Nhiều thành viên cấp cao đảng Cộng hòa chúc mừng ông J. Biden, Tổng thống Trump khởi động chiến dịch pháp lý

09/11/2020 11:38 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin ông Joe Biden - ứng cử viên của đảng Dân chủ - giành 273 phiếu đại cử tri,  vượt mức 270 phiếu cần thiết để đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử ngày 3/11 vừa qua, một số thành viên đảng Cộng hòa, trong đó có cựu Tổng thống George W. Bush, đã chúc mừng ông Biden. 

Bầu cử Mỹ 2020: Các nước Trung và Đông Âu kỳ vọng về một xung lực mới cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Bầu cử Mỹ 2020: Các nước Trung và Đông Âu kỳ vọng về một xung lực mới cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Lãnh đạo các nước Trung và Đông Âu cũng đã chúc mừng ông Joe Biden sau khi truyền thông Mỹ đưa tin ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 vừa qua.

Trong một tuyên bố phát đi từ Dallas ngày 8/11, cựu Tổng thống Bush miêu tả ứng cử viên đảng Dân chủ là một "người đàn ông tốt bụng, người đã giành cơ hội để lãnh đạo và đoàn kết đất nước". Ông Bush đã gọi điện cho ông Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris - người liên danh tranh cử - để chúc mừng chiến thắng. Với những động thái này, cựu Tổng thống Bush trở thành một trong những nhân vật cấp cao nhất của đảng Cộng hòa thừa nhận chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử vừa rồi và gửi lời chúc mừng ông. 

Bên cạnh đó, cựu Tổng thống Bush cũng đánh giá cao việc Tổng thống Donald Trump đã giành được phiếu bầu của 70 triệu người dân Mỹ, cho rằng đây là "thành tựu chính trị phi thường" của vị tỷ phú này. Cựu Tổng thống Bush, người từng là ông chủ Nhà Trắng trong hai nhiệm kỳ, cũng cho rằng ông Trump có quyền yêu cầu kiểm lại phiếu và theo đuổi các thách thức pháp lý liên quan đến kết quả bầu cử. Tuy nhiên, vị chính trị gia đảng Cộng hòa này chỉ rõ người dân Mỹ có niềm tin rằng cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã diễn ra công bằng với sự vẹn toàn được đảm bảo và kết quả rõ ràng. Ông Bush đồng thời kêu gọi người dân Mỹ cùng đoàn kết vì lợi ích của gia đình mình, của quốc gia và tương lai. 

Chú thích ảnh
Ông Joe Biden (phải) và bà Kamala Harris (trái) phát biểu tại Wilmington, bang Delaware, ngày 7/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước cựu Tổng thống Bush, em trai ông, cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush cũng đã gửi lời chúc mừng đến ông Biden.

Nhiều thành viên đảng Cộng hòa khác cũng có động thái tương tự. Thượng nghị sỹ Mitt Romney, người từng là đối thủ của cựu Tổng thống Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, cùng ngày đã kêu gọi nước Mỹ ủng hộ ông Biden. 

Phát biểu trên kênh CNN, Thượng nghị sĩ bang Utah này cho biết ông không thấy có bằng chứng về tình trạng gian lận trên cả nước trong cuộc bầu cử vừa qua. Tuyên bố này được đưa ra trong thời điểm Tổng thống Trump đang thúc đẩy các vụ kiện liên quan tới bầu cử và từ chối công nhận chiến thắng của ông Biden. Thượng nghị sĩ bang Alaska Lisa Murkowski cũng gửi lời chúc mừng đến ứng cử viên đảng Dân chủ.

Tuy vậy, một số thành viên cấp cao khác của đảng Cộng hòa lại ủng hộ quan điểm của Tổng thống Trump, cho rằng việc chúc mừng ông Biden là quá sớm trong khi còn nhiều phiếu bầu chưa được kiểm  và còn rất nhiều thách thức ở phía trước. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, khẳng định ông Trump sẽ không từ bỏ và kêu gọi vị chính trị gia tỷ phú không thừa nhận thất bại trước ông Biden. Trả lời trên Fox News, ông Graham, một trong những thành viên đảng Cộng hòa có tầm ảnh hưởng tại Quốc hội Mỹ, nhấn mạnh đảng Cộng hòa sẽ hợp tác với ông Biden nếu ông này thắng cử.

Trong khi đó, một số chính khách hàng đầu của đảng Cộng hòa tỏ ra thận trọng hơn tron các phát ngôn, nhưng vẫn từ chối thừa nhận chiến thắng của ông Biden. Lãnh đạo phe Cộng hòa thiểu số tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy khẳng định cần kiểm đầy đủ mọi phiếu bầu hợp lệ trong cuộc bầu cử tổng thống này cũng như hoàn tất mọi tiến trình kiểm lại phiếu và mọi thách thức pháp lý phải được xem xét.

Cùng ngày, Tổng thống Trump đã ra tuyên bố phản đối cách truyền thông đưa tin về kết quả bầu cử tổng thống. Trên tài khoản Twitter, ông chủ Nhà Trắng đặt câu hỏi "từ bao giờ giới truyền thông có quyền nêu tên ai là Tổng thống Mỹ kế tiếp" tại Mỹ? 

Tổng thống Trump thông báo sẽ khởi động tiến trình pháp lý nhằm khiếu nại kết quả bầu cử. Trả lời phỏng vấn chương trình "Sunday Morning Futures" trên kênh Fox News, luật sư của Tổng thống Trump, ông  Rudy Giuliani, cho hay  đội ngũ vận động tranh cử của tổng thống sẽ thúc đẩy các vụ kiện tại một loạt bang, bắt đầu từ ngày 9/11, đầu tiên là tại Pennsylvania, sau đó là Michigan hoặc Georgia. Trong khi đó, trên chương trình "State of the Union" của CNN, cố vấn cấp cao của ông Biden, Symone Sanders phản đối kế hoạch khiếu nại của chính quyền đương nhiệm, cho rằng đây "chiến lược pháp lý không có cơ sở".

Với lượng cử tri đi bỏ phiếu cao kỷ lục trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, Tổng thống đương nhiệm Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đều giành được số phiếu phổ thông cao nhất trong lịch sử, lần lượt hơn 70,8 triệu và 75 triệu phiếu bầu. 

Trước đó, ngày 7/11 (giờ Mỹ), 4 ngày sau ngày bầu cử chính thức 3/11, các hãng truyền thông lớn tại Mỹ đồng loạt đưa tin kết quả kiểm phiếu mới nhất tại bang Pennsylvania nghiêng về ứng cử viên của đảng Dân chủ, qua đó ông Biden giành được tổng cộng 273 phiếu đại cử tri, vượt mức 270 phiếu cần thiết trong tổng số 538 phiếu để đắc cử Tổng thống Mỹ.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm