Ông Hoàng Vĩnh Giang, TTK kiêm PCT UB Olympic VN: “TTVN đang đi đúng hướng”

03/01/2011 12:02 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Là một nhà chuyên môn kỳ cựu và có vai trò cực kỳ quan trọng với sự phát triển của thể thao VN (TTVN) trong mấy thập niên vừa qua, ông Hoàng Vĩnh Giang cho rằng TTVN đang đi đúng hướng với mục tiêu lấy Asian Games và Olympic làm cái đích hướng tới.

“Asian Games 16 là một thành công về chuyên môn”

* Thưa ông, thành tích của TTVN ở Asian Games 16 vừa qua có nằm ngoài dự đoán của ông? Trước lúc đoàn TTVN lên đường, ông có nghĩ là chúng ta sẽ gặp khó khăn đến mức ấy hay không?

- Có, tôi có nghĩ khó khăn như thế và tôi đã nhắn tin cho ông Vương Bích Thắng (Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT-PV) để nói rằng không nên đặt chỉ tiêu từ 4 tới 6 HCV, mà chỉ nên đặt chỉ tiêu khoảng 3 HCV là cùng, bởi vì đúng là TTVN có cơ hội giành HCV ở nhiều môn, nhưng tham dự đấu trường Asian Games thì không thể chủ động hoàn toàn về vấn đề này. Thế nên, tốt nhất là đặt chỉ tiêu bằng Asian Games 2006 ở Doha (3 HCV), rồi biết đâu chúng ta có thể làm tốt hơn … Tôi có nói với ông Thắng như thế và ông Thắng trả lời đấy là ý kiến đề xuất của HLV các bộ môn.

Tuy nhiên, theo tôi cũng cần phải đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề này. Cho đến lúc này, nhiều ý kiến cho rằng chỉ tiêu giành từ 4 tới 6 HCV của đoàn TTVN không đạt là một thất bại rất lớn, đứng về mặt số học thì như thế không sai.

Thế nhưng, bản chất bên trong có 2 vấn đề cần được nêu lên. Thứ nhất, tổng số HC của TTVN ở Doha là 23 chiếc, nhưng tổng số HC ở Quảng Châu là 33 chiếc, và ở Doha có 3 môn thể thao Olympic có HC, trong đó có 1 HCB, còn ở Quảng Châu, TTVN có đến 5 môn thể thao Olympic có HC, trong đó có 7 HCB (3 của điền kinh, 2 của đua thuyền, 1 của taekwondo, 1 của vật). Như vậy, nếu xét theo góc độ lấy các môn thể thao Olympic làm chủ công thì rõ ràng TTVN đang đi đúng hướng.


Ông Hoàng Vĩnh Giang cho rằng TTVN đang đi đúng theo con đường lấy Asian Games và Olympic làm hướng phát triển chủ đạo

Nên nhớ rằng từ trước tới nay TTVN chưa lần nào giành HCV tại Asian Games với 1 môn thể thao của Olympic. Tại Asian Games năm 1994 ở Hiroshima và năm 1998 ở Bangkok, TTVN giành được 2 HCV taekwondo nhưng taekwondo khi ấy chưa phải là môn thể thao Olympic, còn cầu mây, thể hình, karate cho tới giờ vẫn chưa được đưa vào hệ thống Olympic.

Thế nên, nếu đánh giá về mặt số học thì kém, còn nếu đánh giá về chuyên môn thì tôi cho rằng đó là sự tiến bộ, vì thế, ở Quảng Châu vừa rồi, có tới 18 lần VĐV VN vào chung kết, chỉ có một lần được HCV và 17 lần thất bại, và trong 17 lần thất bại ấy, có những cú trượt chân rất đáng tiếc như Xuân Vinh (bắn súng) hay Hoài Thu (taekwondo), nhưng 3 HCB của điền kinh là một kỳ tích.

* Vừa qua Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch đã công bố chiến lược phát triển TDTT VN giai đoạn 2010-2020, và từ giờ trở đi TTVN sẽ tập trung vào các môn nằm trong hệ thống thi đấu của Asian Games và Olympic Ông có cho rằng TTVN đang đi đúng hướng?

- Tôi cho rằng TTVN đang đi đúng hướng và chúng ta bắt buộc phải như vậy. Bắt đầu từ Asian Games năm 2014 tại Incheon (Hàn Quốc) trở đi, chương trình thi đấu chỉ có 28 môn thuộc hệ thống Olympic và 7 tới 9 môn thể thao khác như wushu, karate, kabbadi, cầu mây, bóng mềm, bóng chày, cricket… Bây giờ người ta làm chặt như thế nên TTVN dù là đi Asian Games hay Olympic thì cũng đều phải hướng theo các môn thể thao Olympic. Theo tôi, việc Chính phủ phê duyệt danh sách 10 môn thể thao trọng điểm loại 1 và 22 môn TT nhóm trọng điểm loại 2 cần được đầu tư là rất hợp lý. Đây là chiến lược phát triển trọng điểm để nâng tầm TTVN, còn nếu để phát triển cho đủ các môn TT Olympic thì TTVN còn thiếu nhiều lắm (3 môn phối hợp, 5 môn phối hợp, đua ngựa, hockey trên cỏ, đua thuyền buồm…).

“Không có cái gọi là đi tắt đón đầu”

* Ở Asian Games vừa rồi, TTVN chỉ có 1 HCV, xếp sau 6 nước Đông Nam Á, trong đó có cả Myanmar, trong khi ở các kỳ SEA Games từ năm 2003 tới nay, TTVN luôn có mặt ở tốp 3, ông có nghĩ đây là một sự mâu thuẫn?

- Theo tôi đây hoàn toàn không phải là sự mâu thuẫn, mà nó phụ thuộc vào cách tính HCV. Chẳng hạn thể thao Myanmar không thể so sánh với TTVN, nhưng vì VN thi đấu ở môn cầu mây chưa thành công như ở Doha và trong 18 lần vào chung kết thì thần may mắn chỉ mỉm cười với VN đúng có 1 lần, còn Myanmar giành được 2 HCV (cầu mây đôi nam và đôi nữ-PV) nên xếp trên. Nhưng không thể chỉ dựa vào con số HCV để đánh giá về năng lực của TTVN. Ở Asian Games 16, còn tồn tại 1 bảng tính khác, đó là tổng số HC của các nước. Theo bảng này, VN đứng thư 13 với 33 HC chứ không phải là 24, còn ở đấu trường ĐNA Thái Lan có 52 HC, Malaysia có 42 HC, vì thế VN đứng thứ 3 ĐNÁ chứ không phải đứng thứ 7, và tại Asian Games nếu chiếu theo số HC thì VN đứng thứ 13 chung cuộc chứ không phải thứ 24. Mà với chiến lược phát triển mới của TTVN thì những HCV của thể hình và billiard snooker… sẽ không còn cơ hội ở Asian Games nữa. Tuy trước đó, những môn này nhiều lúc đã  mang lại vinh quang cho TTVN, nhưng nay Chính phủ đã xác định chiến lược cho thời kỳ 2011-2020 thì chúng ta phải thay đổi, phải chú trọng tới các môn thể thao thuộc hệ thống Olympic và Asian Games.

* Với việc sửa đổi này thì giai đoạn đi tắt đón đầu của TTVN coi như đã kết thúc, giờ là lúc chúng ta chọn đường thẳng để đi. Ông có đồng ý với quan điểm ấy không?

- Tôi không đồng ý với quan điểm đó. Nếu nói bây giờ TTVN đã hết giai đoạn đi tắt đón đầu thì cũng được thôi, nhưng thực ra không ai đề ra đi tắt đón đầu cả. Tôi là người được coi là cha đẻ của cái “chiến lược” này, nhưng không phải mang tên “đi tắt đón đầu, lấy nữ làm chủ công”, mà vì người ta thích nói thế thì tôi nói theo, chứ không phải vậy. Vì sao? Ví dụ năm 1989, TTVN có 19 môn, đi thi SEA Games 15 tại Kuala Lumpur (Malaysia) có 6, 7 môn, mang về 3 HCV, xếp thứ 7/9 nước. Nếu không mang về những môn TT mới thì làm sao mà nâng cao thành tích, làm sao hoà nhập với đấu trường khu vực? Có nhiều môn rất phổ biến ở đấu trường ĐNA mà nhiều lãnh đạo TTVN không biết, như cầu mây, pencak silat, nhưng nếu không mang nó về thì làm sao? Cái đó không phải là đi tắt, mà phải nói là nếu không đi thì không được. Bây giờ cũng còn nhiều môn ở Asian Games và Olympic mà TTVN không có, nên phải lựa chọn những mặt mạnh của TTVN để tiếp cận với nó. Bản chất của sự việc không phải là đi tắt mà là du nhập để phát triển, từ đó mới có hành trang để hòa nhập vào các đấu trường quốc tế, hay nói cách khác là phải “hoà nhập để tràn vào” chứ TTVN đâu đã có gì nhiều mà đi tắt?

“TTVN vẫn cần phát triển cả chiều rộng và chiều sâu”

* Thưa ông, có mâu thuẫn gì giữa tiếp tục du nhập các môn thể thao mới với việc phát triển một số môn trọng điểm?

- Không, một mặt chúng ta cần có đủ các môn TT để đứng ra đăng cai Asian Games. VN đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Đối với ngành TT, việc phấn đấu giành quyền tổ chức Asian Games năm 2019 là rất cần và hiện nay, Hà Nội đang có cơ hội. Song, phải được Chính phủ phê duyệt và triển khai các thủ tục “đấu thầu đăng cai” trước tháng 3/2011, qua đó, ở Hà Nội cần phải có khu TT mới với những công trình xây dựng mới cho năm 2019, để sớm có kế hoạch báo cáo cho OCA. Trong chiến lược phát triển TTVN giai đoạn 2010-2020 đã ghi rõ đề án đăng cai tổ chức ĐH TT châu Á lần thứ 18 năm 2019 tại VN. Chính phủ đã phê duyệt như vậy, vì thế chúng ta phải tiếp tục tạo điều kiện cho những môn TT Olympic mà chúng ta chưa du nhập và phát triển để có thể có được VĐV, HLV và cơ sở vậy chất khi đứng ra đăng cai tổ chức Asian Games.


Thành tích 3 HCB của điền kinh VN tại Asian Games 16 được ông Hoàng Vĩnh Giang coi là một kỳ tích. Ảnh: T.L

* Trong 3 kỳ Asian Games gần đây, TTVN đạt thành tích cao nhất tại Busan (Hàn Quốc) năm 2002, xuống một chút ở Asian Games 2006 và xuống tiếp ở năm 2010? Ông có nghĩ đây là một sự đi xuống của TTVN và liệu nó có ảnh hưởng tới tương lai của TTVN ở Olympic London 2012 hay Asian Games 2014?

- Về số học thì đó là sự đi xuống, còn về chất thì không đi xuống, vẫn đúng theo quỹ đạo điều hành của ngành TDTT, hướng tới một cái đích tương lai là đấu trường Olympic, mà theo định hướng chiến lược Chính phủ vừa phê duyệt thì TTVN đã đi đúng hướng từ lâu rồi.

Phân tích rõ thêm để thấy trong 4 HCV tại Busan, gồm 2 của karate, 2 của billiard-snookers, đây là những môn không có trong hệ thống Olympic và thậm chí billiard snooker sẽ không có ở Asian Games, vì vậy không nên quá hài lòng với những tấm HCV đó. Ở đấu trường Olympic cũng vậy, năm 2000, TTVN có HCB của Trần Hiếu Ngân ở Sydney, nhưng 4 năm sau ở Athens thì không có và người ta cho rằng đó là thất bại, nhưng đấy là tính về mặt số học, còn nếu tính số lượng VĐV vượt qua vòng loại Olympic thì Athens và sau đó là ở Bắc Kinh 2008 lại có rất nhiều, trên 10 VĐV, còn ở Sydney, số VĐV vượt qua vòng loại chỉ đếm trên đầu ngón tay..

* Có một vấn đề là những VĐV chủ chốt của TTVN như Vũ Thị Hương hay Trương Thanh Hằng hiện nay vẫn chưa có thế hệ kế thừa? Ông có nghĩ đấy là một nỗi lo với TTVN?

- Đương nhiên là nỗi lo nhưng không phải là quá lớn. Sắp tới ngành TDTT sẽ có những phương thức để tìm cách giải quyết vấn đề này. Tôi rất phản đối phương án tổ chức ĐH TDTT toàn quốc từ tháng 1 cho tới tháng 12, phá vỡ hết điểm rơi của những ĐH mà VN cần tham dự trong năm 2010, kể cả Asian Games, đây là ngày hội lớn, không phải là ĐH thể thao thành tích cao. Cần phải thay đổi lại, khu trú lại cho phù hợp với chiến lược do Chính phủ đề ra.

Trong chiến lược phát triển TTVN có đề ra rất rõ, năm nào phải có bao nhiêu VĐV vượt qua vòng loại đi Olympic. Để làm được điều này ngành TDTT bắt buộc phải nghĩ cách phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các địa phương. Ví dụ: Tổng cục TDTT có hơn 300 tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước rót cho thể thao thành tích cao (tôi cho là chưa đủ), nhưng HN và TP.HCM cũng có 1 lượng ngân sách tương tự, chưa kể còn có Quân đội, Hải Phòng, Đà Nẵng và nhiều đơn vị mạnh khác, tại sao không phối hợp nguồn kinh phí của các đơn vị này với nhau? Như thế, để nuôi những VĐV như Trương Thanh Hằng hay Vũ Thị Hương theo chế độ đặc biệt, kể cả vấn đề bảo đảm cuộc sống tương lai, chẳng phải là khó khăn. Nhưng nếu chỉ tập trung như thế thì chưa đủ, vì phải tập trung cả vào chiều rộng để phát hiện chỗ này có Thanh Hằng thứ 2, chỗ kia có Vũ Thị Hương B, nếu không có sau này lấy đâu ra người để lấp vào khoảng trống của Hằng hoặc Hương, một khi họ không thể thi đấu vì nguyên nhân nào đấy. Vì thế, theo tôi đây là việc cần làm và phải làm theo kiểu phát huy sức mạnh tổng hợp.

* Xin cảm ơn ông về cuộc đối thoại này.

Hoàng Anh (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm