Ninh Bình bảo tồn không gian linh thiêng Lễ hội Hoa Lư

07/04/2025 07:21 GMT+7 | Văn hoá

Tối 6/4, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2025.

Dự buổi lễ có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Ninh Bình; lãnh đạo các tỉnh, thành phố lân cận cùng đông đảo người dân địa phương.

Tại chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định, Ninh Bình là vùng đất cổ, mang đậm các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc với trung tâm là thành phố Hoa Lư nổi tiếng, kinh đô của nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử dân tộc. Lễ hội Hoa Lư thể hiện những nét văn hóa dân gian đặc sắc và lịch sử đất nước qua các triều đại: Đinh, Tiền Lê và thời kỳ đầu của Nhà Lý. Lễ hội Hoa Lư đã trở thành hoạt động văn hóa tinh thần phong phú, gắn kết của người dân Cố đô Hoa Lư và cả nước nói chung.

Ninh Bình bảo tồn không gian linh thiêng Lễ hội Hoa Lư - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh trống khai mạc lễ hội

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, tâm huyết của cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình nói chung, thành phố Hoa Lư nói riêng và những kết quả quan trọng đạt được trong việc bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên vùng đất Cố đô, nhất là gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của Lễ hội Hoa Lư, góp phần quan trọng quảng bá những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những nét văn hóa đặc sắc của đất nước và con người Việt Nam.

Thời gian tới, nhằm tiếp tục phát huy những giá trị di sản, trong đó có Lễ hội Hoa Lư, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào và tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như hội nhập quốc tế; đồng thời góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và thành phố sáng tạo, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Bình cần tập trung thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đã đề ra, trong đó lấy du lịch, công nghiệp văn hóa làm cụm ngành mũi nhọn, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm đột phá; phát huy mạnh mẽ hơn nữa giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; phát triển xứng tầm với truyền thống lịch sử, giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình; tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh, giá trị độc đáo riêng có của tỉnh Ninh Bình, nhất là các giá trị lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; chú trọng phát triển bền vững, giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ninh Bình bảo tồn không gian linh thiêng Lễ hội Hoa Lư - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại lễ khai mạc

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Bình tiếp tục nghiên cứu, làm sâu sắc thêm, chú trọng phổ biến, nâng cao nhận thức, nhất là cho thế hệ trẻ về các giá trị lịch sử - văn hóa của Cố đô Hoa Lư, Nhà nước Đại Cồ Việt. Đặc biệt, tăng cường bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Lễ hội Hoa Lư, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, bảo tồn không gian linh thiêng của lễ hội; gắn kết chặt chẽ các hoạt động bảo tồn và phát huy lễ hội Hoa Lư với các hoạt động du lịch tại khu di tích lịch sử - văn hóa cố đô Hoa Lư...

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nêu bật: Lễ hội Hoa Lư xưa được các vương triều phong kiến tổ chức như Lễ trọng, có tầm ảnh hưởng rất lớn, bảo lưu được những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc. Trải qua thời gian, Lễ hội đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô và lan tỏa tới nhân dân cả nước nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng thành kính, tri ân sâu sắc, với các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công khai thiên lập quốc, thể hiện tính nhân văn trong cội nguồn văn hóa Việt Nam và làm cho giá trị Nhà nước Đại Cồ Việt luôn trường tồn với thời gian và lịch sử.

Ninh Bình bảo tồn không gian linh thiêng Lễ hội Hoa Lư - Ảnh 3.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu khai mạc lễ hội

Lễ hội Hoa Lư luôn được tổ chức trang trọng với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; mang đậm bản sắc vùng đất và con người Cố đô; phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của đức Đinh Tiên Hoàng Đế và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại: Đinh - Tiền Lê - Lý. Năm nay, các nội dung phần lễ và hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống được tổ chức tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, đêm khai mạc và một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật đương đại được tổ chức tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế là sự mở rộng không gian văn hóa và nâng cao hơn nữa quy mô tổ chức, sức ảnh hưởng của Lễ hội, phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân và sự tham gia của du khách.

Ninh Bình bảo tồn không gian linh thiêng Lễ hội Hoa Lư - Ảnh 4.

Một tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ khai hội Hoa Lư 2025

Đây cũng là dịp để Ninh Bình và người dân cả nước tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của đức Đinh Tiên Hoàng Đế, các vị tiên đế, các bậc tiền nhân đã có công thống nhất đất nước, xây dựng nền độc lập và tự chủ của dân tộc, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt, mở nền chính thống; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Ninh Bình bảo tồn không gian linh thiêng Lễ hội Hoa Lư - Ảnh 6.

Tham dự lễ khai mạc, nhân dân và du khách được đắm mình vào không gian nghệ thuật với chủ đề "Hoa Lư Ninh Bình – Khởi nguồn đế đô, ngàn đời thịnh trị" với sự tham gia của hàng trăm nghệ sỹ, diễn viên, thể hiện các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc.

Đức Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm