06/05/2017 13:14 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Có 42 vị khách lần đầu tiên được đi ô tô, được xuống thành phố, được thấy và tắm biển. Đó là 42 em học sinh trường Tiểu học Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam. Chứng kiến các em tắm biển, tự nhiên thấy mặn trên môi, nhưng không phải là vị mặn mòi của biển.
Biển mặn
Cứ sáng cuối tuần, tôi lại hay đưa con ra bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng, một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh để cháu được hòa mình vào đại dương. Tôi không muốn cháu như bố, một đứa bé miền rừng núi thuở nào, phải đến 13 tuổi mới được nhìn thấy biển.
Hai cha con đang nghịch cát, thì thấy một đoàn trẻ em lóc nhóc đi xuống. Nhìn mặt mũi chúng đen nhẻm, lấm lem, lơ ngơ như “người ngoài hành tinh”, rất dễ nhận ra là trẻ em dân tộc.
Nhanh chóng, mỗi nhóm trẻ em được quản lý bởi một vài người lớn. Họ chia theo tổ, rồi canh đám trẻ tắm. Họ là nhóm hảo tâm, mang tên Từ thiện tự nguyện tại Đà Nẵng, gồm gần 20 thành viên đã tham gia công tác từ thiện hơn 10 năm nay. Còn 3 người đàn ông, ba người phụ nữ dáng chất phác, đậm chất “miền núi”, là thầy cô trườngTiểu học Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam.
- Cô ơi, người ta bỏ muối xuống nước sao lại mặn thế này?- Một chú nhóc hấp háy ánh mắt đen thẳm, nhìn cô giáo?
Cô chưa kịp trả lời thì một nhóc khác chen vào: “có phải lấy gàu múc nước rồi tắm không cô?
- Biển mặn thế đấy các con ạ. Không, không phải lấy gàu múc tắm như trên trường đâu. Ở đây các con cứ thoải mái mà tắm- Cô Nguyễn Thị Trang, giáo viên kiêm phụ trách công đoàn nhà trường, giải thích.
Những đứa trẻ từ bỡ ngỡ, tò mò, rồi đúng bản năng trẻ con, chúng bơi lội loạn xạ, gương mặt rạng rõ niềm vui rất lạ. Tắm thỏa thê, các em được đưa lên bờ tắm nước ngọt. Nhiều đứa cứ bịn rịn không muốn xa biển.
Tôi đưa con gái mình đến bên đám trẻ, cháu có vẻ hơi bất ngờ trước hình hài khác biệt của các bạn. Nhưng sau một lát, con tôi cũng có vẻ thân thiện với đám bạn miền núi. Nhìn con tôi, trắng trẻo, mũm mĩm bên các bạn trang lứa, bỗng dưng trào lên nỗi cay đắng. Một niềm thương cảm như muốn bóp nghẹt trái tim. Còn biết bao đứa trẻ trên đất nước này, nhất là vùng sâu vùng xa, chưa một lần đến biển, chuyện đủ cơm ăn, áo mặc còn xa vời hơn.
Gặp thầy hiệu trưởng “hiếm có, khó tìm”
Đây là thầy Lý Văn Đường, một hiệu trưởng “hiếm có, khó tìm”, chị trưởng nhóm Từ thiện, tự nguyện Nguyễn Thị Xuân nắm tay tôi đến giới thiệu một người đàn ông trung niên.
Câu chuyện thầy Đường quả như cổ tích thời hiện đại. Năm 2013 thầy được cử lên làm hiệu phó trường Tiểu học Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam, mộtxã cực kỳ hẻo lánh, nghèo khó và lạc hậu khi tỷ lệ dân tộc Xơ Đăng chiếm 98, 01%, dân tộc Ca Dong chiếm 1.16% trong khi Kinh chiếm chiếm 0,83%. Đây là địa bàn tỷ lệ các cặp vợ chồng tự sát (đa số ăn lá ngón) tăng rất mạnh trong thời gian qua. Nghèo đói, bế tắc khiến họ chọn con đường tiêu cực.
“Theo tục lệ, khi bố mẹ tự sát chết đi, ngôi nhà đó sẽ phải phá bỏ do sợ ma ám. Thành ra, nếu không có bà con nhận nuôi, những đứa con thơ dại sẽ phải tự kiếm sống bằng cách đi chăn bò thuê, ở thuê, thậm chí chúng tự vào rừng tự tìm thức ăn, đồ uống qua ngày”, thầy Đường cho biết.
Anh kể rằng có trường hợp anh phải vào rừng “lượm” về như năm 2015, hai vợ chồng Hồ Văn B. và Hồ Thị X. trú tại thôn 7 Trà Cang kéo nhau vô rừng ăn lá ngón tự sát bỏ lại 4 đứa trẻ. Khi đó đứa lớn 16 tuổi đã có chồng nên đưa đứa út về nuôi. Chi đoàn khối chính quyền Huyện Nam Trà My ủng hộ xây cho một ngôi nhà tạm. Còn lại 2 đứa Hồ Thị Điểu (lớp 3) và Hồ Văn Nghễu (lớp 3) thì đi chăn bò thuê, sống lay lắt.
Một hôm nghe tin Điểu và Ngễu suốt ngày phiêu dạt trong rừng, anh Đường tức tốc đi tìm và phát hiện hai em đang lả đi bên suối. Anh quyết định đưa về trường và...nuôi. Qua 4 năm, số lượng các cặp vợ chồng tự sát đã để lại lượng “con nuôi” (tức những đứa trẻ mồ côi) cho anh Đường và nhà trường đã lên đến 12 em. Lơn, Lẻo, Thiếu, Vong, Thôn đã lên cấp hai. Cấp tiểu học còn 7 em.
- Ban đầu bạn bè hỏi mi lấy chi nuôi chúng hả Đường? Tôi nói càn là tao đi xin- anh Đường nói.
Ngoài tiền túi bỏ ra cùng với các giáo viên trong trường, anh Đường phải liên tục đi vận động các nhà hảo tâm mới đủ sức nuôi đám trẻ...
Dĩ nhiên, những nỗi khổ tâm, gian truân của giáo viên cắm bản như anh Đường và các thầy cô trong trường Tiểu học Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam, không cần kể ra chúng ta cũng cảm nhận được.
Của cho và cách cho
Sau khi tắm biển, tôi theo chân các em về nhà anh Trí chị Quỳnh, trong nhóm Từ thiện tự nguyện, người đề xuất với nhóm sau khi đọc một bài báo kể về địa chỉ cần giúp đỡ này.
Anh chị Trí, Quỳnh đã chuẩn bị bữa ăn sáng tươm tất cho các em. Ngôi nhà biệt thự tuyệt đẹp, có bể bơi, các em ngồi xung quanh miệng không ngớt trầm trồ: “Hiu- Lem- O”- Nhà đẹp quá!
Một cậu bé không hiểu sao khóc thút thít, mặt cúi gằm xuống? “Con bị mất chiếc dép ngoài biển. Con không có tiền mua dép”. Thấy vậy cô giáo Nguyễn Thị Thủy cười xòa: “Lát đi chợ cô sẽ mua cho con một đôi đẹp hơn”. Thế mà cu cậu vẫn không nở nụ cười.
Trưởng nhóm Nguyễn Thị Xuân kể: “Khi chúng tôi lên đặt vấn đề giúp đỡ với thầy hiệu trưởng, thầy Đường bảo rằng giờ điều kiện vật chất của nhà trường đã ổn rồi. Một công ty xi măng đã bỏ vốn xây trường đầu năm 2017. Nếu có thể, hãy cho các em về tinh thần. Chúng tôi suy nghĩ mãi, và bật lên ý tưởng tổ chức các em một chuyến về thành phố thăm biển, thăm một số danh lam, thắng cảnh Đà Nẵng”.
Vậy là có chuyến đi để đời cho các em. Lần đầu tiên được ngồi ô tô, nhiều nhóc say xe bí tỉ. Xuống phố, ra biển, đi siêu thị, đi công viên, nhìn cái gì cũng như trong cổ tích, dù nhớ nhà nhưng bé nào cũng chưa muốn về. Những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu sẽ theo các em suốt đời.
Tôi chở con gái về, hỏi cháu: con thấy các bạn thế nào?
Thương quá, ba ơi!
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất