"Khi bé, anh trai Trần Hiếu rất thích rủ tôi đi ra sông Hồng cởi truồng tắm. Thích lắm. Anh Hiếu thích làm tắc zăng. Có hôm về nhà vẽ nguệch ngoạc lên tường, bố tôi rất cáu nhưng trông thấy đẹp nên lại thôi...'' - Trần Tiến tâm sự trong liveshow "Như chờ từng giấc mơ" diễn ra tối 11/8 tại Hà Nội.
Hai thế hệ (từ trái qua): Trần Hiếu, Trần Thu Hà, Trần Tiến
Anh Hiếu tụt quần tôi, cho chuồn chuồn cắn rốn
Với "nhiệm vụ" là người dẫn chuyện trong liveshow hát toàn các sáng tác của mình, Trần Tiến trong trang phục comple đội mũ bê rê vẫn giữa được cách nói chuyện tưng tửng, bông phèng, đôi khi "bạo miệng" khiến khán giả vừa thích thú vừa "chột dạ".
"Khi bé anh Hiếu hay rủ tôi tè vào những lỗ nhỏ để dế nó lên. Lúc đó không biết do nước nhiều hay nước có mùi khó chịu mà nó bò lên thì tôi cũng không biết nữa..." - Trần Tiến kể câu chuyện tinh nghịch đầy kỷ niệm với anh trai của mình - NSND Trần Hiếu.
"Nhạc sĩ du ca" còn nói khi bé hay được anh trai Trần Hiếu rủ đi bơi. Trần Tiến nhớ lại: "Tôi không biết bơi nhưng anh Hiếu vẫn đẩy xuống nước. Sau khi bị uống mấy ngụm nước anh Hiếu kéo tôi lên bờ, tụt quần tôi ra và cho chuồn chuồn cắn vào rốn, thế là từ đó tôi biết bơi".
Cũng theo Trần Tiến, thủa nhỏ thường bị anh trai mắng là "đồ yếu ớt" vì chỉ thích đi tìm những viên bi ve, cầm hòn vôi ném xuống nước cho nở ra và tưởng tượng đó là núi tuyết tan. "Mẹ bảo, khi tản cư, anh Hiếu gánh một bên là tôi và chị gái kề trên còn một bên là bao gạo đi phăng phăng. Đấy, ông anh tôi khỏe như thế đấy!" - Trần Tiến cười lí lắc kể lại.
NSND Trần Hiếu và khoảnh khắc kể chuyện về em trai Trần Tiến.
NSND Trần Hiếu thì chia sẻ sở dĩ hồi trẻ ông gánh khỏe như vậy là bởi khi mới 11 tuổi ngày nào cũng một mình gánh nước cho cả nhà dùng. "Tôi trải qua thời gian gánh nước rồi mới gánh Trần Tiến mà cu cậu lúc đó nằm cứ chổng cu lên. Ngộ lắm!" - Trần Hiếu hóm hỉnh nói.
Những giấc mơ và câu chuyện về lá diêu bông...
Với Trần Tiến trong những giấc mơ luôn có những nỗi buồn và trong những nỗi buồn luôn ẩn chứa những giấc mơ. Tác giả ca khúc "Giấc mơ Chapi" bảo đôi khi tiếng bom đạn vẫn đeo đẳng theo anh. Nó đi cả vào giấc mơ khiến anh vừa ám ảnh vừa thoảng thốt mỗi khi tỉnh dậy, sờ người thấy toát cả mồ hôi.
Với bài hát "Sao em nỡ vội lấy chồng" nổi tiếng, Trần Tiến bảo ông từng tự nhủ rằng "lá diêu bông" được nhắc tới trong bài này là do người ta tự "bịa ra" nhưng tình cờ một lần đi diễn ở Quảng Ninh, trong một buổi nhậu có một ông bạn gọi Trần Tiến ra rồi nói: Có lá diêu bông. "Lúc đó tôi nói có mà đó là lá mơ lông để các ông ăn với thịt chó thì có" - Trần Tiến nói.
Trần Tiến trong "Như chờ từng giấc mơ".
Một lần nữa khi lên Điện Biên diễn, lại có một bà cụ nói với Trần Tiến rằng trong dòng họ nhà bà có một người đã tìm được lá riêu bông. Trần Tiến hỏi đi tìm ở đâu thì bà cụ nói phải vào hang sâu và lưỡng lự buông câu: "Liệu anh có đủ sức để đi tìm chiếc lá ấy không?"...
Nhạc sĩ Trần Tiến cũng kể câu chuyện về hoàn cảnh ra đời ca khúc "Mặt trời bé con". Đó là hồi anh cùng bố mẹ, các anh chị còn ở phố Ga (phố Lê Duẩn - PV), một ngày có một anh người Quảng Ngãi ghé nhà Trần Tiến mang theo cây đàn phong cầm và xin ngủ nhờ.
"Thấy anh mang đàn tôi hỏi: Anh đi đâu?, anh nói đi thi vào trường nhạc,... rồi tôi viết bài "Mặt trời bé con". Sau mấy mươi năm tình cờ đi diễn, có một anh lên vỗ vai tôi hỏi: Tiến phải không?, giọng Quảng Ngãi nên tôi nhớ ngay ra người anh thuở nào. Chúng tôi gặp nhau khi hai người tóc đã bạc và chỉ biết ôm lấy nhau mà khóc" - nhạc sĩ Trần Tiến kể lại.
Theo Vietnamnet