06/09/2014 08:15 GMT+7 | Trong nước
Ali Hussein Kadhim, 23 tuổi, vẫn còn nhớ nguyên cái ngày mình và nhiều đồng đội bị các chiến binh IS đưa tới một cung điện ở Tikrit, nơi cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein từng sống.
Sống sót nhờ phép lạ
IS chia những người đàn ông ra thành từng nhóm, theo tôn giáo của họ. Các quân nhân là Hồi giáo Sunni được tha mạng, nếu họ thể hiện sự ăn năn vì đã phục vụ chính quyền. Những người Shiite bị đánh dấu giết và bị xếp vào hàng, bị đưa thẳng ra trường bắn.
Kadhim là người thứ 4 trong hàng của anh. Khi đội hành quyết bắn người đầu tiên, máu tóe lên mặt Kadhim. Anh vẫn nhớ đã thấy một chiến binh IS cầm camera và thu hình vụ hành quyết. “Gương mặt con gái đột nhiên hiện lên trong tâm trí tôi. Cháu gọi ‘Cha ơi, cha ơi’” – anh kể.
Rồi Kadhim cảm thấy một viên đạn sượt qua đầu mình và anh ngã ngay xuống một cái rãnh mới được đào để làm mồ chôn tập thể. “Tôi giả vờ bị bắn” – anh kể. Vài giây sau đó, Kadhim nói rằng một trong những kẻ tham gia hành quyết đã rảo bước kiểm tra các thi thể và thấy rằng một người đàn ông bị bắn vẫn còn thở. “Hãy để nó chịu đau đớn” – một tay súng khác hô lên khi gã này định nã thêm viên đạn ân huệ – “Nó là người Shiite bội giáo. Hãy để nó chịu đau, để nó chảy máu”. Tới thời điểm ấy, Kadhim đã nung nấu ý chí phải sống ở trong đầu.
Anh chờ đợi suốt 4 tiếng đồng hồ, cho tới khi trời tối hẳn, tới khi không gian chỉ còn sự yên lặng, mới dám nhỏm dậy. Cách địa điểm hành quyết chỉ 200 mét là bờ sông Tigris. Anh đã đi tới đây trong tình trạng bị trói quặt tay về phía sau và được những cây sậy che chắn.
Phải sống bằng mọi giá
Ở bờ sông, anh gặp một người bị thương có tên Abbas – một tài xế ở Căn cứ Speicher của quân đội Iraq, người bị bắn vào đầu và đẩy xuống sông, nhưng chưa chết. Abbas đã dùng chút sức tàn còn lại để cởi trói cho Kadhim. 2 người ở cùng nhau trong đám lau sậy suốt 3 ngày.
Kadhim nói rằng anh đã đào giun, ăn côn trùng và cỏ dại để sống. Nhưng Abbas, do bị thương quá nặng, đã không thể thể ăn được gì. “Đó là 3 ngày dưới địa ngục” - Kadhim kể. Khi Kadhim chuẩn bị kế hoạch chạy trốn, Abbas đã cầu xin anh hãy trở lại và nếu không thể làm được thế, anh phải kể lại câu chuyện. “Hãy cho mọi người biết chuyện gì đã xảy ra ở đó” – Abbas nói.
Kadhim đồng ý và rời đi lúc 11 giờ đêm, với ý định bơi qua sông Tigris. Nước sông lạnh và chảy xiết, nhưng cuối cùng Kadhim vẫn sang được bờ bên kia. Buổi sáng ngày tiếp theo, anh được một gia đình Hồi giáo Sunni cho náu thân. Họ còn cho anh ăn trứng và sữa chua, những món ăn tử tế đầu tiên sau nhiều ngày đói khát.
Tuy nhiên do lo ngại việc có thể mất mạng nếu IS phát hiện chứa chấp một người Shiite, gia đình đã đưa Kadhim tới nhà của người bạn ở một ngôi làng khác, nơi anh được an toàn thêm 3 ngày nữa.
Điểm dừng chân tiếp theo của Kadhim là thị trấn Al Alam, tại ngôi nhà của một trưởng tộc Sunni có tên Khamis al-Jubouri. Ông này điều hành một hệ thống đường ngầm để giúp binh lính Hồi giáo Shiite chạy trốn khỏi IS. Kadhim đã ở cùng al-Jubouri trong 2 tuần cho tới khi anh được đưa tới Erbil an toàn, dù phải đi qua vài điểm kiểm soát của IS.
Tại Erbil, anh gặp chú mình và được chú đưa về nhà trong đêm tiếp theo. “Chuyện thật vui mừng ngoài sức tưởng tượng” – Kadhim nói về lúc anh gặp gỡ gia đình – “Họ thì khóc, còn tôi thì cười”.
Giờ đây khi đã được an toàn tại nhà chú của mình, Kadhim mới kể lại vì sao mà anh bị IS bắt và được tận mắt chứng kiến vụ tàn sát rùng rợn của lực lượng này.
Cả ngàn người lính thua vài chục tay súng
Kadhim nói rằng sau khi IS chiếm được Mosul, thành phố lớn thứ 2 Iraq, và tiến về Tikrit, sự hỗn loạn và sợ hãi bắt đầu hình thành ở Căn cứ Speicher nằm tại thành phố này. Giống như ở Mosul, các viên sĩ quan chỉ huy do người Mỹ huấn luyện đã chạy trốn hết khỏi Tikrit.
“Chúng tôi đơn độc nên đã quyết định đào ngũ vì chẳng có sĩ quan ở lại chỉ huy” – Kadhim nói. Anh và các đồng đội cởi bỏ quân phục, mặc quần áo dân thường và đi thành một nhóm lớn ra khỏi cổng đơn vị. Kadhim cho biết phải có tới 3.000 người bỏ chạy khỏi căn cứ trong ngày đó.
Đó là một quyết định rất tồi. Cho tới ngày hôm nay, Căn cứ Speicher vẫn chưa rơi vào tay IS. Nếu Kadhim và đồng đội ở lại, hẳn họ vẫn được an toàn. Nhưng khi ấy, cả nhóm đang hoảng sợ và ảo tưởng rằng họ có thể đi bộ tới tận Baghdad, nằm cách đó 200km về phía Bắc.
Tuy nhiên khi vừa rời căn cứ được vài cây số, họ đã đụng trúng một nhóm khoảng 50 tay súng IS đi xe bọc thép. “Những người này nói với chúng tôi rằng, ‘Đừng lo, chúng tôi sẽ đưa các anh tới Baghdad’” – Kadhim kể – “Họ cố gắng khiến chúng tôi thấy an toàn. Họ đã lừa chúng tôi”.
Những người lính đào ngũ lập tức được đưa lên nhiều chiếc xe tải chạy thẳng tới vùng đất nằm quanh cung điện ở Tikrit kể trên. Trong vòng 3 ngày tiếp theo, IS thực hiện hàng loạt vụ hành quyết quanh cung điện này và ở những nơi khác tại Tikrit. Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) thông qua phân tích ảnh vệ tinh và các bức ảnh, video do IS công bố, cho rằng có từ 560 – 770 người đã bị giết trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên HRW tin rằng con số thực có thể còn cao hơn. Bản thân IS “khoe” rằng nhóm đã giết được ít nhất 1.700 lính Iraq tại Tikrit, con số mà Kadhim cho là đúng.
Câu chuyện mà Kadhim kể, ngoài sự tàn ác của IS, còn cho thấy tình trạng tồi tệ của quân đội Iraq, một lực lượng mà Mỹ đã bỏ hàng tỷ đô la để xây dựng, nhưng hoạt động không hề hiệu quả. |
Tường Linh (theo New York Times)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất