vô địch thì chẳng bao giờ vô địch. Không ngờ lập ngôn đó ám vào bóng đá VN như một lời nguyền. U23 đã vượt qua Malaysia ở vòng bảng, nhưng đến chung kết thì đã bị đối thủ đốn ngã. Một nửa đội bóng - thủ môn Tấn Trường gãy vai, đường bóng đơn giản nhưng cái chân của Xuân Hợp như bị ma điều khiển, phá tan giấc mộng vàng của bóng đá VN. Trớ trêu, trưởng đoàn lần đó lại là ông TTK Trần Quốc Tuấn.

SEA Games 26, chỉ nhìn bảng đấu thì U23 VN quá “thơm”. Có nghĩa, đường đến  ngôi vô địch thực tế chỉ có 2 trận: bán kết (nếu thắng) và chung kết. Với tiền thưởng ngất trời, cũng có khả quan sẽ khỏa lấp hạn chế nếu có của U23, để vượt qua các rào cản lớn nhất. Nếu vô địch, tấm HCV sẽ giúp VFF có thể nở mày nở mặt như hồi cuối năm 2008, nhưng tất cả đã quay ngoắt với U23 VN trong cay đắng.

Trận thua tan nát trước Myanmar hôm tranh HCĐ SEA Games 26 gợi nhớ đến ký ức kinh hoàng: U23 VN thua U23 Singapore 0-5 trận tranh HCĐ ở SEA Games 24. Lần đó, trưởng đoàn không ai khác lại là ông Trần Quốc Tuấn. Đúng là nghiệp chướng!

3 kỳ liên tiếp làm trưởng đoàn U23 VN dự SEA Games (24, 25, 26), một lần ở AFF Suzuki Cup 2010, như vậy 4 lần làm trưởng đoàn không thành công, quá đủ để ông Tuấn phải tự vấn trách nhiệm, danh dự của mình.

2. Tuy thế, mọi chuyện cần phải rạch ròi. Bóng đá, cầu thủ và BHL quyết định đến thành tích. Ông trưởng đoàn có mặt chỉ với vai trò quan chức lãnh đạo, giải quyết những việc phi chuyên môn là chính. 4 thất bại kể trên là do sự kém cỏi mang tính hệ thống của nền bóng đá. Nếu quy trách nhiệm cho ông Tuấn, thì nên khu biệt vai trò TTK VFF trong nền bóng đá trì trệ. Vị TTK trẻ này dường như đã không tập trung vào sứ mệnh của mình, một TTK trẻ được kỳ vọng sẽ làm điều gì đó thần kỳ cho bóng đá VN…

Trong bức tranh nhợt nhạt chung và lỗi hệ thống của bóng đá VN, chỉ HLV Falko Goetz và TTK Trần Quốc Tuấn chịu trách nhiệm, gãy ghế là không công bằng. Suy cho cùng, ông Tuấn cũng chỉ là một cá nhân trong tập thể VFF. Thật là nghịch lý khi bao nhiêu “ông già” trong ngôi nhà VFF vẫn trụ vững, trong khi một vị lãnh đạo trẻ như ông Tuấn lại phải ra đi.

Nhiều người trách ông Tuấn quá ôm đồm chức tước, có khôn nhưng vẫn còn khôn lộ. Âu cũng là số phận cả, giống như thời ông trúng ghế TTK nhiệm kỳ V cứ như bị “ma làm”, do tất cả các “đối thủ” bỗng dưng tự làm mình ngã ngựa.

Thôi thì đành chia tay và nói lời an ủi: ông Tuấn đã 6,5 năm ngồi ghế TTK VFF, được không ít và mất cũng không ít.

NGỌC HÒA


Ông Trần Quốc Tuấn được bầu vào vị trí TTK VFF tại Đại hội VFF khóa V (năm 2005). Sau kỳ Đại hội VI, ông Trần Quốc Tuấn được Chủ tịch VFF tiếp tục bổ nhiệm nắm giữ vị trí này. Hiện nay ông Trần Quốc Tuấn đang đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Ban chấp hành LĐBĐ châu Á (AFC), Phó ban Futsal AFC, Ủy viên ban Tầm nhìn châu Á và phó ban Trách nhiệm xã hội AFC. Tại LĐBĐ Đông Nam Á (AFF), ông Trần Quốc Tuấn giữ cương vị Ủy viên Hội đồng AFF, Ủy viên ban Các vấn đề khẩn cấp AFF và Ủy viên ban Thi đấu AFF. Ông Trần Quốc Tuấn cũng là đại diện VN lần đầu tiên tham gia vào BCH AFC kể từ khi bóng đá VN gia nhập tổ chức này. Box2:

VFF chưa sa thải HLV Goetz

Cũng tại cuộc họp báo chiều qua, Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung khẳng định VFF vẫn chưa sa thải HLV Falko Goetz mà phải chờ vào quyết định cuối cùng của Hội đồng HLV QG. Theo ông Lân Trung, việc sa thải HLV Goetz sẽ phải chờ cuộc họp của Hội đồng HLV QG để nghe ý kiến các thành viên Hội đồng, sau đó Thường trực VFF mới có quyết định cuối cùng.

Thành Đạt





Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm