Mỹ Uyên: Tôi tham vọng… nửa vời

16/08/2011 13:54 GMT+7 | Văn hoá

Ở Sài Gòn, nhắc đến Mỹ Uyên, hầu như ai cũng biết. Cô đào chính của sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần này có số năm công tác trong nghề cũng thuộc vào hàng đáng nể, tính ra cũng gần 20 năm. Sau một chặng đường dài đó, người phụ nữ đã bước qua tuổi ba mươi này giờ đã ngồi vào ghế Phó giám đốc của sân khấu như một sự ghi nhận những thành quả và đóng góp.

Câu chuyện với Mỹ Uyên vì thế cũng chỉ xoay quanh chuyện nghề bởi chuyện riêng của chị hầu như chưa có gì mới và có vẻ như chính người trong cuộc cũng chẳng mấy bận lòng về chuyện chị vẫn “lính phòng không”.

Tôi thừa mơ mộng nhưng cũng không thiếu thực tế

Đầu tiên, nhân việc chị đang giữ chức phó giám đốc phụ trách đối ngoại – maketing Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, tôi muốn hỏi chị có phải phụ nữ tham vọng không?

(Cười lớn) Có nhưng quan trọng tôi là người tham vọng nửa vời. Tham vọng nhưng nửa vời vì cái sự háo thắng trong mình không tột đỉnh. Nghĩ thì có nhưng khi thực hiện, khi chạm đến thì chất Mỹ Uyên không phải như thế nên dừng lại liền. Người ta nói khi thích món gì thì muốn mua cho bằng được nhưng trong túi không có đủ, mơ tưởng tượng nhưng thực tế không được nên phải dừng.
 



Đơn giản như chuyện tôi chạy chiếc xe hơi đi cũ bao nhiêu năm muốn đổi nhưng vẫn không đủ tiền. Mơ mấy thì mơ cũng phải thực tế. Tham vọng thì có nhưng liều thì không. Đi vay thì phải nghĩ tới chuyện trả nợ. Hồi trước, tôi liều nhiều nhưng bây giờ hết rồi. Trước đây cái gì cũng dám làm những bây giờ cái gì cũng từ tốn hơn. Không phải công việc nào cũng có lương giá cát-sê như mong mỏi, phải bằng cách lường được sức mình như vay ngân hàng phải làm ngân hàng phải vay bao nhiêu để trả nổi.

Những điều đó chị tự cân bằng được khi ở tuổi của chị hay đó là những bài học chị đã rút ra theo năm tháng?

Tôi không quan trọng nhiều lắm chuyện tuổi tác, quan trọng là mình có một cuộc sống yêu đời và thoại mái đi chơi thâu đêm suốt sáng cùng bạn bè chiến hữu là được. Thực tế mà nói, nó là kinh nghiệm đã trải qua. Có thể ngày trước sốc nổi nhưng bây giờ thì tính toán, vun vén hơn nhiều rồi.

16 năm với nghề và hành trình đi lên. Đặt mình vào vị trí như ngày hôm nay chị đang có liệu có phải là một áp lực lớn?

Tôi thì vẫn không nghĩ con đường quản lý là phù hợp với mình trong một guồng máy chính quy như thế. Cái cốt vẫn là một người nghệ sĩ thích diễn thì diễn, không thích thì bỏ, thích đầu tư thì bỏ tiền dựng vở lời ăn lỗ chịu,v.v… Cá nhân tôi thấy ngỡ ngàng thôi chứ chẳng thấy gì khó khăn hết. Một nhà hát có trên có dưới với mấy chục con người, mình hiểu được nỗi lòng đó vì đã dựng trên 10 vở đã hiểu hết rồi. Mình là diễn viên, không có show này thì có show khác, phim ảnh, truyền hình nhưng những người làm công tác khác như hậu đài, âm thánh ánh sáng thì khác. Trời mưa, trời gió, lễ hội, cấm đường đó là một nỗi khó khăn băn khoăn ở dưới bởi với họ đó là thu nhập chính, có khi chỉ được vài chục ngàn, nhiều lắm được trăm ngàn/1 đêm. Chức phó giám đốc bị một cái gánh nặng băn khoăn mọi người nhìn vào cảm giác như một cuộc đua giữa các sân khấu, có cái này mới, cái này cũ, nghe mọi người nói thì thấy nhột, xốn xang, một cuộc cạnh tranh ngầm.

Nhân chị nói chuyện về nghề thì tôi cũng xin góp ý kiến của mình. Là một khán giả của sân khấu của chị, cũng đã được xem nhiều vở và tôi thấy là chất lượng diễn viên lẫn vở diễn nói chung ở sân khấu chị là đang đi xuống. Dễ dàng nhận thấy nhất là độ vênh khá lớn giữa các thế hệ tại sân khấu 5B, thêm vào đó là sự không chỉnh chu trong công tác dựng vở lẫn yếu tố biểu diễn trên sân khấu. Vậy tôi hỏi chị, chị đặt tố chất nghệ sĩ cao hơn vị trí của người quản lí hay chị cũng nhìn được những vấn đề như tôi nói nhưng giả bộ làm ngơ, chấp nhận nó như một sự thực hiển nhiên?

(Suy nghĩ một lúc) Cá nhân tôi nghĩ đó là tình hình chung và hiện tại ở thành phố này có biết bao sân khâu và nơi nào cũng sáng đèn đều nên cuộc đua giữa các sân khấu là không tránh khỏi.

 Nói về chất lượng diễn viên thì thế hệ cũ định hình được tên tuổi tài năng của mình cũng đã phải mất một cả hành trình khó khăn thì những thế hệ trẻ hẵng còn nhiều thời gian để phấn đấu và hãy cho họ cơ hội để khẳng định mình, đó là điều tôi nghĩ. Thêm vào đó nữa là một thực tế khác, khắc nghiệt hơn là có một số người họ làm việc mà không có cái tâm.

Tôi cũng như sân khấu tạo điều kiện cho họ để có giải thưởng nhưng không biết họ không mê nghề hay họ hững hờ hay đó không phải là mảnh đất để họ dụng võ nhiều nên họ cũng chẳng thiết tha. Thực tế thì 5B cũng đã từng là một cái nôi chỉ dạy mọi người đến lúc đủ lông đủ cánh là mọi người “bay” hết. Nói không phải tự hào, chứ tôi thấy cũng ít ai như tôi, bao nhiêm năm chỉ chôn chân 1 chỗ ở sân khấu 5B Võ Văn Tần này. Không phải tôi không nhận được những lời mời khác, mấy năm liên tiếp, năm nào anh Lộc (Thành Lộc) chẳng gọi tôi diễn kịch Tết nhưng tôi không thể làm thế.

Tôi gắn kết với sân khấu này vì tình vì nghĩa chứ không chỉ đơn thuần là chuyện cơm áo gạo tiền. Có những diễn viên đến nơi mới dễ ràng “ăn sâu bám rễ” được, tạo dựng tên tuổi nhưng cũng có người được vài vai là “bung”. Tôi lấy ví dụ như Lê Khánh ở Phú Nhuận bao nhiêu năm chưa thành công vì có thể chưa hợp nhưng khi về Idecaf thì được anh Lộc giữ nó lại và khẳng định mình được như hôm nay.

Hoặc như Kim Khánh và Huy Khánh về Idecaf một năm nhưng mỗi người cũng chỉ được 1 vai trong Tôi là ai (Kim Khánh) và Hợp đồng mãnh thú (Huy Khánh). Trong khi đó với 5B thì Huy Khánh liên tiếp được nhận những vai chính trong các vở như Chuyến tàu đến thiên đường, Sống thử, 270gram và hiện tại mặc dù Khánh có bận bịu lịch phim thì sân khấu vẫn rất ưu tiên sắp lịch để anh ấy tham gia diễn Tôi chỉ muốn nói là nếu bạn đang ở đất màu mỡ thì phải biết tận dụng.

 


Làm nghề phải có cái tâm thì mới được kính nể

Đó là vì họ không bền lòng, không bền bỉ với chặng đường của mình đã lựa chọn hay đơn thuần chỉ là tham bát bỏ mâm?

Tôi gọi đó là “đứng núi này trông núi khác” nhiều quá, không chỉ lớp trẻ, mà cả lớp đàn anh đàn chị cũng vậy. Tôi có cảm giác dường như nhiệt huyết của họ không còn như xưa. Họ bị cuốn theo guồng máy mà đánh mất cái tâm mình không dành cho sân khấu. Họ không nhớ sân khấu. Ví dụ như khi trước chúng tôi đi phim nhiều sẽ nói với nhau: lâu lâu chưa đóng kịch, nhớ sân khấu quá nhưng bây giờ thì tôi chẳng còn thấy ai nói câu đó nữa.

Tôi quan sát đời sống kịch trong này và cũng nhận thấy một thực trạng là “hớt ván tài năng” giữa các sân khấu với nhau. Chị nghĩ sao về điều nay khi mà quân do mình nuôi lớn, đào tạo, bắt đầu tạo được danh tiếng thì bị nơi khác dỗ ngon dỗ ngọt bỏ đi?

Người này đi rồi thì sẽ có người khác đến thế vào vị trí đó, tiếc thì có nhưng cũng không hẳn là buồn nản. Chủ trương của chúng tôi là nếu có gương mặt mới có triển vọng thì cố gắng đẩy lên đóng chính chính để những người cũ làm nền đẩy họ lên. Thành công được chút xíu gặp những người khác trong nghê, ông bầu của các sân khấu khác chẳng hạn, thì bị chiêu dụ và nghe theo.

Chuyện buồn cười hơn ở chỗ là chính người đưa ra lời mời còn chưa xem bạn đó diễn như thế nào, chưa biết khả năng của họ ra sao nhưng cứ chạy theo xu hương, chạy theo cái tên đó đang tạo sức hút và lôi kéo. Đó là những người đầu tàu ở những sân khấu khác đã làm thế và tôi chỉ thắc mắc là làm thế thì còn có lương tâm không. Làm nghề hay làm kinh doanh cũng vậy thôi, cần có cái tâm chứ cứ giành giật nhau thì chẳng lâu bền được. Tôi giữ vững quan điểm cá nhân là sẽ chỉ mời người mới ở các sân khấu khác nếu họ chủ động đề nghị muốn được về hợp tác với sân khấu tôi chứ không chủ động lôi kéo.

Vậy, đã có ai quay lại sân khấu chị sau khi đã vỡ mộng với những lựa chọn khác?

Thực ra thì có. Đó là một đàn chị rất nổi tiếng trong nghề, như kiểu “sư tỷ” của thế hệ chúng tôi vậy. Tôi nhớ ngày trước đã từng đứng khuất trong cánh gà để nhìn chị diễn say sưa trong khán phòng chật ních người. Chị là một người giỏi nghề, tiếng tăm nổi tiếng, đùng một cái thời buổi thay đổi, chị đến một nơi khác và chị vẫn là một ngôi sao ở nơi mới đến đó.

Nhưng ở nơi mới, có nhiều chuyện xảy ra, cơm không lành cơm không ngọt và chị quay về 5B. Rồi cũng chính chị thừa nhận: “Đi đâu cũng không bằng nơi này, được làm nghề, được tập tành sướng ghê!”. Quan trọng là họ quay về và không hề bị thất sủng, vẫn được đón chào, cùng chị em một nhà hát, một phần khán giả mua vé vì họ.

Hơn nữa, sự quay về của họ cũng làm cho đội ngũ diễn viên đa dạng hơn, tôi đóng chính mãi cũng đâu có được, nhà hát có nhiều thế hệ để người này yếu người kia đỡ. Nhưng cũng có những người đi rồi cũng có tự ái của họ nên không quay về, họ bỏ kịch làm phim làm truyền hình và thi thoảng thì vẫn thấy họ ngồi uống sân khấu uống cà phê.
 


Chị là một diễn viên – nghệ sĩ thành công, có chức vụ và được mọi người kính nể và có vẻ như chị đang thiếu một danh hiệu – kiểu như NSƯT – để hoàn tất bảng vàng thành tích của mình thì phải?

Nói thật lòng là được thì mừng không được thì tôi cũng chẳng lấy đó làm buồn tủi. Với tôi thì trong lòng khán giả và đồng nghiệp mới là quan trọng. Tác phẩm mình ra đời họ có tán thưởng hay không, tiếp theo có sống được với khán giả hay không, đi vào lòng công chúng, đó là câu kết cuối cùng họ cho mình.

Tôi nói không phải là nói để hài lòng mọi người mà nói thực tâm. Như đợt ra Hà Nội cuối năm 2008, tôi giữ vị trí phó đoàn đi Hà Nội và sau nhiều ngày lăn lộn ở nhà hát Kim Mã để lo cho đoàn cuối cùng Huy Khánh được HCB, Quý Bình được HCV nhưng mấy anh chị ngoài đó nhìn thấy tôi ngoài đó cứ nghĩ tôi đóng chính đi để hòng có giải nhưng sự thực là tôi chỉ làm công tác hậu đài, nhắc tuồng, lo cho đời sống anh chị em mà thôi.

Thế nhưng tôi lại được nghe rằng chị cần danh hiệu này để “cái ghế” PGĐ chị vừa nhận được vững chãi hơn?

Nói một cách thật lòng là vị trí của tôi không phải được xây dựng từ những danh hiệu. Bạn hãy thử hỏi những người đã từng làm việc, cộng tác cùng tôi bao nhiêu năm qua xem tôi là người như thế nào, họ sẽ nói cho bạn biết tôi đã bỏ tiên làm những vở nào vở nào mà không lấy lại một đồng vón. Với từng đó uy tín trong nghề, trong mắt đồng nghiệp bao năm qua toi nghĩ việc bạn nói nó rất buồn cười. Rồi bạn cứ thử ngồi vào ghế của tôi đi bạn sẽ thấy, quyền lợi chưa thấy bóng dáng đâu nhưng nếu làm điều gì chưa tốt là thế nào cũng bị “ném đá”.

Chuyện công việc, tôi nghĩ thế là đủ, tôi sẽ hỏi chị chuyện đời tư một chút. Hình như chị đang chạy trốn tình yêu hay sao mà tôi chẳng bao giờ thấy chị nhắc đến đề tài đó trong những bài phỏng vấn trước đây? Với chị tình cảm trai gái không có chỗ trước một tình yêu sân khấu quá lớn?

Bạn đừng thương hại tôi mà nghĩ tôi cô đơn, tôi sống vui lắm. Tôi có cô con gái nuôi năm nay đã được 10 tuổi. Bé con là con gái của em tôi và tôi nhận nuôi nó từ lúc lọt lòng tới giờ, đó là tình yêu lớn của tôi. Còn chuyện tìm ai đó để mình dựa dẫm, để mình được là đàn bà đích thực, tôi cũng muốn lắm chứ nhưng nếu đi tìm theo kiểu nhắm mục tiêu, lên kế hoạch “chinh phục” rồi lao tới tấn công dồn dập, tôi chịu thôi không làm được. Nói vui vậy thôi chứ tôi không vật vã vì yêu như vậy đâu, trời thương cho duyên cho phận thì sẽ đến thôi.

Nhưng chinh phục cũng là một khoái cảm đó chứ, nhất là với một người mạnh mẽ như chị!

Tất nhiên, tôi thích chinh phục nhưng mâu thuẫn là tôi lại sợ thất bại. Thế nên, nếu tôi thấy trước thất bại, tôi sẽ đo ván đối phương trước rồi tôi bỏ đi. Tôi vẫn đặt ra cho mình một tiêu chuẩn là tôi muốn một người đàn ông khiến mình yêu say đăm và nếu tìm được người đó tôi thề là tôi sẽ từ bỏ tất cả. Nhưng hiện nay, chưa thấy ai làm tôi có cảm giác muốn vứt bỏ sự nghiệp này, sân khấu này để ra đi vì họ cả.

Xin chân thành cảm ơn chị về những chia sẻ thẳng thắn!

Theo Sành Điệu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm