15/08/2021 09:36 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Do Olympic 2020 bị hoãn lại một năm, người Pháp xem như chỉ còn 3 năm để chuẩn bị cho Olympic 2024 sẽ được tổ chức tại Paris.
Nhiều lạc quan
Nằm bên dòng sông Seine, dưới bóng tháp Eiffel, những khu vườn Trocadero ở Paris không còn xa lạ với bất cứ ai. Vốn là địa điểm yêu thích của khách du lịch nhưng trong thời gian Olympic Tokyo 2020 diễn ra, các khu vườn cũng thu hút những vị khách mới: Những người hâm mộ thể thao. Mỗi ngày, người dân Paris và khách du lịch đều tụ tập ở đây để theo dõi đồng hương của họ thi đấu trên một màn hình khổng lồ.
Đỉnh cao của bữa tiệc là vào ngày 8/8, khi Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris, nhận lá cờ Olympic trong lễ bế mạc ở Tokyo, khi Paris đã sẵn sàng đăng cai Thế vận hội tiếp theo vào năm 2024.
"Thành phố của ánh sáng" đã làm mọi thứ để kỉ niệm khoảnh khắc đặc biệt này: Phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet chơi bài quốc ca Pháp Le Marseilles, với cây kèn saxophone của anh trên Trạm Vũ trụ Quốc tế và đội trình diễn hàng không Patrouille de France ưu tú của Pháp bay qua khu vườn Trocadero, tạo thành lá cờ Pháp với những vệt khói kéo dài.
Chủ tịch Ủy ban tổ chức Thế vận hội Paris 2024 Tony Estanguet cho biết: “Buổi lễ này sẽ là một phần mở đầu cho Paris 2024. Đó là DNA của Paris 2024".
Sau cùng thì đúng 100 năm sau lần cuối cùng tổ chức Olympic, thủ đô của nước Pháp có những kế hoạch đầy tham vọng. Theo ông Estanguet, công tác chuẩn bị cho Thế vận hội 2024 đang diễn ra suôn sẻ và bất chấp những thách thức của đại dịch Covid-19, họ không có sự chậm trễ nào về mọi mặt. Dù sao thì sau 3 năm, người Pháp cũng hi vọng dịch bệnh vốn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Thế vận hội Tokyo sẽ được xóa sạch vào năm 2024.
Agathe Renoux, người phát ngôn của Paris 2024 cho biết: “Tất nhiên, chúng tôi đang học hỏi rất nhiều điều từ những gì Tokyo đã làm trong thích nghi với những thách thức của đại dịch. Chúng tôi đã sẵn sàng thích nghi và sẽ tập trung tổ chức một Thế vận hội thành công”.
Mathieu Hanotin, thị trưởng của vùng ngoại ô Saint Denis, Paris, nơi sẽ tổ chức cơ sở hạ tầng trung tâm của Thế vận hội như làng vận động viên, cũng chia sẻ sự lạc quan của ông. Theo ông Hanotin, với việc khán giả không thể đến sân theo dõi Thế vận hội năm nay do Covid-19 thì năm 2024, "chúng tôi hi vọng sẽ có thể thở được".
"Một điều chắc chắn chúng tôi sẽ làm là đưa mọi thứ trở lại bình thường", ông Hanotin nói thêm.
Thế vận hội xanh
Đối với thủ đô của Pháp, Estanguet cho biết hai chủ đề chính của Thế vận hội là "xanh" và "sự tham gia". Ở đây, Paris 2024 sẽ là Thế vận hội đầu tiên gắn liền với thỏa thuận khí hậu được ký tại thành phố này hồi năm 2015. Theo đó, Ủy ban tổ chức Paris 2024 đã hứa sẽ giảm 55% lượng khí thải carbon so với mức trung bình 3,5 triệu tấn mà các kì Thế vận hội trước đó đặt ra.
Bước đầu tiên để đạt được mục tiêu này là cắt giảm xây dựng - 75% cơ sở vật chất của Paris 2024 được xây dựng trước Thế vận hội và 20% sẽ là tạm thời. Điều đó có nghĩa là chỉ 5% cơ sở vật chất - Làng Olympic và Trung tâm Olympic dưới nước - sẽ là các tòa nhà mới vĩnh viễn, ít hơn 10 lần so với các Thế vận hội trước đó.
Estanguet nói: “Nếu không có nhu cầu, chúng tôi sẽ không xây dựng. Chúng tôi sẽ chỉ xây dựng tạm thời".
Theo chân London 2012, bóng chuyền bãi biển sẽ diễn ra tại một sân vận động tạm thời được xây dựng ở trung tâm thành phố, trên đại lộ Champs de Mars nổi tiếng, với bối cảnh là tháp Eiffel.
Khoảng 1km về phía đông, bãi cỏ rộng lớn phía trước Les Invalides sẽ tổ chức môn bắn cung và những khu vườn xa hoa của Cung điện Versailles sẽ chào đón các sự kiện cưỡi ngựa.
Các kế hoạch cho lễ khai mạc - thường không diễn ra ở trung tâm Paris - vẫn chưa được tiết lộ nhưng nhà tổ chức Estanguet nhấn mạnh mong muốn "kết nối dân số" với Thế vận hội.
“Nhịp đập” của Thế vận hội
Chuẩn bị cho năm 2024, Paris quyết định xây Làng Olympic, nhà thi đấu điền kinh và trung tâm thể thao dưới nước mới ở Saint Denis - một vùng ngoại ô ở ngay phía bắc của thành phố - một quận nơi sân Stade de France được xây dựng để đăng cai World Cup 1998.
Saint Denis đã có những chia sẻ công bằng về các vấn đề kinh tế và xã hội. Hanotin cho biết, mục đích là để khu vực này trở thành "nhịp đập của Thế vận hội Olympic" và lấy lại niềm tự hào của nó.
Với khoảng 1 tỉ euro (1,18 tỉ USD) đầu tư liên quan đến Thế vận hội được dành cho Saint Denis, Thế vận hội hứa hẹn về sự phát triển cơ sở hạ tầng rất cần thiết trên khắp Paris, bao gồm các tuyến đường bộ và tàu điện ngầm mới.
Tuy nhiên, nó cũng đặt ra cho người dân Saint Denis một thời hạn khó khăn phải hoàn thành: Năm 2024. “Chúng tôi sẽ phải hoàn thành trong vài năm, trong khi bình thường mất 15 hoặc 20 năm”, Hanotin nói thêm.
Cái giá phải trả
Tuy nhiên, thời gian xây dựng đã làm dấy lên lo ngại của địa phương rằng các dự án đang được tiến hành mà không có sự xem xét hoặc tham vấn của cộng đồng đầy đủ. Theo ước tính chính thức, một nút giao thông mới trên đường vành đai ngoài của Paris là A86 sẽ nâng số xe lưu thông qua trung tâm cộng đồng Le Pleyel (dân số 13.000 người) và qua một khu học chính lên 20.000 xe. Trong khi đó, một số người dân địa phương lo ngại về những tác động lâu dài mà sự gia tăng ô nhiễm không khí và tiếng ồn có thể gây ra đối với trẻ em trong khu vực.
Không chỉ có người dân, đánh giá môi trường của chính phủ, được công bố vào năm 2019, cho biết kế hoạch trên sẽ làm gia tăng ô nhiễm "đặc biệt là xung quanh giao lộ Pleyel", nơi có các trường học và "có thể ảnh hưởng đáng kể đến dân số địa phương".
Điều đáng nói là chính quyền đã không hành động sau những kiến nghị. Được biết thì cho đến nay, hơn 13.000 người đã ký một bản kiến nghị trực tuyến để sửa đổi dự án. Các nhóm hoạt động cũng đã đệ đơn kiện phản đối dự án, được chuyển lên Hội đồng Nhà nước - tòa án hành chính cao nhất của đất nước - vào cuối năm 2020 và hiện đang chờ phán quyết.
Paris sẽ đi vào lịch sử Năm 2012, London trở thành thành phố đầu tiên 3 lần đăng cai Thế vận hội mùa Hè, mặc dù Paris đã gần đạt được danh hiệu đó. Điều đáng nói là London đã đánh bại Paris để giành quyền đăng cai Thế vận hội 2012 trong một cuộc bỏ phiếu sít sao. 12 năm sau, Paris sẽ cùng với London trở thành chủ nhà 3 lần. Paris đăng cai tổ chức vào năm 1900 và 1924, vì vậy 2024 sẽ đánh dấu 100 năm kể từ lần cuối cùng thành phố của Pháp tổ chức Thế vận hội. |
Mạnh Hào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất