27/12/2022 11:36 GMT+7 | Tin tức 24h
Năm 2022 là một năm có nhiều biến động chính trị, gây ra những tác động to lớn đến mọi mặt trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh năm 2022 sắp khép lại, song thế giới vẫn chứng kiến sự biến biến động theo hướng nhanh chóng và phức tạp, nên tình hình thế giới trong năm 2023 được cho là rất khó dự báo.
Nhìn lại tình hình thế giới trong năm 2022
Trong nhiều năm trở lại đây, có lẽ chưa khi nào thuật ngữ "khủng hoảng" lại phổ biến như năm 2022. "Khủng hoảng" len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống và hầu như ở mọi nơi, mọi lục địa đều cảm nhận được rất rõ ý nghĩa của từ này. Theo các nhà quan sát, thế giới hiện đang trong thời kỳ khủng hoảng vì nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là suy thoái kinh tế và xung đột địa chính trị.
Về chính trị, cục diện địa chính trị toàn cầu đã ghi nhận rất nhiều biến chuyển kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát trong năm qua. Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2/2022, đến nay xung đột chưa có dấu hiệu dừng lại, đẩy quan hệ Nga-phương Tây vào vòng xoáy đối đầu mới.
Chỉ trong một thời gian ngắn, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã buộc nhiều nước phải xem xét, điều chỉnh lại chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng. Nhiều quốc gia, trong đó có Gruzia, Ukraine và Moldova đồng loạt gửi đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), khối này cũng nhanh chóng trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine và Moldova. Trong khi đó, Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia giữ vị thế trung lập và theo đuổi chính sách không liên kết quân sự trong nhiều thập niên qua, cũng thay đổi lập trường, bắt đầu tiến trình trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ukraine cũng đẩy nhanh quá trình gia nhập NATO.
Không những vậy, cuộc xung đột cùng các biện pháp trừng phạt-đáp trả giữa Nga và phương Tây đã tác động nặng nề tới an ninh, chính trị toàn cầu; đẩy giá khí đốt có thời điểm đạt mức cao kỷ lục trong 14 năm; nhiều quốc gia phải đối mặt với thiếu hụt lương thực và giá cả hàng hóa tăng mạnh kể từ tháng 3 đến tháng cuối của năm.
Ngoài điểm "nóng" là xung đột Nga-Ukraine, thế giới trong năm qua còn chứng kiến những sự leo thang căng thẳng khác như tại biên giới Armenia-Azerbaijan hay dọc biên giới Kyrgyzstan-Tajikistan cũng để lại hệ quả nghiêm trọng, tác động tiêu cực tới tình hình an ninh Trung Á nói riêng và thế giới nói chung. Quan trọng hơn, nó cho thấy tình trạng bất ổn giữa các nước láng giềng, đặc biệt là tại khu vực biên giới, sẽ dễ dàng bùng phát thành đối đầu, thậm chí xung đột vũ trang. Điều này không chỉ cần thiện chí của các bên trong kiểm soát sự cố trên thực địa, duy trì đường dây nóng, mà còn đòi hỏi đối thoại thẳng thắn, nhằm tìm kiếm giải pháp cho nguyên nhân sâu xa, bản chất vấn đề, vì hòa bình bền vững.
Tình hình bán đảo Triều Tiên trong năm qua cũng tiếp tục "nóng" lên. Trong suốt cả năm 2022, khu vực này liên tục trong tình trạng căng thẳng với các màn phô trương sức mạnh quân sự của các bên liên quan. Triều Tiên đã gia tăng tần suất các vụ phóng thử tên lửa và bắn đạn pháo, trong khi Mỹ-Hàn Quốc và liên minh Mỹ-Nhật-Hàn liên tục tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn.
Biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, bất chấp hàng loạt vòng đàm phán giữa quân đội hai nước, vẫn tiềm ẩn bất ổn, thể hiện rõ nét qua cuộc đụng độ giữa binh sỹ hai nước gần khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya ngày 9/12 vừa qua.
Đụng độ giữa Israel và các lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Palestine tiếp tục nổ ra, gây nhiều thương vong trong năm qua…
Có thể thấy, xung đột bùng phát cùng sự căng thẳng trở lại của nhiều điểm nóng cũ là chủ đề xuyên suốt và nổi bật trong năm 2022.
Trong khi đó, về kinh tế, hệ quả từ xung đột Nga-Ukraine, cùng tác động từ đại dịch COVID-19 đã khiến tình trạng khó khăn của nền kinh tế thế giới càng trở nên trầm trọng hơn. Tình trạng lạm phạt phi mã, gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng và lương thực, tăng trưởng ngừng trệ - là những "đám mây đen" phủ bóng lên bức tranh kinh tế toàn cầu 2022 với nhiều gam màu ảm đạm, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đã mở cửa khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội sau thời gian đại dịch.
Nếu như vào cuối năm 2021, giới chuyên gia đánh giá sau hai năm chao đảo vì đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới dự báo sẽ vững bước hơn trên con đường quay lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2022. Tuy nhiên, đà tăng trưởng mong manh của nền kinh tế thế giới hồi đầu năm đã bị "những đám mây đen", từ các đợt bùng phát dịch COVID-19 do biến thể phụ của Omicron tới cuộc xung đột Ukraine, che phủ, kéo theo đó là "cơn bão" lạm phát "càn quét" khắp các nền kinh tế, suy giảm tăng trưởng ở Mỹ và Trung Quốc-hai đầu tàu kinh tế thế giới. Tất cả đã và đang "bóp nghẹt" đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Thực tế, dù năm 2022 các biện pháp phong tỏa hầu hết đã được dỡ bỏ, song thế giới vẫn đang phải ứng phó với mối lo "dịch chồng dịch" do virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và virus đậu mùa khỉ, làm tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực bán lẻ, vận tải và y tế ngày một tăng. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tại Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2/2022, đi cùng các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa phương Tây và Nga đã trở thành "cú bồi" đẩy giá năng lượng, lương thực nói riêng và chi phí sinh hoạt nói chung của người dân leo thang, cũng như khiến chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị đình trệ và đứt gãy.
Giá cả leo thang cùng hóa đơn nhiên liệu tăng cao kéo theo phản ứng bất bình và nguy cơ gây ra bất ổn chính trị tại nhiều nước. Hệ quả là làn sóng đình công đã và đang diễn ra tại nhiều nước, trong đó có cả những nước giàu như Anh, Mỹ, Pháp, làm gián đoạn hoạt động đi lại và vận chuyển, thậm chí cả trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Giá lương thực và năng lượng - hai lĩnh vực quan trọng của đời sống, cũng đang làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo tại các nước có thu nhập thấp, như Haiti, Sudan, Liban. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) ước tính kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine, đã có thêm 70 triệu người trên thế giới bị đẩy đến mức cận kề đói kém.
Trong khi đó, theo thống kê của Viện Tài chính quốc tế, tính đến tháng 6/2022, tổng nợ của 31 nền kinh tế mới nổi lên tới 98.800 tỷ USD, gấp 2,5 lần tổng GDP của các nền kinh tế này. Năm 2021, nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 303.000 tỷ USD. Cơn bão khủng hoảng nợ đang ập xuống Pakistan, Sri Lanka và một số quốc gia đang phát triển khác và điều này sẽ gây ra nhiều thách thức hơn về an ninh lương thực và năng lượng, thậm chí làm phát sinh bất ổn chính trị và xã hội cùng với các cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã liệt kê 6 rủi ro lớn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022. Một là, xung đột tại Ukraine và tác động của giá năng lượng. Hai là, giá năng lượng tăng cộng với tình trạng thiếu lương thực làm gia tăng lạm phát. Nếu lạm phát tiếp tục tăng trong một thời gian dài, nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái kết hợp với lạm phát phi mã có thể xảy ra. Ba là, nguy cơ tạo ra giảm phát do việc liên tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Bốn là, nguy cơ nợ nần do điều kiện tài chính thắt chặt hơn ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Năm là, tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Sáu là, sự phân mảnh hơn nữa của nền kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh đó, vai trò của các tổ chức đa phương và khu vực ngày càng quan trọng. Trong năm 2022, Liên hợp quốc đã đạt được một số bước tiến nhất định trong tháo gỡ hệ quả từ xung đột Nga-Ukraine, đặc biệt là vai trò trung gian về Sáng kiến Biển Đen, xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Ukraine sang các nước đang phát triển. Liên hợp quốc và các tổ chức lớn của thế giới như G7 đã đưa ra nhiều cam kết nhằm đảm bảo an ninh lương thực cũng như an ninh năng lượng...
Năm 2023 sẽ là một chặng đường nhiều chông gai
Theo các nhà quan sát, nếu nhìn từ những xu hướng diễn ra trong năm 2022, cục diện kinh tế, chính trị-an ninh, kinh tế thế giới năm 2023 có thể được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, phức tạp, khó lường, do sự chi phối của nhiều nhân tố, trong đó ba nhân tố lớn là các dư chấn của đại dịch COVID-19, xung đột ở Ukraine và cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nhân tố này liên kết và lồng vào nhau, có khả năng đẩy nền kinh tế thế giới vào khủng hoảng và tạo nên những bất ổn, căng thẳng và xung đột địa chính trị gay gắt tại nhiều nơi trên thế giới, mặc dù chiến tranh quy mô lớn ít khả năng xảy ra.
Cho tới cuối năm 2022, những yếu tố bất lợi như cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát toàn cầu hay cạnh tranh địa chính trị vẫn đang là những vấn đề nan giải. Chưa kể những diễn biến khó lường của dịch bệnh cũng như tác động ngày một nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, khi bão lũ, nắng nóng, hạn hán và cháy rừng năm 2022 đã gây thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 115 tỷ USD trên phạm vi toàn thế giới. Tất cả những yếu tố này đang trở thành lực cản cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới trong năm 2023.
Còn nhớ hồi tháng 10/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra và năm 2023 sẽ chứng kiến cuộc suy thoái kinh tế. Theo IMF, 1/3 nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ phải chứng kiến sự suy giảm trong năm nay hoặc năm sau và tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại còn 2,7% vào năm 2023.
Đặc biệt, nhiều quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng khó khăn cả về kinh tế và tài chính. Việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất càng đổ thêm dầu vào lửa. Trong bối cảnh hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định, lạm phát "vẫn còn rất đáng lo ngại" như tuyên bố của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass, các nước vẫn đang phát đi tín hiệu sẽ duy trì việc tăng lãi suất trong thời gian tới, song giảm đà tăng nhằm đưa lạm phát hướng về mục tiêu 2% đã đề ra.
Năm 2023, nhu cầu năng lượng toàn cầu được nhận định sẽ tăng đáng kể do dân số ngày càng tăng và hoạt động kinh tế gia tăng, trong khi giá năng lượng vẫn ở mức cao, và nguồn cung khí đốt và dầu từ Nga và các thành viên OPEC giảm. Cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ khiến một số chính phủ phải xem lại kế hoạch loại bỏ dần điện hạt nhân, và hồi sinh các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, để mở đường cho nguồn cung bổ sung năng lượng từ nước này trong năm 2023.
Điều này thúc đẩy các nước tăng cường đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng, nhưng cũng có thể đẩy một số nước quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch bẩn để đảm bảo nguồn cung trước mắt. Năm 2023 còn là thời điểm mà các vấn đề khan hiếm nước, an ninh lương thực và an ninh mạng sẽ thực sự trở nên nghiêm trọng đối với thế giới…
Có thể thấy rõ, bên cạnh những lý do như dịch bệnh và biến đổi khí hậu thì cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine cũng như các xung đột địa chính trị khác đang là nguyên nhân chính dẫn tới các cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực mà thế giới đang phải đối mặt. Chừng nào còn xung đột thì khủng hoảng sẽ còn kéo dài. Cuộc khủng hoảng hiện nay gắn liền với các xung đột địa chính trị đang xảy ra. Dư luận quốc tế nhận định cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được giải quyết sớm, khiến tình hình an ninh toàn cầu thêm căng thẳng, kéo theo những biến động trên thị trường lương thực, năng lượng và các mặt hàng khác. Hơn nữa, sự tin cậy chiến lược giữa các cường quốc đang suy giảm đáng kể.
Tuy nhiên, nhận định về triển vọng đàm phán để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine hiện vẫn khá mờ mịt. Sự thiếu lòng tin chiến lược giữa các bên khiến đàm phán không thể tổ chức trong nhiều tháng qua. Các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo các bên cũng không diễn ra. Nga, Ukraine cũng như các bên liên quan đều đang tính toán lợi ích trong ván bài ngoại giao, chưa chấp nhận nhượng bộ.
Vì vậy, năm 2023 sẽ là một chặng đường nhiều chông gai đối với cục diện kinh tế và chính trị-an ninh của thế giới. Chỉ có một điều có thể tạm yên tâm, đó là Liên hợp quốc và các tổ chức lớn của thế giới chắc chắn sẽ tiếp tục các nỗ lực để đảm bảo an ninh lương thực cũng như an ninh năng lượng… Vai trò của các tổ chức đa phương và khu vực ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp báo cuối năm tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 19/12/2022, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, mặc dù thế giới phải đối mặt nhiều thử thách trong năm 2022, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang thách thức các quốc gia nghèo nhất, thì chúng ta vẫn không ngừng hy vọng để cùng nhau thể hiện quyết tâm biến năm 2023 thành một năm vì hòa bình, một năm để hành động nhằm kiến tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Tổng thư ký kêu gọi các giải pháp thiết thực cho các vấn đề của thế giới bởi theo ông "không có giải pháp hoàn hảo, mà chỉ là những giải pháp thiết thực đang tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa cho cuộc sống của mọi người".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất