24/08/2021 09:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho văn nghệ sĩ. Ở mỗi loại hình nghệ thuật, chân dung Đại tướng thường được khắc họa gắn với những thời khắc quan trọng, bước ngoặt lịch sử có tính chất quyết định đối với vận mệnh dân tộc.
Bên cạnh các tác phẩm văn học, hình tượng Đại tướng còn được khắc họa thành công trong nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, điện ảnh và sân khấu đã góp phần lan tỏa hình tượng cao đẹp về tài năng, nhân cách vị tướng của lòng dân: “Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm”.
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), chúng ta hãy cùng điểm lại những tác phẩm sân khấu và những bộ phim về ông.
1. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ví như một thiên hùng ca bất tận, được “Quốc sử lưu danh, lòng dân tạc tượng”. Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được thể hiện qua nhiều bộ phim của các nhà làm phim trong nước và quốc tế. Tài năng, nhân cách của Đại tướng đã được thể hiện trong nhiều bộ phim (truyện, tài liệu và hoạt hình). Có thể kể đến những bộ phim tiêu biểu: Việt Nam trên đường thắng lợi; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một thế kỷ, một đời người; Quyết định lịch sử; Trận chiến giữa hổ và voi; Ký ức Điện Biên; Sống cùng lịch sử; Nhà tiên tri…
Phim tài liệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp do đạo diễn Cao Nguyên Dũng thực hiện từ kịch bản của 2 nhà văn Hoàng Minh Phương và Hà Đình Cẩn do Hãng phim Truyền hình TP.HCM sản xuất năm 2001. Bộ phim gồm 6 tập: Đường Kách Mệnh, Từ nhân dân mà ra, Chín năm làm một Điện Biên, Cuộc đụng đầu lịch sử, Tiến lên toàn thắng ắt về ta và Người Anh cả của Quân đội nhân dân đã tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ những năm tháng thanh niên, giác ngộ cách mạng cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Bộ phim đã tái hiện hình ảnh thầy giáo trường Thăng Long và đề cập đến mối tình đầu, người vợ, người đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái - em gái của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai…
Phim Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một thế kỷ, một đời người do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất năm 2011 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2011). Bộ phim do NSND Đào Trọng Khánh là tác giả kịch bản và đạo diễn. Với độ dài 30 phút, bộ phim được chắt lọc từ 700 phút phim tư liệu do NSND Đào Trọng Khánh ghi lại tại nhà riêng của Đại tướng trong nhiều năm.
Phim tài liệu Vị tướng của dân tộc (biên kịch và đạo diễn: Nguyễn Hoàng) ra mắt khán giả đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2011). Phim dài 20 phút, được dựng đan xen quá khứ với hiện tại chân thực, xúc động. Chân dung Đại tướng được thể hiện qua tâm sự về trận Điện Biên Phủ, những câu chuyện đời thường và qua lời kể của GS Trần Văn Giàu, TS Phan Lạc Tuyên, NSND Trần Hiếu...
Phim tài liệu Giọt nước giữa đại dương (2 tập) do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất. Bộ phim dài 60 phút là những thước phim tài liệu chân thực, xúc động được ghi lại qua các cuộc nói chuyện của NSND Đào Trọng Khánh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo NSND Đào Trọng Khánh, tên phim Giọt nước giữa đại dương chính là câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi tác giả phỏng vấn Đại tướng về những đóng góp của ông trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Bộ phim xuất sắc đã đoạt giải Cánh diều Vàng năm 2014 cho Phim tài liệu xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc.
Bộ phim tài liệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một huyền thoại (Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì), Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương - Bộ VH,TT&DL thực hiện dự kiến phát sóng lúc 20h10 ngày 24/8 trên VTV1 nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Quyết định lịch sử là bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên của Hãng phim Giải phóng (HIPT phối hợp sản xuất) và cũng là bộ phim đầu tiên do NSND Hà Bắc đạo diễn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Phim có độ dài 20 phút (có bản thuyết minh tiếng Việt và tiếng Pháp) được NSND Hà Bắc và ê-kíp thực hiện trong 2 năm. Đạo diễn chọn chi tiết quan trọng nhất là khi Đại tướng đưa ra quyết định then chốt, khó khăn: Kéo pháo ra khỏi trận địa để bảo toàn lực lượng, chuyển từ phương châm "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc" trong đêm 25/1/1954. Với quyết định táo bạo này, chính Đại tướng cũng đã phải xác nhận đó là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình. Việc thuyết phục, tổ chức lại trận địa nếu không phải là vị tướng trí tuệ, tinh anh, tài thao lược thì rất khó có thể nhận được sự đồng thuận để đi đến chiến thắng.
2. Năm 2002, Marco Pico, đạo diễn người Pháp làm bộ phim Leclerc (Tuyết Đông Dương), trong đó có nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ. Sau khi casting những người thử vai Đại tướng, đạo diễn Marco Pico đã chọn Trịnh Mai Nguyên - diễn viên sinh năm 1975 của Nhà hát kịch Việt Nam - người vào vai Chủ tịch Khang hiếu thảo trong phim truyền hình Hương vị tình thân. Vừa hồi hộp, cũng vừa tò mò muốn biết lý do đạo diễn chọn mình, Trịnh Mai Nguyên dò hỏi và cho đạo diễn xem tấm ảnh ông nội anh - một người lính Điện Biên năm xưa. Đạo diễn Marco Pico reo lên: “Trời, ông nội anh giống Tướng Giáp hiện tại và anh giống Tướng Giáp khi trẻ. Thật tuyệt vời. Anh giống ông nội anh lắm".
Bộ phim tài liệu Việt Nam trên đường thắng lợi dài gần 69 phút, được đạo diễn Karmen cùng các nhà quay phim Yevgeny Mukhin, Vladimir Eshurin dàn dựng năm 1955. Bộ phim hoàn thành có cùng sự giúp đỡ của một số nghệ sĩ Việt Nam như: Mai Lộc, Hồng Nghi, Quang Huy, Tiến Lợi và nhà văn Nguyễn Đình Thi với vai trò cố vấn văn học. Bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi đã khái quát cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta, trong đó có những tư liệu quý về chiến dịch Điện Biên Phủ, về ngày giải phóng Thủ đô, hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Đạo diễn người Pháp - Daniel Roussel đã làm bộ phim tài liệu Trận chiến giữa hổ và voi và được Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền, phát sóng nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Bộ phim đã xây dựng thành công chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở 2 góc độ đạo và đời.
Điện Biên Phủ - cuộc chiến 56 ngày đêm làm thay đổi thế giới là tác phẩm của đạo diễn tài ba người Nhật Matsumoto Takeaki. Vốn nổi tiếng với nhiều bộ phim tài liệu về đề tài chiến tranh (Chiến tranh Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Tội ác Khmer Đỏ, Đường mòn Hồ Chí Minh...), nhưng phải đến bộ phim này vị đạo diễn tài ba mới thể hiện sâu sắc nội lực đặc biệt của mình, thăng hoa cùng bộ phim. Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện trong phim với vai trò người dẫn chuyện, trả lời phỏng vấn. Phim quay chủ yếu ở Pháp. Cảnh quay ở Việt Nam chủ yếu là chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuộc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo đạo diễn Matsumoto Takeaki: “Điện Biên Phủ (phim Điện Biên Phủ - cuộc chiến 56 ngày đêm làm thay đổi thế giới) mà thiếu Đại tướng thì bức tranh sẽ như vẽ rồng mà thiếu mắt”.
Như đã thấy, hình tượng Đại tướng chủ yếu được thể hiện trong phim tài liệu khoa học. Song bên cạnh đó, hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được thể hiện trong một số bộ phim điện ảnh về lãnh tụ Hồ Chí Minh, về lịch sử, về Điện Biên như: Ký ức Điện Biên (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, 2004), Đường lên Điện Biên (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, 25 tập phim truyền hình, 2014), Sống cùng lịch sử (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, 2014), Nhà tiên tri (đạo diễnVương Đức, 2015)…
Trailer phim "Nhà tiên tri":
(Còn tiếp)
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất