16/12/2019 11:00 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2019 sắp khép lại, nhưng có lẽ kỳ vọng của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres tạo ra những thay đổi ngoạn mục trước khi tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh bước sang tuổi 75 vào năm 2020 khó có thể trở thành hiện thực.
Đầu năm, ông Guterres phát đi thông điệp 2019 sẽ là năm LHQ ưu tiên cho ngoại giao hòa bình, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy các mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), quản trị công nghệ mới hiệu quả và tái khẳng định những giá trị cốt lõi của LHQ.
Cuối năm, thông điệp mạnh mẽ của Tổng Thư ký LHQ vẫn còn đó, nhiều thành quả đạt được rất đáng ghi nhận, nhưng người ta cũng hơn một lần thấy ông Guterres phải thừa nhận “lực bất tòng tâm” bởi thế giới vẫn tiếp tục đối mặt với những cuộc xung đột triền miên, chủ nghĩa khủng bố và nguy cơ chạy đua vũ trang ngày càng gia tăng.
Chính LHQ cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính hết sức nghiêm trọng khi các nhân viên còn chưa được nhận lương, nhiều hội nghị và chuyến công tác của chuyên viên và quan chức LHQ buộc phải hủy hoãn vì không có ngân sách. Nếu đến thăm trụ sở LHQ vào những ngày này, thậm chí có thể thấy nhiều thang máy phải niêm phong không chạy để cắt giảm chi phí.
Không thể phủ nhận những đóng góp lớn lao của LHQ cho an ninh và hòa bình thế giới suốt một năm qua. Nỗ lực của LHQ có thể thấy rõ qua những cuộc bầu cử diễn ra trong hòa bình ở Madagascar và CHDC Congo, việc tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột giữa Hy Lạp và Bắc Macedonia. Vai trò của LHQ cũng nổi bật sau cuộc đối thoại chính trị thành công ở Sudan cũng như giải pháp vừa nhen nhóm cho cuộc xung đột dai dẳng ở Syria. Còn rất nhiều thành quả minh chứng cho những nỗ lực của LHQ nhằm tái thiết hòa bình trên thế giới.
2019 là năm LHQ đặt quyết tâm phải tập trung xây dựng hòa bình và tái thiết hòa bình thông qua nhiều giải pháp đa dạng, từ ngoại giao, hòa giải cho đến các biện pháp ngăn chặn khủng hoảng với hơn 100.000 quân lực lượng gìn giữ hòa bình được triển khai để bảo vệ người dân ở những khu vực có chiến tranh, chưa kể hàng nghìn nhân viên LHQ ngày đêm làm công tác cứu trợ nhân đạo không mệt mỏi. Hơn một nửa tổng lượng hàng cứu trợ trên thế giới, từ thực phẩm cho tới thuốc men, nước uống và các nhu yếu phẩm khác được chuyển tới người dân thông qua các kênh của LHQ. Hàng triệu người dân trên khắp thế giới sống sót được qua các cuộc xung đột tàn khốc nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của LHQ. Trong lúc thực thi sứ mệnh cao cả đó, 80 binh sĩ gìn giữ hòa bình và nhân viên cứu trợ LHQ đã thiệt mạng.
2019 cũng là năm LHQ tập trung nỗ lực cho công tác chống khủng bố và đưa ra nhiều chiến lược mới đối phó với chủ nghĩa bạo lực cực đoan, đồng thời bắt đầu lộ trình giải trừ vũ khí và củng cố các hiệp ước giải trừ vũ khí, một bước đi được đánh giá là hết sức quan trọng trong bối cảnh xu hướng chia rẽ, phân cực trên thế giới ngày càng rõ rệt, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đang muốn cạnh tranh ảnh hưởng, tạo ra các luật lệ mới về thương mại và tài chính trên toàn cầu, chạy đua về khả năng công nghệ và trí tuệ nhân tạo cũng như xây dựng các chiến lược quân sự và địa chính trị “một mất một còn”.
Vấn đề phát triển bền vững, một trong các lĩnh vực trụ cột của LHQ, cũng ghi khá nhiều dấu ấn. LHQ đã đẩy mạnh tiến trình thực thi các SDG với một loạt chương trình phát triển được thông qua và triển khai. Dưới sự dẫn dắt của LHQ, 4 năm sau khi 193 quốc gia phê chuẩn các SDG 2030, thế giới nhìn chung đã gặt hái được những kết quả rõ rệt trong việc thực hiện 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu toàn cầu, từ giải quyết đói nghèo cho tới cải thiện y tế, bảo vệ quyền con người và chống biến đổi khí hậu.
Thế nhưng, có những “điểm nóng” mà nỗ lực của LHQ vẫn chưa đủ để chạm tới giải pháp hữu hiệu. Đó là các cuộc chiến ở Libya và Afghanistan; là giải pháp hai nhà nước đối với Israel và Palestine có nguy cơ đổ vỡ; là khả năng cuộc chiến vũ trang ở vùng Vịnh có thể nổ ra bất cứ lúc nào…
Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã phải gia hạn hoạt động của phái bộ chính trị tại Afghanistan, bởi tình trạng bạo lực không hề giảm ngay cả trong thời điểm nước này tổ chức bầu cử tổng thống. LHQ vẫn chưa thể hoàn thành sứ mệnh mang lại hòa bình cho đất nước đã trải qua 19 năm chiến tranh này. Với Libya, khả năng LHQ có thể đưa ra giải pháp nhằm chấm dứt xung đột là rất khó bởi chính HĐBA vẫn không thể thống nhất quan điểm về vấn đề này, bất chấp Tổng Thư ký LHQ Guterres đã nhiều lần cảnh báo Libya có thể rơi vào một cuộc nội chiến toàn diện nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để tìm ra giải pháp chính trị. Triển vọng giải quyết cuộc xung đột Israel/Palestine dựa trên các nghị quyết liên quan của LHQ ngày càng xa dần khi các bên không thể tiến đến đàm phán với tinh thần xây dựng.
Đáng quan ngại nhất có lẽ là tình hình Vùng Vịnh mà tâm điểm là cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran đã bị đẩy lên mức rất cao kể từ khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời tái áp đặt và ngày càng siết chặt trừng phạt Iran. Báo chí thế giới đã có lúc phải nhận định rằng LHQ đang “bất lực”, bởi cơ quan quyền lực nhất của LHQ là HĐBA lại luôn bị tê liệt vì sự chia rẽ và cạnh tranh lẫn nhau giữa 5 nước ủy viên thường trực có quyền phủ quyết.
Trong khi đó, tình trạng bất bình đẳng đang đe dọa xóa nhòa bước tiến đáng ghi nhận về phát triển bền vững. Dù nền kinh tế toàn cầu đang tạo ra nguồn của cải rất lớn, nhưng phần lớn lại nằm trong tay một số ít những tỷ phú giàu có. Báo cáo của LHQ công bố hồi tháng 7 cho thấy hơn 821 triệu người trên toàn thế giới rơi vào cảnh thiếu ăn trong năm 2018, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp con số này gia tăng mà nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu và chiến tranh. Việc đảo ngược xu hướng này là một trong các SDG đã được LHQ vạch ra, nhưng khi nào đạt được mục tiêu đó vẫn còn là câu hỏi lớn. Chính ông David Beasley, người đứng đầu Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ nhận định rằng thế giới sẽ không thể đạt mục tiêu xóa đói vào năm 2030, và khi an ninh lương thực không được đảm bảo thì thế giới sẽ không thể có hòa bình và ổn định.
Tổng Thư ký Guterres cũng cho rằng những gì LHQ và các quốc gia làm được vẫn còn quá xa đích đến. Hơn nữa, sau 4 năm kể từ khi LHQ đưa ra các SDG, nhiều chính phủ vẫn chưa triển khai những bước đi quan trọng để đạt những mục tiêu này. Tính tới nay, chưa có quốc gia nào đạt được tất cả 17 mục tiêu do LHQ đề ra.
Bên cạnh đó, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ngày càng gian nan, dù LHQ đã tập trung rất nhiều nguồn lực. Tổng Thư ký LHQ gọi đó là “cuộc khủng hoảng” bởi thế giới giờ đây đang phải đối phó với tình trạng Trái Đất nóng lên chứ không phải ấm lên như người ta vẫn tưởng. Chính biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra những hệ quả nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đạt được các SDG toàn cầu.
Theo số liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhiệt độ trung bình toàn cầu giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019 đã tăng cao hơn so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đây. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (CO2) đã tăng 2% trong năm ngoái, lên mức kỷ lục 37 tỷ tấn. Nỗ lực của LHQ đang như “muối bỏ bể” bởi vô số rào cản, kể cả việc Mỹ, một trong những nền kinh tế đứng đầu về lượng khí thải, chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Khép lại một năm còn nhiều bộn bề và mục tiêu dang dở, năm 2020, LHQ nói chung, đặc biệt là HĐBA nói riêng, sẽ phải giải quyết hàng loạt công việc, sẽ phải tăng thêm nỗ lực và ý chí chính trị để thực hiện sứ mệnh duy trì hòa bình và thúc đẩy phát triển, đúng như những gì được ghi trong Hiến chương LHQ. Đó cũng là cách để LHQ khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu, là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, công bằng và thịnh vượng.
Hải Vân - Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất