Nỗi ám ảnh 'vỡ đê'

02/08/2018 07:09 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - "Hà Nội có thể vỡ đê". Chỉ vài ngày trước, thông tin ấy vẫn là câu chuyện thường trực để người Hà Nội luận bàn và lo lắng.

Đê ở đây là đê tả sông Bùi, đoạn qua huyện Chương Mỹ. Những ngày cuối tháng 7, mưa lớn làm mực nước tại đây dâng cao, gây ngập nặng cho người dân địa phương. Và đỉnh điểm, tối 30/7, khi nguy cơ vỡ đê lên cao, hàng trăm chiến sĩ đã phải túc trực tại đây suốt đêm – trong khi hơn 14.000 hộ dân cũng được yêu cầu sẵn sàng chuẩn bị cho phương án di dời.

Cuối cùng, nỗi lo ấy may mắn không thành hiện thực. Nhưng, từ những gì vừa diễn ra, một câu chuyện mới mà cũ lại được xới lên với người dân Hà Nội: chuyện vỡ đê.

Nội thành Hà Nội trong quá khứ không ít lần ngập lụt vì vỡ đê. Tất nhiên, những lần ấy chủ yếu gắn với "tai nạn" của hệ thống đê sông Hồng – con sông lớn nhất và nằm gần nội thành nhất.

Chú thích ảnh
Một đoạn đê thuộc huyện Chương Mỹ được xếp bao cát chống tràn. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Chỉ tính trong vòng 100 năm gần đây nhất, lịch sử Hà Nội đã có những lần vỡ đê vào các năm 1913, 1915, 1926, 1945, 1968, 1969... Trong đó, đỉnh điểm là trận lũ lụt lịch sử ở 13 tỉnh phía Bắc vào năm 1971, khi mực nước sông Hồng đạt tới mức kỷ lục 14,13 mét.

Những tư liệu ghi lại cho biết: ở đợt lũ ấy, sau khi phá vỡ một loạt tuyến đê bối, nước sông Hồng dâng cao, phá vỡ các tuyến đê ở Hải Dương, Phú Thọ, Thái Bình... và cả đê Cống Thôn (Gia Lâm) tại Hà Nội vào tối 22/8/1971. Theo lời những người trong cuộc, mực nước sông khi đó cao mấp mé mặt cầu Long Biên. Thậm chí, ngành giao thông đã phải điều cả một đoàn tàu chở đá hộc lên đây với hi vọng giảm tác động của nước xiết để bảo vệ cầu.

Ở những năm sau đó, cứ mỗi mùa mưa, câu chuyện về nguy cơ vỡ đê vẫn là nỗi ám ảnh với người dân Hà Nội. Phải mãi tới những năm 2000, khi các thủy điện Lai Châu và Sơn La hoàn thành, lưu lượng nước trên sông Hồng mới được điều tiết hiệu quả trong mùa mưa. Và khi ấy,  với những thế hệ từ lứa 9x trở đi, chuyện "vỡ đê" ở nội thành Hà Nội cũ mới dần lui vào quá khứ.

***

Lui, chứ không phải là mất hẳn. Không phải ngẫu nhiên, vài năm trước, dự án "Thành phố sông Hồng" do Hàn Quốc đề xuất đã bị các chuyên gia thủy lợi nghi ngờ, thậm chí là phản đối. Bởi, theo dự án ấy, để tạo quỹ đất mới cho Hà Nội, 2 tuyến đê mới (nằm ngoài đê cũ) sẽ được xây dựng và thu hẹp đáng kể hành lang thoát lũ của sông Hồng.

Mà, đó mới là đê sông Hồng, con đê đã được kiên cố hóa qua nhiều năm – chứ không phải là những con đê đất đang nằm dọc ở những dòng sông quanh Hà Nội.

Bởi trong mùa mưa, ngoài con đê chính sông Hồng, Hà Nội vẫn luôn chịu áp lực từ mực nước ở các hệ thống sông khác như sông Tích, sông Bùi, sông Đáy. Đặc biệt, ở những vùng đất trũng thuộc Hà Tây cũ như Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức..., nỗi lo ngập lụt vào mùa mưa vẫn luôn là ám ảnh với người dân nơi đây.

Không nói đâu xa, vào tháng 10/ 2017 vừa qua, mực nước cao (vượt quá mức báo động cấp 2) từ sông Bùi đã tràn qua đê hữu Bùi, khiến hàng trăm hộ dân tại Chương Mỹ và Mỹ Đức phải vội vã sơ tán trong biển nước.

***

Tôi nhắc lại chuyện cũ, khi xem những bức ảnh mà một tờ báo điện tử ghi lại ở "rốn ngập" Quốc Oai. Ở đó, giữa mặt nước mênh mông, khá nhiều cô gái hào hứng tạo dáng, té nước để chụp ảnh làm kỷ niệm.

Có lẽ, ở độ tuổi của mình, những cô gái ấy không hiểu rằng, khái niệm "vỡ đê" đã từng là nỗi ám ảnh lớn với thế hệ trước của gia đình họ, những cư dân của vùng đồng bằng sông Hồng. Nhìn rộng hơn, từ hàng trăm năm nay, trong công cuộc trị thủy, đó chính là nỗi lo lớn nhất của những người dân phía Bắc.

Nỗi ám ảnh ấy, đến bây giờ, vẫn hoàn toàn có nguy cơ trở thành hiện thực.

Xót xa 50.000 gốc mai Tết bị nhấn chìm do vỡ đê bao sông Sài Gòn

Xót xa 50.000 gốc mai Tết bị nhấn chìm do vỡ đê bao sông Sài Gòn

Sáng 15/11, triều cường tại TP Hồ Chí Minh lên cao với mức đỉnh 1,63m khiến một đoạn đê bao tại bờ sông Sài Gòn (đoạn thuộc phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) bị vỡ, nước tràn vào khu dân cư, gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm