02/02/2025 13:56 GMT+7 | Văn hoá
(LTS) Nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1924 - 2024), thuộc Đại học Đông Dương, và đây cũng là dịp Hà Nội tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo 2024, dự án số hóa bức tranh của họa sĩ Victor Tardieu tại tòa nhà Đại học Tổng hợp (số 19 Lê Thánh Tông) đã được triển khai. Là một thành viên nhóm thực hiện dự án này, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đã có bài viết dành riêng cho Thể thao và Văn hóa.
1. Hà Nội thời thuộc địa có hai hình tượng nữ thần: một là tượng Nữ thần Tự do (Bà đầm xòe), hai là hình ảnh Nữ thần tri thức đại học trong bức tranh tại Đại học Đông Dương của họa sĩ Victor Tardieu. Sau một hồi dâu bể, tượng Bà đầm xòe bị giật đổ, còn hình ảnh Nữ thần Đại học thì là một câu chuyện khác.
Theo sử liệu, tác giả bức tranh - họa sĩ Victor Tardieu - là người phụ trách việc trang trí nội thất của tòa nhà Đại học Đông Dương. Thế hệ chúng tôi không hề có ký ức gì về bức tranh giảng đường Đại học Đông Dương. Bức tranh đã bị xóa bỏ hoàn toàn khi chúng tôi chưa ra đời. Và khi tôi vào đại học, quãng thời gian đó cũng không ai mặn mà giảng giải về di sản thời thuộc địa. Bức tranh này cũng không xuất hiện trong những công trình nghiên cứu quan trọng của mỹ thuật Việt Nam trước năm 1986.
Tác phẩm rộng khoảng 80m2 này được họa sĩ Victor Tardieu vẽ trên toan bằng chất liệu sơn dầu từ năm 1921, đến năm 1928 bức tranh được dán lên mảng tường hình cung trong giảng đường tòa nhà Đại học Đông Dương, khánh thành năm 1929. Bức tranh được vẽ lại năm 2006 do nhóm họa sĩ Hoàng Hưng thực hiện.
Bức tranh phản ánh những biến chuyển lịch sử của xã hội phương Đông buộc phải chuyển mình hội nhập với thế giới văn minh phương Tây. Nhưng bức tranh vẽ nên một thế giới đầy yêu thương, bình đẳng và bác ái. Tranh vẽ khoảng 200 nhân vật, nhiều trong số đó là các nhân vật có thật, có địa vị trong xã hội đương thời. Bên cạnh các quan chức trọng yếu người Pháp Paul Doumer, Jean Baptiste Paul Beau, Albert Sarraut, Maurice Long, Alexandre Varenne..., trong tranh còn có những nhân sự rất quan trọng của người Việt thời đó như Hoàng Trọng Phu, Lê Văn Miến, Phạm Gia Thụy và Thân Trọng Huề. Bốn người này thuộc thế hệ trí thức đầu tiên của Việt Nam được triều Nguyễn cho đi du học tại Pháp. Có học vấn tinh thông bởi họ đều mang trong mình tri thức của cả phương Đông và phương Tây
Nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1924-2024), thuộc Đại học Đông Dương, và đây cũng là dịp Hà Nội tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo 2024, chúng tôi - Phạm Long, Trần Hậu Yên Thế, Triệu Minh Hải, Viên Hồng Quang - gồm các nhà nghiên cứu, chuyên gia công nghệ, nghệ sĩ đã khởi động dự án số hóa bức tranh của họa sĩ Victor Tardieu.
Càng thực hiện chúng tôi lại càng thấy trong bức tranh ẩn ý những điều kỳ thú. Ngoài các hình ảnh về xã hội, nhìn ở góc độ địa văn hóa, bức tranh còn thể hiện mối giao thương của Việt Nam trong thời gian này khi bên trái tam quan trong bức tranh là biển cả với hình ảnh tàu thủy và bên phải là sông Hồng.
2. Đại học Đông Dương vinh dự là một trong số không nhiều ngôi trường có tác phẩm tôn vinh Nữ thần tri thức đại học. Đây là truyền thống của phương Tây, bắt nguồn từ tên gọi một trường đại học lâu đời ở Ý: Alma Mater Studiorum - một danh xưng của Đại học Bologna (Ý), trường đại học hoạt động liên tục xưa nhất trên thế giới, được thành lập năm 1088. Như tìm hiểu cho đến nay của chúng tôi ngay cả ở châu Âu cũng không có nhiều tác phẩm nghệ thuật vẽ về đề tài này.
Trong thế giới học thuật phương Tây; có một số ngôi trường đại học nổi tiếng với những tác phẩm về Alma Mater. Có thể kể đến những đại học như Đại học Columbia (New York, Hoa Kỳ), Đại học Illinois (Urbana-Champaign, Hoa Kỳ, Đại học Yale (Connecticut, Hoa Kỳ), Đại học Olsle (Na Uy)… Đại học Đông Dương vinh dự là một trong số không nhiều ngôi trường có tác phẩm tôn vinh Nữ thần tri thức đại học.
Trung tâm bức tranh là Nữ thần tri thức đại học Alma của phương Tây. Có nhiều điểm tương đồng với bức tranh Alma Mater Đại học Yale (1931): họa sĩ Victor Tardieu và Eugene Francis Savage đều đặt nữ thần vào trung tâm, dưới một vòm mái cung điện, phía sau là rừng cây. Họa sĩ Victor Tardieu đặt bà đứng dưới bóng cây đa và trước tam quan rất đặc trưng trong kiến trúc Việt Nam với những dòng chữ Hán.
Tranh của Savage nhỏ hơn, ít nhân vật hơn và thuần túy văn hóa phương Tây. Đó là những nhân vật tượng trưng cho Ánh sáng, Sự thật, Khoa học, Lao động, Âm nhạc, Nghệ thuật, Thần học và Văn học (từ trái sang phải) tỏ lòng tôn kính bà. Bức tranh của họa sĩ Victor Tardieu phức tạp hơn, nhiều nhân vật hơn, đặc biệt với sự hiện diện của rất nhiều quan chức cả Tây lẫn ta. Trên bức tranh còn cả những dòng chữ Hán và chữ Latin ý nghĩa rất thâm sâu; phải hiểu cả chữ Hán và chữ Latin mới giải mã được thông điệp của bức tranh.
Đại học Đông Dương được coi là thánh đường tri thức tân học, trong bức tranh ở đây lại xuất hiện rất nhiều dòng chữ Hán.
升堂入室 (Thăng đường nhập thất)
人才國家之原氣 (Nhân tài quốc gia chi nguyên khí)
大學教化之本元 (Đại học giáo hóa chi bản nguyên)
Sự hiện diện của những dòng chữ này chứng tỏ tầm hiểu biết, thái độ văn hóa của họa sĩ Victor Tardieu; phản ánh khát vọng biểu đạt đa dạng văn hóa.
Theo khảo sát ban đầu của chúng tôi, dòng chữ Latin trên bức tranh này là dòng chữ Latin duy nhất trong không gian trường học từ cấp tiểu học cho đến đại học ở Hà Nội. Mặc dù Chữ quốc ngữ hay chữ Pháp đều có nguồn gốc chữ Latin nhưng khi viết nguyên một đoạn văn bằng chữ Latin, một ngôn ngữ học thuật của thế giới phương Tây, ý nghĩa kinh viện được nhấn mạnh hơn rất nhiều.
Nữ thần đứng ở vị trí trung tâm của bức tranh, phía bên dưới cùng là dòng chữ Latin vinh danh công trạng của bà: "Alma Mater Ex Te Nobis Dignitas Ubertas Felicitas" (Đại học sẽ cho ta Nhân phẩm, sự Giàu có, Hạnh phúc). So sánh với tên gọi cũ, tên gọi chính thức được chính quyền thuộc địa đặt hàng, tên gọi này không mang hàm ý ban ơn, không mang giọng điệu thực dân. Tên gọi ban đầu: La France Apportant à sa Colonie les Bienfaits de la Civilisation (Nước Pháp mang cho thuộc địa các lợi ích của nền văn minh). Và khi được trưng bày, tên gọi được truyền thông nhắc đến là "La Métropole: la science dispense au peuple d'Annam ses bienfaits" (Mẫu quốc: Khoa học cung cấp cho người dân An Nam những lợi ích của nó).
Chữ Latin và hình tượng nữ thần Alma Mater nói lên tính chuẩn mực và chính thống của đại học phương Tây. Những bức tranh có vẽ Alma Mater mà chúng ta đã biết như ở Đại học Oslo (Norway) hay Đại học Yale, không có dòng chữ Latin nào được viết trong tranh. Nói như thế để thấy sự trân quý với văn tự chữ Hán và chữ Latin, phản ánh ước vọng bình đẳng các giá trị học thuật Đông Tây của họa sĩ Victor Tardieu cũng như những trí thức tiến bộ Pháp.
3. Vào thời điểm Việt Nam trong vòng nô lệ của thực dân Pháp, người Việt Nam chưa có quyền tự quyết về vận mệnh và con đường văn hóa của chính mình. Trong thời khắc đen tối đó, họa sĩ Victor Tardieu vẫn tràn đầy một tinh thần nhân văn cao cả, khơi gợi một niềm tin về một xã hội đầy lòng nhân ái vị tha, niềm tin giáo dục sẽ xua tan đói nghèo, mê tín, bệnh tật và bất công xã hội.
Bức tranh như một giấc mơ mà hình ảnh Nữ thần tri thức đại học hiện lên ở trung tâm bức tranh như một bà tiên. Giờ đây, ở giây phút này, chúng ta đã có một quốc gia độc lập, có một nền giáo dục đề cao truyền thống văn hóa của dân tộc mình mà không quay lưng lại di sản văn minh của nhân loại.
Bức tranh đã bị xóa bỏ hoàn toàn rồi lại được phục hồi như chúng ta thấy hôm nay. Trong lần trao đổi với chúng tôi ở Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, GS-TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã nói, việc khôi phục lại bức tranh năm 2006 là một nỗ lực to lớn của Đại học Quốc gia Hà Nội, của niềm tin vào những giá trị chung của nhân loại, vượt lên sự khác biệt hệ tư tưởng, gác lại quá khứ đau thương để hướng về tương lai.
"Họa sĩ Victor Tardieu đã đặt Nữ thần tri thức đại học đứng dưới bóng cây đa và trước tam quan rất đặc trưng trong kiến trúc Việt Nam với những dòng chữ Hán" - họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất