15/04/2024 07:06 GMT+7 | Giải trí
Liên hoan phim (LHP) quốc tế TP.HCM lần 1 - 2024 bế mạc vào tối 13/4. Hạng mục Phim TP.HCM xuất sắc đã trao cho phim Song lang (đạo diễn: Leon Quang Lê). Đây là giải thưởng quốc tế thứ 54 của Song lang, với một hành trình làm phim và trách nhiệm với văn hóa rất đáng suy ngẫm.
Hạng mục Phim TP.HCM xuất sắc do Hội đồng bình chọn trao cho những phim Việt Nam phát hành trong 10 năm trở lại đây. Ngoài Song lang, còn có 4 phim vào vòng đề cử chính thức là Mai (đạo diễn: Trấn Thành), Đêm tối rực rỡ (đạo diễn: Aaronto Toronto), Sài Gòn - Anh yêu em (đồng đạo diễn: Lý Minh Thắng - Huỳnh Lập - La Quốc Hùng), Mẹ ơi, Bướm đây! (đạo diễn: Lưu Huỳnh).
Phim Song lang cũng từng đoạt giải Nhì lĩnh vực văn học nghệ thuật tại Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần 2 - 2021. Xét về số lượng giải thưởng quốc tế, có lẽ Song lang là phim Việt Nam đoạt nhiều giải nhất.
Chia sẻ riêng với báo Thể thao và Văn hóa về giải Phim TP.HCM xuất sắc, đạo diễn Leon Quang Lê cho biết: "Giải thưởng này hoàn toàn là một sự bất ngờ, vì tôi không hề biết Song lang được nằm trong hạng mục ứng cử, nhất là khi bộ phim đã ra đời gần 6 năm rồi. Tôi hy vọng đây không chỉ là một niềm khích lệ với riêng tôi và ê-kíp Song lang, mà còn cho các nhà làm phim trẻ khác có cùng hướng đi như tôi thêm vững tin để không nản chí, bỏ cuộc trên con đường sáng tạo của mình".
Quảng bá cải lương ra quốc tế
Phim là câu chuyện về một tình trai kín đáo, họ có chung niềm đam mê và trách nhiệm với cải lương. Ý tưởng kịch bản có từ năm 2012, nhưng Leon Quang Lê viết không được như ý, nên sau đó đã mời nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc cùng viết.
Phim bấm máy từ tháng 10/2017, với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, với sự đồng hành từ nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Leon Quang Lê và soạn giả Hoàng Song Việt đã viết mới lời ca cho các phân đoạn cải lương, cũng như tái dựng sinh động một ban cổ nhạc ở sân khấu cải lương những năm 1980.
Phim công chiếu ngày 17/8/2018 tại Việt Nam.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc chia sẻ: "Qua LHP quốc tế TP.HCM lần 1 - 2024, tôi cảm thấy như mình được gần với thế giới nhiều hơn, bởi lâu nay mình đến với thế giới, còn nay thì thế giới đến với mình. Tôi rất mong sẽ có những tác phẩm kết hợp giữa các nước sau LHP này. Phim Song lang đã dự hơn 100 LHP quốc tế và nhận về 54 giải thưởng, nên theo tôi, để phim Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế không khó, quan trọng là đem được cái màu sắc của Việt Nam chúng ta - mà ở đây là nghệ thuật cải lương - đi quảng bá khắp nơi, hòa nhập chứ không hòa tan, với một bản sắc khá riêng".
Dù trong nước, Song lang chỉ có doanh thu khoảng 5 tỷ đồng, nghĩa là thất bại về mặt thu hồi vốn, nhưng Leon Quang Lê có niềm tin về hành trình chu du quốc tế. Chính vì vậy, ngay từ rất sớm, anh đã đăng ký gửi phim đi nhiều nơi. Ngay từ cuối năm 2018, phim đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, ví dụ giải Chân máy vàng và Đạo diễn hình ảnh Úc của năm 2018, do Hiệp hội đạo diễn hình ảnh Úc trao cho Bob Nguyễn. Giải Phim điện ảnh hay nhất tại LHP quốc tế Hawaii năm 2018…
Cũng từ khá sớm, Leon Quang Lê nói rằng mục đích chính của việc gửi Song lang đến các LHP quốc tế là để quảng bá cải lương, vì dễ chi có dịp để quốc tế đến Việt Nam xem cải lương, dù là qua ngôn ngữ gián tiếp là điện ảnh.
Ông Trần Thế Thuận (Giám đốc Sở VH,TT TP.HCM) nói rằng Song lang giống như một đại sứ của cải lương và của văn hóa Việt Nam.
Một lối đi hẹp
Gần đây có một phim cũng về đề tài cải lương được công chiếu, đó là Sáng đèn (đạo diễn: Hoàng Tuấn Cường), với doanh thu không cao, chỉ mới gần 3,5 tỷ đồng. Nhưng việc những phim chọn đề tài văn hóa dân tộc để làm như Song lang, Sáng đèn, Cô Ba Sài Gòn… vẫn luôn xứng đáng được khích lệ.
Cuối năm 2022, ông Nguyễn Hoàng Hải (Giám đốc nội dung của CJ CGV VN) cho biết họ đang đầu tư những phim điện ảnh giàu bản sắc văn hóa Việt Nam như Nghe vẻ nghe ve, Người đẹp Tây Đô, Hoàng hậu cuối cùng, Huyền thoại bánh Tết… Đến nay vẫn chưa có phim nào công chiếu, điều này cho thấy sự khó khăn của chủ đề này.
Trong phim Song lang có đề cập đến gánh hát cải lương Thiên Lý, gần đây Leon Quang Lê lập luôn gánh hát này tại TP.HCM, diễn khá thường xuyên. Nửa cuối tháng 4 này có 2 suất diễn Đêm độc thoại vào tối 20 và 28, với sự tham gia của các nghệ sĩ như Tú Quyên, Trần Anh Sơn, Nguyễn Thị Hải Phượng, Trần Trọng Trí… Tối qua, 14/4, thì diễn trích đoạn Lý Chiêu Hoàng nhớ Trần Cảnh; các đêm 15 - 16/4 diễn vở mới Bóng người xưa, với kịch bản của Nguyễn Thị Minh Ngọc, do Tú Quyên chuyển thể cải lương, còn Leon Quang Lê dàn dựng.
Mới đây, Leon Quang Lê vừa quay xong phim Quán Kỳ Nam, với bối cảnh tại TP.HCM giữa thập niên 1980. Phim xoay quanh góa phụ (do Đỗ Thị Hải Yến thủ vai) và một dịch giả trẻ ở khu tập thể. Dù là một chuyện tình tâm lý xã hội, nhưng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Điểm đặc biệt, Quán Kỳ Nam được quay hoàn toàn bằng phim nhựa 35mm. Hình như kể từ phim Cánh đồng bất tận (đạo diễn: Nguyễn Phan Quang Bình, 2010) và Người trở về (đạo diễn: Đặng Thái Huyền, 2015), thì nay Việt Nam mới có thêm một phim nhựa điện ảnh. Kinh nghiệm sản xuất này rất quý giá với những nhà quay làm trẻ và những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về phim nhựa.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất