10/05/2017 06:55 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu không có người Sài Gòn thì Đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách ở Nguyễn Văn Bình và Hội sách ở Công viên Lê Văn Tám khó mà tồn tại được. Sài Gòn lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt.
Nhiều người cho rằng, đặc sản của thành phố này là kẹt xe. Lúc trước, kẹt xe vào giờ đi làm và giờ tan tầm, thì bây giờ kẹt xe bất kể giờ giấc. Nhưng bên cạnh đó, Sài Gòn cũng sản sinh nhiều nét mới trong văn hóa mà nơi khác phải học theo.
Đơn cử như đường hoa Nguyễn Huệ diễn ra hàng chục năm nay vào mỗi dịp Tết Nguyên đán ngay trung tâm Sài Gòn. Đơn vị thực hiện đường hoa Nguyễn Huệ chỉ là một doanh nghiệp: Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon tourist).
Thế nhưng, tầm ảnh hưởng của đường hoa Nguyễn Huệ không chỉ ở một đô thị lớn nhất nước, mà còn lan tỏa đến nhiều tỉnh thành khác. Và người ta thường lấy đường hoa Nguyễn Huệ làm chuẩn để so sánh với các phố hoa, đường hoa ở những nơi khác được thực hiện sau này.
Chẳng hạn, khi phố hoa Hà Nội diễn ra chuyện “cướp hoa”, lập tức cộng đồng so sánh: đường hoa Nguyễn Huệ ở Sài Gòn đâu có chuyện này. Hay trong Tết vừa rồi, đường hoa ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) bán vé cho người vào xem chụp hình, lập tức có sự so sánh: đường hoa Nguyễn Huệ đâu có thu tiền người ngắm hoa…
Sau đường hoa Nguyễn Huệ, Sài Gòn sản sinh ra đường sách tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Bình, Q.1. Đường sách này được công nhận là 1 trong 10 công trình tiêu biểu của TP.HCM trong năm 2016.
Dù nằm dưới sự quản lý của Sở TT&TT TP.HCM, nhưng thành công của đường sách này nhờ ở những người tham gia: từ ban quản lý cho đến quan khách. Ban quản lý đường sách này phần lớn thuộc giới xuất bản cựu trào, như ông Lê Hoàng - nguyên Giám đốc NXB Trẻ - có hàng chục năm kinh nghiệm. Chính kinh nghiệm của người làm xuất bản đã giúp ông Lê Hoàng và các cộng sự của ông điều hành đường sách được chu toàn.
Tại đường sách này có 3 quán cà phê nhằm phục vụ khách tham quan mua sách. Khi có phản ánh giá một chai nước suối ở 3 quán cà phê này bán mắc ngang nước suối ở sân bay. Lập tức ban quản lý đường sách can thiệp với lý lẽ: khách đi đường sách thì sách là trung tâm, các hàng quán còn lại chỉ là phụ trợ cho đường sách hoạt động chứ không thể trục lợi từ khách của đường sách.
Hai năm diễn ra một lần, hội sách TP.HCM ở công viên Lê Văn Tám thu hút các nhà làm sách trong và ngoài nước. Hội sách là dịp các nhà làm sách tăng doanh thu cho đơn vị vì người Sài Gòn đi hội sách không chỉ để xem mà còn mua sách rất nhiều. Trong một cuộc điều tra do NXB Trẻ thực hiện, thường thì người Sài Gòn mua sách không phải về đọc liền mà mua sách để đó đọc từ từ và xem đó như một loại “của để dành”.
Từ đó có thể thấy, đường sách, đường hoa hay hội sách ở Sài Gòn đã tạo một dấu ấn đẹp trong đời sống văn hóa của thành phố và nó đã lan tỏa đến nhiều địa phương khác. Chính người Sài Gòn đã làm nên một số nét văn hóa rất… Sài Gòn, giữa ồn ào, náo nhiệt, kẹt xe...
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất