Anh thợ mộc 20 năm sưu tập tranh thờ

20/10/2009 16:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chiều nay, 20/10, một triển lãm đặc biệt của một chủ nhân đặc biệt sẽ khai mạc tại 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Đó là  triển lãm tranh thờ Việt Nam trong bộ sưu tập của anh Phạm Đức Sĩ - một người thợ mộc.

 Công tào Thiên phủ, Địa phủ, tranh thờ dân tộc Dao, sưu tập Phạm Đức
1.
Vào những năm 1990, trước tình cảnh những di sản văn hóa ngày càng mai một, có ba người bạn rủ nhau sưu tập tranh tượng, đồ gốm cổ và hiện đại. Ba người gần như có một thỏa thuận nhẹ nhàng. Nguyễn Linh (sinh 1959) sưu tập gốm Lý Trần và tranh Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Hạnh (sinh 1972) sưu tập gốm men lam, tranh của họa sĩ Đông Dương và Phạm Đức Sĩ (sinh 1967) sưu tập tranh dân gian, đặc biệt là tranh thờ miền núi, đồ gốm và đồ đồng Đông Sơn.


Từ một hẹn ước không lấy gì làm chắc chắn, nhưng cả ba đều thực hiện nghiêm túc và đến nay bộ sưu tập của họ thật đáng nể. Để có tiền mua hiện vật, cả ba đều phải làm ăn vất vả ngoài nghề nghiệp được học hành của mình. Nguyễn Linh vốn là họa sĩ có tiếng từ khi là sinh viên, thì mở thêm hàng cơm. Trần Hạnh dạy học ngoại ngữ còn Phạm Đức Sĩ thì làm thợ mộc. Cái tên Sĩ “mộc” gắn với anh cho đến tận bây giờ. Lúc đó, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội luôn cần một thợ mộc đóng khung tranh, làm bục tượng cho các bài thi tốt nghiệp và những triển lãm khác. Công việc đã qua vài người, nhưng hầu như không chuyên nghiệp, cuối cùng thì Sĩ cũng nhận được công việc chính thức không lấy gì làm ghê gớm đó, và cũng không thợ mộc nào mong ước. Nhưng hội họa Việt Nam lúc đó nảy nở như nấm gặp mưa, các triển lãm trong Nam ngoài Bắc liên tục được mở cửa, các gallery đắt hàng như tôm tươi, mà người đóng khung chỉ lèo tèo. Sĩ nổi tiếng nhất trong những thợ mộc làm khung tranh bởi chất lượng và sự hợp về thẩm mỹ với những bức tranh, nên anh làm ăn cũng phát đạt, và quan trọng là có chút vốn liếng cho tình yêu văn hóa của mình.

Bộ sưu tập tranh thờ này là kết quả của hơn 20 năm lặn lội, tìm hiểu, mua bằng được những gì mình thích, và học những vốn liếng văn hóa dân tộc chỉ qua kinh nghiệm sưu tầm. Đến nay kho tàng của anh đã có hơn 400 bức tranh thờ và ý nguyện của anh là muốn in một cuốn sách về gia tài đó, rồi trưng bày cho công chúng thưởng lãm. Nhờ tính hệ thống của bộ sưu tập nên việc tiến hành nghiên cứu đời sống tín ngưỡng, văn hóa, tập tục và lịch sử của nhiều tộc người, tất nhiên là cả giá trị thẩm mỹ, được dễ dàng hơn.  

2. Nghiên cứu về tranh dân gian nói chung và tranh thờ nói riêng, trước đây đã có một số công trình xuất bản về tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống. Nhà Hán Nôm Cung Khắc Lược, họa sĩ Phan Ngọc Khuê, họa sĩ Đỗ Đức và vài người khác đã có những cống hiến nhất định. Gần đây nhất là cuốn Tranh thờ các dân tộc thiểu số phía Bắc (NXB Lao động xã hội năm 2006) của một nhóm họa sĩ, và dưới sự tài trợ của quỹ Đông Sơn đã trưng bày cả triển lãm tranh tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tuy nhiên, cuốn này chỉ được viết bằng những cảm nhận vui vẻ của các họa sĩ. Ngược lại cuốn Tranh thờ Đạo giáo ở Bắc Việt Nam (NXB Mỹ thuật, Hà Nội 2001) của Phan Ngọc Khuê thì chứa rất nhiều kiến thức tôn giáo, tập tục đến mức đọc rất vất vả để hiểu tác giả muốn nói gì. Nhưng có thể nói về mặt tư liệu đó là cuốn sách rất bổ ích.


Ngọc Hoàng thượng đế, tranh thờ (Tranh trái) và
Tổng đàn, tranh thờ dân tộc Dao, sưu tập Phạm Đức Sĩ


Vào năm 1987, nhân đi dạy học ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, tôi có tham quan bảo tàng các dân tộc Việt Bắc và thấy ở đây rất nhiều tranh thờ, áo thầy mo. Tôi nói những ý nghĩ của mình về tranh thờ với vài nhân viên bảo tàng, sau đó lập tức được ông giám đốc, mời đến khảo cứu và tổ chức một buổi nói chuyện. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với một kho tàng tâm linh như vậy.

Vài năm sau, họa sĩ Trần Nguyên Đán cho tôi xem những tranh thờ trong kho của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bộ phận mà ông phụ trách, tôi càng kinh ngạc hơn về thế giới huyền thoại này và bắt đầu cảm nhận được hệ thống của nó. Đạo giáo và các vị thần Đạo giáo là xương sống cơ bản của tranh thờ miền núi và tranh thờ Đạo giáo nói chung, nhưng khi đi qua từng vùng miền những sắc thái địa phương và tín ngưỡng bản địa lại xen vào, khiến cho nội dung của tranh thờ từng dòng từng vùng rất khác  nhau. Khi biên soạn cuốn Đồ họa cổ Việt Nam (NXB Mỹ thuật, Hà Nội 1999) tôi căn cứ vào những tranh thờ trong cuốn Niên họa của một bộ sưu tập Nga về tranh dân gian Trung Quốc để đưa ra những vị thần Đạo giáo. Và cuối cùng khi có cuốn Đạo giáo thiên tôn địa tiên cát thần đồ thuyết của Hòa Tam Thiên và Ngô Kiều (Hắc Long Giang Mỹ thuật Xuất bản xã, 2005), mua trên đường đi Tây Tạng, thì đã hiểu được cái phả hệ thần trong Đạo giáo Trung Quốc như thế nào.

Hệ thần này chia làm bốn bộ: bộ thứ nhất Thiên tôn gồm 32 loại thần vị, bộ thứ hai Hộ pháp Thần tướng gồm 9 loại thần vị, bộ thứ ba là Địa tiên gồm 54 loại thần vị, bộ thứ tư Dân gian Cát thần gồm 54 loại thần vị. Có loại chỉ có một thần, có loại lại có nhiều thần, ví dụ Thập điện Diêm vương có 10 thần vị, Nguyên sư có 4 thần vị.

Có thế nói số lượng thần Đạo giáo là rất đông đảo và phức tạp, tất nhiên có những thần vị không xuất hiện ở Việt Nam (như Lý Bạch) và ngược lại trong cây phả hệ Đạo giáo Trung Quốc không có Tam tòa Thánh mẫu như ở nước ta, mà có những nữ thần khác. Có thần ắt có tượng về thần, nhưng ở Việt Nam các am quán Đạo giáo không phát triển, thay vào đó các tranh thờ Đạo mẫu ở đồng bằng và tranh thờ Đạo giáo ở miền núi thì phong phú vô cùng. Đặc biệt tranh thờ miền núi luôn tìm thấy ở các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Dáy, Sán Dìu và có thể xuất hiện ở vài sắc tộc khác. Những sắc tộc miền núi phía Bắc, trong lịch sử của mình di cư và đi lại từ miền Nam Trung Quốc sang Việt Nam, họ nói nhiều ngôn ngữ Tày Thái (rộng ra là Môn-Khmer), Tạng Miến, Hoa và các biến thể phương ngữ Hoa nam. Đạo giáo phổ biến trong đời sống tín ngưỡng của nhiều sắc tộc đó, nên tranh thờ là một trong những hoạt động tín ngưỡng quan trọng, chỉ bị thất lạc, bị bán đi và có nơi không được tiếp tục ra đời trong khoảng 50 năm trở lại đây, cùng với sự suy thoái sắc tộc trong cơn lốc hiện đại hóa.

3. Triển lãm bộ sưu tập tranh thờ của Phạm Đức Sĩ là một việc làm có ý nghĩa trong hoàn cảnh những giá trị truyền thống và đặc sắc dân tộc đang được chú trọng và có thể giúp cho các cộng đồng xích lại gần nhau hơn khi thông hiểu văn hóa của nhau.

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm