08/05/2016 13:37 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Là NTK người Huế duy nhất được mời tham dự đêm hội áo dài trong Festival Huế 2016, Khánh Shyna đã mang tới bộ sưu tập mang tên Huyền bí phương đông, lấy cảm hứng từ những đóa sen trong đại nội. Theo anh, áo dài cung đình Huế có thể không xuất hiện trong những giới thiệu về quá trình lịch sử của áo dài nhưng vẫn giữ những điểm riêng biệt không đâu có.
Giữa thành quách nơi khi xưa các bậc vua chúa đến ngắm cảnh, Thể thao & Văn hóa và nhà thiết kế áo dài người Huế đã có buổi chiều tản mạn về tà áo dài cung đình nơi đây.
* Chào anh Khánh Shyna! Đầu tiên, xin chúc mừng anh với bộ sưu tập Huyền bí phương đông rất thành công trong đêm áo dài Festival Huế Nơi huyền thoại bắt đầu. Không biết cơ duyên nào đã đưa anh tới với áo dài?
- Sinh ra ở Huế, từ trong tiềm thức của mình, tà áo dài thướt tha của của mẹ, của chị, của những nữ sinh phấp phới tới trường… luôn ghi đậm dấu ấn. Tôi học về du lịch, cuối năm 1999 ra Hà Nội làm việc. Tại đây, có người phát hiện ra tôi có khiếu về làm đẹp nên khuyến khích đi học thêm.
Năm 2004, tôi trở về Huế, mở một cửa hàng nhỏ về trang điểm, thuê trang phục và lao vào học hỏi, làm việc như một con ong chăm chỉ, tài trợ cho các chương trình dù nhỏ nhất ở Huế, hoàn toàn vì đam mê.
Tới năm 2010, tôi đưa Lê Nhã Uyên và Tôn Nữ Na Uy đi dự thi Hoa hậu Việt Nam. Lúc đầu, tôi chỉ hỗ trợ phần trang điểm nhưng sau đó cũng tìm tòi về áo dài cung đình và giúp thiết kế trang phục để hai bạn mặc trong cuộc thi.
Áo dài Nhã Uyên và Na Uy tại Hoa hậu Việt Nam 2010 là những thiết kế áo dài đầu tiên của tôi. Đến bây giờ tôi vẫn giữ cẩn thận làm kỷ niệm. Khi đó, dù sản phẩm không quá xuất sắc nhưng đã phần nào mang Huế chạm vào lòng người.
Nhìn thấy hai bạn trên sân khấu, tôi bỗng thấy mong muốn được làm gì đó hơn nữa cho áo dài Huế, đặc biệt là áo dài cung đình.
* Rất nhiều người từng nhắc tới áo dài cung đình Huế nhưng chính xác đâu là đặc điểm để nhận biết tà áo dài truyền thống được cung tần mỹ nữ trong Đại nội Huế chọn mặc?
- Bản thân áo dài cung đình Huế có thể không xuất hiện trong những giới thiệu về quá trình lịch sử của áo dài nhưng vẫn giữ những điểm riêng biệt không đâu có. Nếu biết, không khó để nhận ra áo dài trong Tử Cấm Thành Huế. Tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về tà áo đặc biệt này của Cố đô.
Nhìn chung, áo dài cung đình có dáng xuông rộng, không chiết eo như áo dài hiện đại. Tà áo không dài mà chỉ quá gối. Tay áo rộng, cổ thấp. Nhiều bộ có tới 2, 3 lớp. Áo được may từ những chất liệu sang trọng như lụa, gấm.
Việc cắt may áo dài cung đình đặc biệt cầu kì, tỉ mỉ. Tay áo không may theo lối raglan như hiện nay (PV: Tay áo cắt rời, ráp chéo với thân áo) mà cắt liền với thân áo. Phía trước và sau chia thành 2 mảnh ráp với nhau thành phần sống ở chính giữa. Kiểu may này rất khó, nếu không phải thợ tay nghề cao thì áo sẽ bị xô lệch.
* Còn về trang trí, màu sắc hay phụ kiện?
- Áo luôn có viền tà, viền cổ, có khi viền tới 2, 3 lớp với màu sắc khác với màu áo. Phần trang trí chủ yếu nằm ở phần cổ. Các màu sắc được ưa dùng là vàng, cam, hồng cam vốn là những màu vương giả. Tuy là màu rực rỡ nhưng vẫn giữ nét trầm lắng, sang trọng của cung đình.
Người xưa không mấy khi dùng phụ kiện mà thay vào đó, tạo điểm nhấn ở trên đầu với mấn, khăn xếp, phía sau tóc có cài trâm, ngọc… Hài cũng được thiết kế cho phù hợp với áo.
Cô Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người đặc biệt có nhiều áo dài đúng theo phong cách cung đình.
* Những thiết kế của anh kế thừa gì từ áo dài cung đình Huế xưa?
- Thiết kế của tôi mang hơi hướng cung đình nhưng theo dáng áo hiện đại. Nhiều bộ sưu tập được cắt theo lối cầu kỳ thời xưa với tay liền thân áo nhưng phần tay được thu gọn còn phần eo ôm sát để tôn lên nét đẹp người phụ nữ.
Tôi từng có nhiều ngày lang thang trong Đại nội để ngắm nhìn, ghi lại những hình ảnh, kiến trúc thành quách cổ xưa, tráng lệ mà trang nghiêm nơi đây. Tôi đặc biệt thích các hoa văn, chi tiết trong đại nội và lấy đó làm cảm hứng để vẽ lên những trang trí trên tà áo.
* Năm ngoái, bộ áo dài của Vietnam Airlines với hình chùa chiền Myanmar đã vấp phải những phản ứng gay gắt từ nhiều phía. Anh có sợ các thiết kế của mình - lấy hoa văn từ Đại nội Huế - là động chạm?
- Tôi là người cầu kì, tỉ mỉ trong công việc. Đặc biệt, áo dài là quốc phục của Việt Nam nên càng không thể làm ẩu. Tất cả chất liệu, họa tiết, vị trí trang trí đều được tiết chế, cân nhắc kỹ lưỡng để tạo ra sản phẩm đẹp, sang trọng mà chuẩn mực.
* Áo dài là nguồn cảm hứng của biết bao nhà thiết kế kể từ khi nó ra đời. Anh có thấy áp lực khi bước chân vào làng thiết kế áo dài, nhất là với tư cách một người xứ cố đô?
- Áp lực. Vô cùng áp lực. Mấy đêm trước buổi diễn Festival Huế, tôi không ngủ được.
Nhưng tôi cũng tự tin hơn khi áp phích quảng bá đêm hội áo dài Festival Huế lần này cũng là sản phẩm thiết kế của tôi cùng ekip chụp ảnh. Tất cả các mẫu thiết kế áo dài của các nhà thiết kế đều được chụp hình nhưng cuối cùng, chiếc áo dài cung đình của tôi đã được chọn làm hình ảnh quảng bá. Có thể do tôi may mắn sinh ra tại Huế nên những thiết kế cũng mang âm hưởng xứ cố đô. Theo cảm nhận của tôi, các thiết kế áo dài tới từ Huế, dù có sặc sỡ tới mấy, vẫn giữ được nét trầm lắng, chỉn chu đất kinh kì xưa.
* Áo dài trên sân khấu vốn đã khó để mặc ở đời thường, áo dài thiết kế cung đình lại càng khó hơn. Liệu có hoài phí không nếu áo dài cung đình chỉ để ngắm?
- Ngược lại, áo dài của tôi có tính ứng dụng rất cao. Khi làm cho khách hàng, tôi luôn biết tiết chế hoa văn hợp lý, vẫn sử dụng chất liệu cung đình sang trọng để khách hàng có thể mặc trong những dịp trọng đại. Năm nào tôi cũng tổ chức show áo dài và được nhiều người quan tâm, tìm tới đặt may.
Sắp tới tôi sẽ sang Mỹ làm việc và tiếp tục nỗ lực quảng bá hình ảnh áo dài cung đình ra quốc tế.
* Xin cảm ơn ảnh về buổi trò chuyện. Chúc anh luôn thành công trong sự nghiệp!
NTK Khánh Shyna tên thật là Trần Thiện Khánh, sinh ngày 5/10/1982 tại Huế. Các thiết kế của Khánh Shyna vinh dự được mời tham gia tại các sự kiện lớn như: Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản năm 2014: Chương trình áo dài Festival tại Mỹ năm 2014 và tháng 5 sắp tới; Hoa hậu Việt Nam Quốc tế tại Nhật Bản năm 2014; Chương trình giao lưu văn hóa Vietnam Discovery tại Anh năm 2015; Lễ hội Áo dài Festival Huế 2016… Trong đêm hội áo dài Festival Huế Nơi huyền thoại bắt đầu, Khánh Shyna là NTK người Huế duy nhất được mời tham dự. Anh đã mang tới BST Huyền bí phương đông, lấy cảm hứng từ những bông sen trong đại nội, màu sắc chủ đạo lấy từ thiên nhiên và kiến trúc đất cố đô như màu đỏ của kiến trúc Huế cổ xưa, màu nâu của những mảng gạch kinh thành, màu xanh ngọc của làn nước sông Hương… Bộ sưu tập này sẽ tiếp tục được trình diễn tại Festival ở Mỹ vào tháng 5 này. |
Thư Vĩ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất