16/03/2023 13:56 GMT+7 | Văn hoá
Gia đình NSND Thụy Vân vừa đau buồn thông báo tin bà đã qua đời sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng.
Ngày 16/3, Anh Tuấn, con trai của NSND Thụy Vân, cho biết mẹ anh trút hơi thở cuối cùng lúc 2 giờ 20 ngày 16-3 tại Bệnh viện Hoàn Mỹ. Cố nghệ sĩ hưởng thọ 84 tuổi.
NSND Thụy Vân sinh năm 1940. Bà bắt đầu nghiệp diễn từ năm 19 tuổi và là gương mặt tiêu biểu cho lớp diễn viên kiên cường trong thời chiến.
Bởi lẽ khác với việc nhập tâm vào vai diễn như trong thời bình, thế hệ diễn viên thời chiến phải đối diện với nguy hiểm rình rập và cực khổ gấp bội. Tiếng bom rơi, máy bay oanh tạc có thể xảy ra bất lúc lúc nào, trên phim trường cũng như trong giờ nghỉ hay giữa bữa ăn.
Bằng lòng yêu nghề, họ phải vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành vai diễn một cách xuất sắc nhất. NSND Thụy Vân là tiêu biểu trong thế hệ diễn viên kiên cường ấy.
NSND Thụy Vân tên đầy đủ là Nguyễn Thụy Vân. Bà nhận ra niềm đam mê khi có dịp chứng kiến ê-kip làm phim thực hiện một cảnh quay bên hồ Tây - gần ngôi trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội) và bà theo học.
Sau đó, bà Thụy Vân nộp đơn thi vào trường Sân khấu Điện ảnh khóa 1. Sự nghiệp của bà được nhớ tới với hàng loạt tựa phim như Rừng xà nu, Hai người mẹ, Xa và gần, Làng nổi, Cơn lốc đen, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Sao tháng Tám, Đứa con nuôi.
Trong số những bộ phim bà đóng, "Nổi gió" có thể xem là tác phẩm để đời, đưa bà lên hàng đầu trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam thập niên 1960.
Phim do Huy Thành đạo diễn, khởi quay năm 1963, được giới điện ảnh xem như phim đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng nói về chiến tranh Việt Nam.
Sau khi ra mắt, Nổi gió được vinh danh với giải Bông sen vàng (tiền thân của Cánh diều vàng ngày nay) cho hạng mục Phim truyện nhựa tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên.
Ngoài NS Thụy Vân, Nổi gió cũng là một trong số cột mốc đánh dấu sự thành danh của thế hệ diễn viên khóa đầu tiên trường Nghệ thuật Sân khấu như: Thế Anh, Lâm Tới, Thanh Loan…
Trong phim, bà đóng hàng loạt cảnh bị địch đánh đập, tra tấn. Đỉnh điểm là khi nhân vật bị quấn băng gạc tẩm cồn vào 10 đầu ngón tay rồi châm lửa đốt. Trước ngọn lửa cháy rực trên hai bàn tay, ánh mắt cương nghị, gương mặt không chút biến sắc của bà khiến quân thù sợ hãi. Phân đoạn này gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả nhiều thế hệ, trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm, can trường, tinh thần hy sinh bất khuất của người phụ nữ Việt Nam và tinh thần lao động nghệ thuật quên mình của nghệ sĩ điện ảnh.
Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ngoài diễn xuất, NS Thụy Vân còn là đạo diễn. Phim Cơn lốc đen do bà đạo diễn từng giành giải đặc biệt trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 (1988).
Bên cạnh đó, bà còn xuất bản tập thơ Từng giọt ngọt đời được bạn yêu thơ cả nước dành nhiều thiện cảm.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất