27/02/2016 15:47 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - 20 bộ trang phục thu đông mang phong cách mạnh mẽ, đầy sự đam mê từ màu sắc của nhà thiết kế người Tây Ban Nha Diego Cortizas sẽ được trình diễn tối 26/2 – ngày thứ 2 của của Tuần lễ thời trang Việt Nam Thu Đông 2016 tại phim trường S14 – Đài TH Việt Nam.
Đến Việt Nam từ năm 2004 cùng vợ thăm anh rể, Diego Cortizas ngay lập tức “phải lòng” Việt Nam và đã yêu ngay Hà Nội, từ con người đến ẩm thực và cảnh quan. Diego Cortizas và vợ đã quyết định bỏ công việc dang dở ở Tây Ban Nha, đến sống ở Việt Nam giống như một “định mệnh”, một năng lượng gì đó quá thu hút...
Nhà thiết kế Diego Cortizas chủ 4 cửa hàng thời trang thương hiệu Chu La tại Việt Nam
100% đội ngũ làm nên những bộ trang phục là người khuyết tật
Diego Cortizas kể rằng, ngay khi dọn đến sống tại Hà Nội, anh bắt tay ngay vào thiết kế thời trang, còn vợ anh, Laura Fontan thì bán hàng và thương hiệu thời trang mang tên Chu La ra đời, rồi dần trở thành một cái tên quen thuộc với những người yêu thời trang ở Hà Nội, rồi mở rộng cả Hội An, TP.HCM. Diego Cortizas cũng trở thành khách mời thường xuyên của những buổi trình diễn thời trang lớn trong nước như: Tuần lễ thời trang Việt Nam, Lễ hội áo dài tại Festival Huế và cả những show thời trang ở nước ngoài...
Diego Cortizas cho hay, Chu La trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là đẹp. Đây không chỉ là vẻ đẹp bên ngoài mà còn là vẻ đẹp của một tinh thần sống tích cực nhân ái và đầy đam mê. Diego Cortizas cũng chia sẻ rằng vừa “giành giải thưởng 100 người Tây Ban Nha tiêu biểu nhất thế giới sống tại nước ngoài, vì đã mang nền văn hóa, thời trang Việt Nam về Tây Ban Nha, góp phần giới thiệu văn hóa, đất nước con người Việt Nam tới người dân Tây Ban Nha”
Một góc cửa hàng thời trang mang thương hiệu Chu La của Diego Cortizas tại 24 - Lý Quốc Sư
Nhưng điều Diego Cortizas “thực sự hạnh phúc và tự hào vì những gì mình đã làm là công sức của 60 thành viên, trong đó phóng phần không nhỏ là sự nỗ lực của những người khuyết tật bởi 100% những trang phục được làm ra là công sức của đội ngũ những người khuyết tật”.
Chuyện xảy ra 10 năm trước, khi Diego Cortizas tình cờ gặp một cô gái khuyết tật là người khiếm thính dạy mỹ thuật và quyết định thử việc cùng cô. Hai bên đã làm việc rất ăn ý. Lúc đó, Diego Cortizas nhận ra rằng, mỗi người đều có một khuyết tật gì đó trong cuộc sông, những người khuyết tật là người khiếm thính sẽ tìm ra những hình thức khác để giao tiếp như ngôn ngữ hình thể, ký hiệu và họ phát triển kỹ năng nào đó vượt trội hơn những người khác...
“Cũng như khi mới tới Việt Nam, không nói được tiếng Việt, tôi và vợ phải học ngôn ngữ ký hiệu...”, Diego Cortizas cho hay: “từ đó, chúng tôi tạo cơ hội cho nhiều người khuyết tật, hơn nữa họ cũng tạo ra những sản phẩn chất lượng cao và rất đặc biệt”...
Diego Cortizas cùng vợ và con gái trong một chương trình trình diễn thời trang
Đưa vẻ đẹp Việt Nam vào trang phục và gìn giữ giá trị truyền thống
Nhà một nhà thiết kế, Diego Cortizas đưa vào những mấu thiết kế của mình những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống Việt Nam, như cảnh đẹp ba miền, những họa tiết về con người, cây cầu, hay đôi khi là những chi tiết rất nhỏ như: biển số nhà, khung cửa sắt, cả bếp tổ ong, lò bánh mì...
Diego Cortizas cho hay: “Văn hóa Việt Nam đã có ảnh hưởng rất nhiều tới phong cách và cuộc sống của gia đình tôi. Mỗi lần về Tây Ban Nha, 3 con tôi: Carmen, Pablo và Yago đều muốn nhanh chóng trở lại Việt Nam, vì đây là nhà của chúng tôi. Các nhân viên ở đây cũng coi các con của tôi là một phần của gia đình họ, thật khó để phân biệt công việc gia đình và công ty bởi chúng tôi đều yêu công việc của mình... Còn với tôi, thời trang là một gia đình, là cuộc sống, là một cách để hiểu và yêu Việt Nam hơn”.
Con gái nhà thiết kế Diego Cortizas thành người mẫu nhí
Trước khi chia tay chúng tôi, Diego Cortizas nhấn mạnh: “Việt Nam có một nền văn hóa vô cùng mạnh mẽ, nhưng cũng đang đối mặt với sự hiện đại hóa. Chúng tôi muốn kết hợp cả hai yếu tố đó, nhưng việc gìn giữ truyền thống là vô cùng quan trọng, cũng như việc phải làm nên những bản sắc riêng biệt của thời trang Việt Nam. Đây cũng là một sứ mệnh quan trọng cho thế hệ trẻ làm thiết kế tại Việt Nam, làm sao không để mất bản sắc, mất đi cội nguồn, bởi ở một góc độ nào đó, vẻ đẹp nằm trong truyền thống, nhưng cũng trong hiện đại, cũng như việc định nghĩa cái đẹp luôn là một sứ mệnh bất khả thi...”
An Như
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất