11/07/2016 11:03 GMT+7 | Euro 2020
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác choáng ngợp khi lần đầu tiên đến Paris nhiều năm về trước. Những khối nhà chạy dọc các đại lộ dài thẳng tắp trông thật khổng lồ. Những quảng trường làm điểm nối kết của những con đường rộng mênh mông. Những tượng đài và cây cột trên các con phố thật hoành tráng. Tháp Eiffel trở thành cái mốc mà ai cũng muốn hướng về.
Paris rất dễ khiến ta phải lòng
Một người đã sống và làm việc ở Rome lâu năm liệu có tiếp tục bị ngợp như thế khi trở lại cái nơi mà anh đã mơ ước đặt chân đến từ khi còn nhỏ, xem Paris qua những tấm ảnh đen-trắng trong một cuốn từ điển và nhắm mắt lại tưởng tượng ra sẽ có ngày tản bộ trên đó ra sao? Vẫn ngợp như lần đầu tiên, khi tần ngần mất một lúc khi dừng xe gần tháp Eiffel hay chạy xe trên đại lộ Champs-Elysees hướng đến Cổng khải hoàn, khi đứng trên một cây cầu bắc qua sông Seine và nhìn về khu Latin.
Rome cũng lớn, và như người ta nói, “mọi con đường đều dẫn đến Rome”, thủ đô của nước Ý nơi tôi đã và đang ở đó cũng là một thế giới sống động của nghệ thuật, lịch sử. Nhưng Rome cổ kính, còn Paris tráng lệ, sự tráng lệ khiến cho người ta không thể không ồ lên hoặc nín lặng vì tim đập mạnh trong lồng ngực. Paris nhìn từ đồi Montmartre là một thành phố rộng lớn trải dài dưới tầm mắt, nhô lên những mái vòm nhà thờ xa xa, những cột ăng ten và ống khói cũ kĩ trên mái nhà, những cửa sổ phòng áp mái như những bao diêm. Paris nhìn từ mặt đất, khi ta ở những quảng trường mà đến 9 giờ tối, mặt trời còn chưa lặn hết, là một mảng màu sẫm choán hết một góc trời.
Nhưng cảm giác choáng ngợp ấy nhanh chóng mất đi khi ta hòa mình vào cuộc sống ở phía dưới. Có quá nhiều nơi để đi. Có quá nhiều chỗ để ngắm, hoặc đơn giản là ngồi lại và nhìn cuộc sống trôi qua phía trước mặt. Có quá nhiều dự định phải thực hiện ở Kinh đô ánh sáng mà thời gian lại không nhiều. Nhưng tôi không bận rộn khám phá một nơi đã qua nhiều lần trong quá khứ, mỗi lần chỉ vài ngày trong một chuyến đi ngắn, mà thong thả rảo bộ trên những con phố nhỏ và lãng mạn tại các khu phố đã làm nên một Paris huyền thoại.
Và thích thú hơn nữa, khi để mình bị lạc luôn trong đó, bị bao vây bởi những quán cà phê vỉa hè thật thơ mộng dưới tán cây, những con phố hẹp lát đá thỉnh thoảng lại có một ai đó đạp xe đạp qua, những ô kính đầy quyến rũ vì màu sắc của các cửa hàng, những quảng trường nhỏ dưới bóng cây và các tường nhà trước mắt phủ đầy dây leo xanh ngắt, những cửa hàng bán sách và băng đĩa cũ trên vỉa hè, những ghế băng có các đôi trai gái ngồi, những người đọc sách dưới nắng chiều, cả những cửa hàng bán thịt, cá, phó mát và tiệm bánh mì san sát nhau trên phố Montorgueil. Và hoa, rất nhiều hoa. Hoa ở khắp nơi, trên các khuôn cửa sổ, trên tường, ở ban công, trên vỉa hè. Paris là thành phố của tình yêu. Đúng thế. Nhưng nó không chỉ là một nơi để người ta yêu nhau hoặc kiếm tìm tri kỉ, Paris còn khiến người ta dễ phải lòng.
Tôi thích một góc nhỏ của Montmartre. Khu nghệ sĩ với những con phố nhỏ chạy quanh ngọn đồi lớn có nhà thờ Sacrè-Coeur kì vĩ ấy không chỉ đẹp bởi một lẽ đơn giản, đấy là một nơi người ta đến để ngắm thành phố từ trên cao và chờ mặt trời xuống, mà còn có một quán cà phê đã trở nên nổi tiếng vì một bộ phim, “Thế giới kì diệu của Amélie”. “Café des deux moulins” ở phố Lepic chính là nơi nhân vật chính, cô Amélie (Audrey Tautou) hay thích tưởng tượng, đã làm phục vụ bàn.
Eiffel một tối tháng 7. Ảnh: Anh Ngọc
Cái quán nhỏ có hai mặt phố và ghế màu đỏ như màu của mái che ấy lúc nào cũng đông khách. Đương nhiên, ta sẽ chẳng gặp Amélie ở đó, nhưng ngồi đó uống cà phê và ngắm phố, hưởng thụ từng phút giây mà cuộc sống đã ban tặng cho ta ở đây là một điều tuyệt vời nhất có thể làm. Tôi đặc biệt thích khu Latin, một thế giới của các quán cà phê trên các quảng trường đầy nắng và những bảo tàng nghệ thuật. Khu ấy không lớn, nằm bên sông Seine, lúc nào cũng đông nghẹt du khách rảo bộ và hít căng lồng ngực bầu không khí của một trong những nơi nổi tiếng nhất thành phố, mà mỗi góc nhỏ của nó, trong các ngõ phố hẹp, là một thế giới tuyệt vời của sự tĩnh lặng và thanh thản.
Tìm tâm hồn Paris trên những vỉa hè
Cái hồn của Paris nằm trong những không gian ấy, trong những quán cà phê luôn nằm ở một góc tù được tạo ra bởi hai góc phố, các câu lạc bộ jazz vang tiếng nhạc của sự ngẫu hứng, những quán ăn trang nhã, chứ không phải là những khối kiến trúc khổng lồ đã khiến ta choáng ngợp. Ở khu Latin, nhà văn Mỹ Ernst Hemingway đã từng uống cà phê ở quán Les Deux Margots. Rất nhiều vĩ nhân khác cũng đã đến đây, từ Pablo Picasso, Albert Camus cho đến James Joyce đã đến uống ở đó. Họ tìm thấy gì trong không gian cà phê với bàn ghế trên vỉa hè phố Saint-Germain-des-Pres ấy?
Một con phố Paris ở khu Montmartre. Ảnh: Anh Ngọc
Rất nhiều những người nổi tiếng khác cảm thấy gì khi ngồi cà phê và đàm đạo trong những quán cà phê như thế, nhiều như lá trên cây và trải dài trên khắp các con phố Paris? Tôi đã ngồi như thế mấy lần trong những lần tản bộ ở Paris, có lúc ngồi ở một quán ở Place des Vosges của khu Marais, và nhận ra rằng, không có gì tuyệt vời hơn khi ngả người vào một chiếc ghế, li cà phê trên bàn trước mặt, cây xào xạc ở trên đầu, nắng nhè nhẹ chiếu lên vai, xa xa hơn phía trước là một con phố với những khối nhà rất đẹp và vuông vức. Mọi điều phiền muộn biến mất trong tích tắc. Niềm vui sống trào lên khi ngắm cuộc sống trôi qua chầm chậm trước mắt. Cảm hứng về nghệ thuật cũng sẽ đến ngay lúc ấy, nếu ta sống vì nó. Ở đấy, trong thế giới của cà phê, của món ăn, của những người gặp gỡ và nói chuyện cùng với nhau, ta cảm thấy mình được sống.
Không ngạc nhiên bọn khủng bố đã tấn công những quán ăn và cà phê Paris trong một đêm bi thảm của tháng 11/2015. Nhiều trong số các nạn nhân đã chết hoặc bị thương khi đang ăn hoặc uống trong những quán như thế. Điều mà những kẻ xả súng muốn nhắm tới là văn hóa, lối sống và bản sắc của Paris, một điển hình của “joie de vivre” (niềm vui sống) mà người Pháp coi là một thứ nghệ thuật cho cuộc đời mình. Vô ích, cuộc sống trở lại ngay sau đó, khi nỗi sợ hãi của người Paris nhanh chóng tan biến trước việc phải thể hiện một niềm tự hào lớn lao đang bị tổn thương. Họ vẫn uống cà phê và tụ tập trên các vỉa hè, vẫn nhảy tango bên bờ sông Seine, vẫn đi các chợ đồ cũ hàng tuần và shopping đông nghẹt ở Galerie Lafayette. Tôi có đi qua đại lộ Voltaire, nơi có nhà hát Bataclan cũng bị tấn công đêm đó. Hoa không còn được đặt ở đó nữa mà chuyển hết ra quảng trường Cộng hòa ở đầu đại lộ. Những quán cà phê gần đó vẫn đông nghẹt người. Các đôi trai gái vẫn tỏ tình trên các ghế băng. Sự lãng mạn vẫn ngự trị với những nụ hôn trao nhau ở Quai de Montebello bên bờ sông Seine, trở nên bất tử với một cảnh trong phim “An American in Paris” với Cary Grant và Audrey Hepburn. Thảm kịch đã diễn ra ở đây, Paris, nhưng niềm vui sống cũng tồn tại ở đây, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bởi ở kinh đô ánh sáng, ánh sáng chưa bao giờ tắt đi.
Joe Dassin đã từng hát về Champs-Elysees. Bài hát là một hit của năm 1969 ấy nói về cuộc gặp giữa một chàng trai và một cô gái ở đại lộ đẹp nhất thế giới. Vì ở Champs-Elysees, điều gì cũng có thể xảy ra, như người ta vẫn nói, và do đó một câu chuyện lãng mạn có thể nhanh chóng trở thành một chuyện tình. Người ta cũng nói điều tương tự trên Pont des Arts, còn được gọi là Cầu Tình. Hàng vạn chiếc khóa ở đó đã được lấy đi, nhưng thực ra, điều đã khiến Paris trở nên lung linh chính là cảnh chiếc cầu trong điện ảnh. Big và Carrie đã hôn nhau ở đây trong “Sex and the City”, Mark Ruffalo và Meslanie Laurent cũng say đắm trao nhau nụ hôn tại cây cầu này trong “Now you see me”. Bạn có muốn làm thế với người mình yêu ở Paris?
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Paris, Pháp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất