04/06/2016 13:22 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Võ sĩ quyền Anh Muhammad Ali vừa qua đời sáng nay, 4/6 theo giờ VN. Ông không chỉ là tay đấm huyền thoại mà còn là biểu tượng của hòa bình và lòng nhân ái. Hãy cùng hồi tưởng lại cuôc thư hùng trong rừng già của ông vào 42 năm trước.
Cách đây tròn 40 năm, ngày 30/10/1974, một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong lịch sử thể thao thế giới diễn ra ở Kinshasa, Zaire (giờ là CHDC Congo) khi Muhammad Ali và George Foreman gặp nhau trong trận so găng luôn được nhớ mãi như là The Rumble in the Jungle.
Ali lúc đó đã 32 tuổi, không chỉ dám mạo hiểm đánh đổi tên tuổi mà còn cả tính mạng của mình với “cỗ máy hủy diệt” đang ở phong độ đỉnh cao là Foreman (trẻ hơn ông tới bảy tuổi). Foreman là đương kim vô địch hạng nặng và trước khi gặp Ali, ông đã hạ đo ván cả Ken Norton và Joe Frazier chỉ trong vòng hai hiệp, dù hai võ sĩ này đều từng thắng Ali.
Trận so găng được chuẩn bị, sắp xếp như một cuộc chiến thực sự, bởi sau này, khi xem lại những thước phim tài liệu When We Were Kings (tạm dịch Khi chúng ta là những ông hoàng), tất cả đều phải ngả mũ trước ông bầu Don King đang bắt đầu sự nghiệp của một ông bầu quyền lực nhất về sau này. Thậm chí, cái cách King tổ chức trận so găng đã được trường Kinh doanh Harvard nghiên cứu như một đề tài kinh doanh giá trị.
Bằng chứng là mỗi võ sĩ được trả 5 triệu USD - tương đương khoảng 24 triệu USD bây giờ - cho trận so găng này. Vấn đề duy nhất là King không có một đồng nào trong tay. Ông đã phải vay mượn nhà sản xuất phim người Anh là John Daly khoản tiền 1,5 triệu USD để có được hai cái tên của Ali và Foreman trong hợp đồng, trước khi ngược xuôi tìm nốt số tiền còn lại.
Sau nhiều lần hỏi han các nơi, King liên hệ với Joseph Mobutu, tổng thống độc tài của Zaire. King thuyết phục Mobutu rằng, việc tổ chức một trận so găng sẽ khuếch trương hình ảnh Zaire và cho thế giới thấy được một thái độ tích cực của Zaire. Mobutu xiêu lòng và bỏ ra số tiền còn lại.
Poster trận đấu giữa Muhammad Ali và George Foreman
Mùa Hè năm 1974, Ali và Foreman dành phần lớn thời gian ở Zaire để chuẩn bị cho trận so găng. Kế hoạch ban đầu là trận so găng sẽ diễn ra vào tháng 9 nhưng phải lùi sang tháng 10 do Foreman bị một vết rách ở mắt trong buổi tập. Không thành vấn đề, Ali tranh thủ tận dụng thời gian để lôi kéo sự ủng hộ của người Phi dành cho ông. Vì thế mà mỗi lần ông xuất hiện, đám đông luôn hô vang điệp khúc: “Ali, bomaye!” - “Ali, giết hắn ta đi!”
So với đối thủ, Foreman không có sức lôi cuốn như vậy. Khi không tập luyện, ông thích giam mình ở trong khách sạn cùng đội ngũ hậu cần của mình. Còn Ali không bao giờ bỏ lỡ cơ hội chơi đòn tâm lý, chế giễu đối thủ trong các cuộc họp báo và trước người hâm mộ. Ông cho rằng Foreman quá chậm chạp và nặng nề để có thể thắng được ông.
Mặc dù thế, bất chấp sức mạnh và hình thể to lớn của mình, Foreman là một võ sĩ sở hữu bộ chân rất tốt. Đoán biết Ali sẽ chơi trò mèo vờn chuột, Foreman nỗ lực tập luyện với những võ sĩ nhỏ người và nhanh nhẹn. Chiến thuật của ông rất đơn giản, dồn Ali vào góc võ đài và kết thúc trận so găng thật nhanh, khoảng trong một - hai hiệp đầu giống như ông đã thực hiện với Norton và Frazier. Trong khi đó, mặc dù tuyên bố ông sẽ khiêu vũ trên võ đài, bộ chân của Ali không còn nhanh nhẹn như trước và đây là hậu quả của việc ông đã xa sàn tập quá lâu vì quan điểm chống chiến tranh ở Việt Nam.
Muhammad Ali (phải) với cú đấm hạ gục George Foreman
Đổi lại, kinh nghiệm đã giúp Ali tìm được một cách đánh bại Foreman. Trong hiệp đầu tiên, Ali gây bất ngờ cho đối thủ lớn hơn và trẻ hơn bằng nhiều cú đấm tay phải rất nhanh và chính xác. Foreman nổi cáu và bắt đầu tấn công dồn dập. Ali “khiêu vũ” và di chuyển như ông đã nói trước đó nhưng rồi đến cuối hiệp, ông nhận ra rằng, ông không đủ sức để duy trì cách đánh này. Và đây là thời điểm cả thế giới đã được biết đến chiến thuật “dựa dây” nổi tiếng.
Đương nhiên, hàng nghìn khán giả ở Công viên 20-5, hàng trăm phóng viên vây quanh võ đài và hàng triệu người xem truyền hình trực tiếp không ai có thể tin được những gì họ chứng kiến. Ali tự lui vào góc võ đài và chấp nhận để Foreman ra đòn. Rõ ràng thì quyết định này của Ali chẳng khác nào tự sát, đặc biệt trước một trong những võ sĩ hạng nặng có cú đấm khủng khiếp nhất.
Vậy nhưng từng hiệp đấu trôi qua, Ali vẫn đứng vững trước cơn mưa đòn của Foreman và đến đầu hiệp 8, tất cả mới hiểu được sự điên rồ của Ali. Foreman thấm mệt đến mức ông hầu như không nhấc nổi tay để tiếp tục ra đòn.
Tới giữa hiệp, nhận thấy Foreman không còn di chuyển nhanh nhẹn được nữa, Ali thoát khỏi góc võ đài và tung ra năm cú đấm liên tiếp khiến đối thủ lần đầu tiên trong sự nghiệp đo sàn. Kiệt sức, Foreman bị đếm hết trước lúc ông có thể gượng dậy.
Đám đông hò reo. Ali giành lại danh hiệu vô địch từng bị tước bỏ vì phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và một lần nữa chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, ông là võ sĩ vĩ đại nhất.
Về sau, Ali có thêm 14 trận nữa, trong đó có trận so găng lần thứ ba với Frazier được gọi là Thriller in Manilla. Ông thua và giành lại chức vô địch thế giới trong trận so găng với Leon Spinks, trước lúc giã từ võ đài vào năm 1981 ở tuổi 39.
Foreman thì treo găng vào năm 1977 và trở lại võ đài năm 1994. Trong năm này, ông đã trở thành nhà vô địch hạng nặng lớn tuổi nhất sau khi đánh bại Michael Moorer trẻ hơn ông tới 21 tuổi.
Điều khó tin hơn cả là 40 năm qua kể từ The Rumble in the Jungle, Ali và Foreman luôn gặp gỡ, liên lạc với nhau một cách thân thiết. Hay như Foreman nói thì ông yêu Ali “như một người anh em” mà ông chưa bao giờ có.
Tiếc là hôm nay, 4/6, Ali đã qua đời sau một thơi gian vật lộn với căn bệnh Parkison. Còn nhớ Foreman với tâm niệm về Ali, “tôi nhận ra rằng, ông ấy là một trong những người vĩ đại nhất mà tôi từng gặp".
Phạm Hưng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất