22/11/2022 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Chúng ta đang chuẩn bị đón ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, với rất nhiều hoạt động hưởng ứng được tổ chức trên toàn quốc. Đây cũng là cột mốc đánh dấu 17 năm tồn tại của ngày đặc biệt này, kể từ khi ra đời vào 23/11/2005.
Trong gần 2 thập niên ấy, nhìn lại, vị trí của di sản văn hóa trong dòng chảy đời sống cũng đã có những bước phát triển rất cơ bản.
Trước đó, thẳng thắn, trong tư duy của rất nhiều người, khái niệm di sản vẫn gắn với những di tích xưa cũ tới mức lên rêu, "khô cứng" về hình thức quản lý - và thậm chí, khiến Nhà nước phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để bảo tồn và gìn giữ. Còn bây giờ, ở hướng ngược lại, không quá lời khi di sản là niềm tự hào của rất nhiều địa phương, và cũng là "hạt nhân" thu hút mọi nguồn lực xã hội để phát triển du lịch.
Đó không chỉ là kết quả tất yếu ở một xã hội phát triển và dần biết trân trọng những yếu tố văn hóa tạo nên bản sắc của mình. Xa hơn, những gì diễn ra cũng gắn với câu chuyện của xu thế hiện đại, khi di sản trở thành động lực của một nền kinh tế "không khói" thông minh, và biết phát huy di sản như một thành tố quan trọng của nền công nghiệp văn hóa.
Nhưng dịp này, người viết muốn nói tới một câu chuyện khác, về những di sản chưa được xếp hạng danh hiệu - hoặc thậm chí còn bị coi là chưa tương thích với khái niệm này.
Chắc chắn, một phần rất lớn trong số đó là những di sản văn hóa phi vật thể, gắn với nghi thức tín ngưỡng, nếp sống, phong tục, cách ứng xử… của một số cộng đồng. Rất nhiều trong số đó đang có nguy cơ mất đi - không chỉ từ những biến đổi của xã hội hiện đại mà đôi khi còn ngay từ cách khai thác chúng để phục vụ du lịch. Đơn cử, khi tới thăm những không gian đặc thù như phố cổ Hội An hay làng cổ Đường Lâm, có ai nghĩ văn hóa truyền thống - vốn là "phần hồn" làm nên giá trị di sản - tại đây cũng đang dần biến đổi trước nhu cầu thương mại của lượng khách dồn về?
Hoặc, với những di sản "hữu hình", một phần lớn trong số đó là những kiến trúc cũ có giá trị nghệ thuật, vậy nhưng vẫn đang được khai thác cho các công năng về giáo dục, giao thông, y tế hay hành chính. "Giải phóng" bớt một phần công năng, đồng thời khai thác những kiến trúc ấy thành công trình mang tính biểu tượng của các ngành nghề, đó là giải pháp mà nhiều chuyên gia đã đưa ra với những trường hợp này - mà đề xuất biến cầu Long Biên tại Hà Nội thành một cây cầu đi bộ là ví dụ điển hình.
Thậm chí, với rất nhiều công trình có tuổi thọ chỉ dăm bảy chục năm, việc gắn với lịch sử của các đô thị cũng đã khiến chúng trở nên "có hồn" và là một phần quen thuộc trong ký ức cộng đồng. Theo cách ấy, những nhà máy, khu tập thể, hệ thống nhà kho cũ… cũng là những di sản gắn với các thành phố, và cần chuyển đổi công năng để trở thành các bảo tàng công nghiệp hay không gian sáng tạo nhằm mở ra cho đô thị những cơ hội mới.
Không phải chuyện xếp hạng hay vinh danh, những di sản đang "ẩn mình" ấy trước hết cần sự biến chuyển từ chính nhận thức của cộng đồng để có thể phát huy hết lớp giá trị của mình…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất