'Chặt chém' du khách vào lễ Đền Trần - Nam Định

19/02/2013 07:28 GMT+7 | Thế giới

Lễ hội Khai ấn và phát ấn Đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) chưa chính thức diễn ra, nhưng ngay từ những ngày đầu Xuân Quý Tỵ 2013 có tới hàng nghìn khách hành hương mỗi ngày tấp nập đổ về đi lễ đầu năm tại Đền Trần - Chùa Tháp.

UBND thành phố Nam Định và các ban ngành liên quan đã thành lập Ban tổ chức lễ hội, gồm đại diện các cơ quan, ban, ngành để công tác quản lý lễ hội năm nay được tốt hơn. Tuy nhiên, việc quản lý phí trông giữ phương tiện cho khách thập phương đã có những bất cập ngay từ những ngày Tết Quý Tỵ này, trong khi tình trạng lộn xộn trước cổng ngoài Đền Trần vẫn chưa được chấn chỉnh.

Theo Ban tổ chức lễ hội, Lễ hội Khai ấn đền Trần sẽ được tổ chức trong 3 ngày (từ 14 đến 16 tháng Giêng Âm lịch) và lễ phát ấn diễn ra đến hết ngày 20 tháng Giêng. Nhưng ngay từ những ngày đầu năm mới, mỗi ngày có tới hàng nghìn khách hành hương trong và ngoài tỉnh đến lễ đầu năm. Lượng phương tiện gồm ô tô và xe máy lên tới nghìn lượt/ngày. Điều gây bức xúc cho du khách là phí trông giữ phương tiện quá cao.


Ngũ môn tại đền Trần. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Theo bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định quy định mức phí trông xe máy là 3.000 đồng/lượt xe máy và 20.000/lượt ô tô. Thế nhưng khách thập phương đã phải chịu mức phí 10.000 đồng/lượt xe máy và 30.000 đồng/lượt ô tô. Hơn nữa, theo quan sát của phóng viên, việc thu phí xe máy chỉ thông qua một tấm vé bìa cứng (được đánh số và ép plastic) chứ không phải phiếu thu hay biên lai theo quy định, còn ô tô vào bị thu tiền ngay từ đầu bãi mà không cần vé hay phiếu gì. Hình thức thu như vậy thì nguồn thu khá lớn từ phí trông giữ phương tiện sẽ được quản lý ra sao?

Phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng Ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - chùa Tháp, ông Hoạt trả lời là "không rõ, anh phải làm việc với Chủ tịch phường Lộc Vượng vì việc trông giữ xe đã giao cho phường". Còn điện thoại của Chủ tịch phường Lộc Vượng thì không gọi được. Điều bất cập nữa là ở trước cổng ngoài Đền Trần luôn có tới chục phụ nữ mời chào du khách đổi tiền lẻ, gây lộn xộn và thiếu mỹ quan. Du khách đổi tiền lẻ chỉ được thu về 70% hoặc 80% tuỳ từng loại mệnh giá.

Lễ hội khai ấn Đền Trần được tổ chức vào dịp đầu xuân mới hàng năm, là một tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (hương Tức Mạc xưa) với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng Lộc ấn Đền Trần "Tích Phúc Vô Cương"; mọi người bước sang năm mới mạnh khoẻ, lao động, sản xuất hăng say, học tập, công tác tốt. Lễ hội cũng nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, đặc biệt là thời Trần.

Theo Nguyễn Trường
TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm