Những vụ tranh thật, tranh giả ầm ĩ thế giới

18/05/2016 19:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đây không phải là lần đầu tiên tranh “rởm” của họa sĩ Việt Nam xuất hiện tại các cuộc đấu giá quốc tế. Bởi thực tế, thị trường nghệ thuật thế giới cũng từng xảy ra nhiều vụ lùm xùm tranh thật, tranh giả, thậm chí kiện nhau ra tòa.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần lật lại các vụ việc này từ các nguồn tin báo chí nước ngoài

Thật giả khó lường

Hồi tháng 10/2008, ông Bùi Thanh Phương, con trai danh họa Bùi Xuân Phái, đã gửi thư tới Hong Kong (Trung Quốc) khẳng định, cuộc đấu giá các bức tranh hiện đại và đương đại Đông Nam Á do chi nhánh Sotheby’s Hong Kong tổ chức ngày 16/10/2008 có một số bức tranh “rởm” mang tên Bùi Xuân Phái.

Tuy nhiên, sau khi thông tin này được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, người phát ngôn của Sotheby’s, chi nhánh ở Hong Kong, đã bác bỏ mọi cáo buộc của ông Bùi Thanh Phương và tuyên bố họ không đấu giá tranh Bùi Xuân Phái giả, tất cả các bức tranh mà Sotheby’s bán trong các cuộc đấu giá Hè và Thu đều là tranh thật.

Song đến chiều ngày hôm đó, những thông tin về phiên đấu giá và 4 bức tranh giả đã được xoá sạch dấu vết trên trang web của Sotheby’s Hong Kong.  


Bức tranh Odalisque của họa sĩ Nga Boris Kustodiev được tỉ phú Vekselberg mua với giá 2,4 triệu USD và sau đó trả lại

Tại các cuộc đấu giá này, Sotheby’s Hong Kong đã rao bán 5 bức tranh của Bùi Xuân Phái và 3 tác phẩm đã có chủ nhân mới. Tuy nhiên, ông Phương tuyên bố chỉ có bức tranh Mèo đỏ (Red Cat) mới đúng là của cha ông.

Đây là một bức tranh nhỏ được danh hoạ vẽ trên bưu thiếp chúc mừng năm mới tặng bạn bè. Bức tranh này đã được bán với giá hơn 6.000 USD, còn 2 bức kia được mua với giá hơn 19.000 USD và hơn 20.000 USD.

Trước đó, tại cuộc đấu giá hồi tháng 4/2008, Sotheby’s Hong Kong cũng bán một bức tranh, mang tên Trước giờ biểu diễn (1984) của Bùi Xuân Phái với giá 124.216 USD. Tuy nhiên, ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng nhiều khả năng đây là tranh giả bởi bức tranh thật đang được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Hồi năm 1997, hãng Christie’s cũng đấu giá một bức tranh được thông tin là của Bùi Xuân Phái. Tuy nhiên sau đó một họa sĩ Việt Nam đã chứng minh đó là tranh “rởm”. Hãng Christie’s đã phải hoàn lại tiền và xin lỗi người mua tranh.

Tỷ phú giàu bậc nhất thế giới cũng mua phải tranh rởm

Thị trường nghệ thuật thế giới cũng từng xảy ra nhiều vụ mua phải tranh giả và kiện nhau ra tòa. Điển hình trong số đó là hồi năm 2012, hãng đấu giá bị Viktor Vekselberg, một trong những người giàu nhất thế giới, kiện vì mua phải tranh “rởm”.

Vekselberg đã chi 1,7 triệu bảng (2,4 triệu USD) để mua Odalisque, bức tranh khỏa thân được tuyên bố là tác phẩm của nghệ sĩ Nga Boris Kustodiev. Bức tranh này đạt giá cao hơn gấp 10 lần so với ước tính.


Con trai Từ Bi Hồng cầm bức tranh được đấu giá và tuyên bố đây chính là tác phẩm của cha mình

Tuy nhiên, ngay sau khi mua tranh hồi năm 2005, một số chuyên gia nghệ thuật làm việc trong Quỹ nghệ thuật của Vekselberg bắt đầu nghi ngờ về tính xác thực của bức tranh. Họ tuyên bố, chữ ký của Kustodiev, có niên đại vào năm 1919, được viết bằng chất màu có chất nhôm, song phải đến năm 1930 mới có chất màu này, trong khi nghệ sĩ qua đời từ năm 1927.

Theo phán quyết của thẩm phán tòa án tối cao, hãng Christie’s phải trả lại Vekselberg 1,7 triệu bảng tiền mua tranh và phải thanh toán 1 triệu bảng các khoản chi phí.

Tuy nhiên, hãng Christie’s tuyên bố, tác phẩm này có thể là bức tranh được Kustodiev “vẽ để bán cho nhanh”, bởi lúc đó nghệ sĩ đã phải ngồi xe lăn, đang tuyệt vọng về chuyện tiền bạc và phải vật lộn để nuôi gia đình trong thời kỳ sau cách mạng Nga ở St Petersburg.

Liên tiếp lùm xùm

Hồi năm 2010, hãng Sotheby’s lại bị kiện khi nhà sưu tầm Hy Lạp nổi tiếng Diamantis Diamantides tuyên bố, ông đã mua phải 2 bức tranh giả tại cuộc đấu giá của Sotheby’s ở London.

Cụ thể, Diamantides mua tranh Still Life Before the Acropolis của Constantin Parthenis hồi năm 2006 và The Virgin and Child hồi năm 2007. Tuy nhiên sau đó đã nổi lên nhiều nghi ngờ về tính xác thực của chúng. Năm 2010, Diamantides đã nộp đơn khiếu nại. Tuy nhiên, người phát ngôn của Sotheby’s phủ nhận quyết liệt.

Hồi tháng 11, Công ty đấu giá Quốc tế Jiuge Bắc Kinh, cũng đấu giá bức tranh mang tên Nude Portrait of Jiang Biwei và bị cho là bản sao “rởm” một kiệt tác của nghệ sĩ Trung Quốc Từ Bi Hồng (1895-1953).

Từ Bi Hồng nổi tiếng với những bức tranh vẽ bằng mực Tàu và được xem là nhà tiên phong tranh sơn dầu mô tả nhiều đề tài.

Bức tranh này, đã được bán với giá 72,8 triệu NDT (11,25 triệu USD), mô tả một phụ nữ khỏa thân và được cho là chân dung vợ của Từ Bi Hồng, được ông vẽ hồi những năm 1920. Tính xác thực của bức tranh đã được con trai cả của ông xác nhận thông qua một chứng thực viết tay hồi tháng 9/2007.

Tuy nhiên, một nhóm cựu sinh viên của Viện Hàn lâm Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc (CAFA) tuyên bố, đây là tác phẩm do một người bạn cùng lớp họ vẽ hồi năm 1983 và còn cho biết, người mẫu trong tranh là một cô gái ở tỉnh Giang Tô. Họ còn gửi kèm theo hình ảnh của 5 bức tranh mang cùng đề tài trong bức thư ngỏ. Những bức tranh đó trông giống với tác phẩm đã được đấu giá.

Ông Yang Songlin, một trong những người đồng chấp bút bức thư ngỏ, nói với Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc rằng, mặc dù ông không nêu được tên người vẽ bức tranh, song ông tin chắc nó do một người học cùng lớp vẽ.

“Tôi không thể nói Từ Bi Hồng không bao giờ vẽ một người phụ nữ như vậy, song không thể có một bức tranh có sự giống nhau đến vậy và tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ một tác phẩm nào của Từ Bi Hồng giống như vậy” - Yang Songlin nói.

Việt Lâm (lược dịch và tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm