Phòng chống buôn bán người: LUẬT ĐANG LẠC HẬU VỚI THỰC TẾ

15/09/2008 09:18 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Chị Hội và Duyến, những người đã nói ở bài trước, chỉ là hai trong số hàng trăm trường hợp phụ nữ bị buôn bán đã may mắn trở về.

Nếu như ở các tỉnh phía Bắc phần lớn phụ nữ, trẻ em (PN&TE) bị lừa bán sang Trung Quốc thì ở các tỉnh phía Nam, phần lớn nạn nhân của bọn buôn người thường bị bán sang Campuchia làm gái mại dâm.


Bốn cô gái này đều chưa tới 20 tuổi đã bị lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm vừa được trả về tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) ngày 15- 8.

Khi được giải cứu, em đã nhiễm HIV…

Đa số PN&TE bị lừa bán sang Campuchia là những người dân quê thật thà, chất phác ở vùng sâu, vùng xa, trình độ học vấn thấp, điều kiện kinh tế và hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu việc làm lại nhẹ dạ cả tin nên dễ bị lừa gạt. Phần lớn những vụ này đều do các tổ chức, cá nhân tội phạm trong nước và quốc tế câu kết thực hiện. Họ bị buôn bán, bị bóc lột lao động, xâm hại tình dục và dễ lây nhiễm HIV, sử dụng các chất gây nghiện nguy hiểm... không những thế, sau một thời gian dài bị hành hạ cả thể xác và tâm lý, nhiều người đã phát bệnh tâm thần. 

Hôm đến Trung tâm tiếp nhận hỗ trợ PN&TE gặp khó khăn của Hội LHPN thành phố Cần Thơ, bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Hội LHPN Cần Thơ và là GĐ trung tâm, kể với tôi rằng trong số 68 PN&TE gái gặp khó khăn mà trung tâm đã và đang giúp đỡ trong mấy năm qua, có những em khi bị lừa bán sang Campuchia mới 17 tuổi, nhưng suốt thời gian ở nhà chứa mỗi ngày phải tiếp tới 10- 20 khách, sau khi được giải cứu về Việt Nam, phải mất một thời gian dài ngày điều trị, cô gái này mới qua cơn khủng hoảng tâm lý.

Trong số những nạn nhân được trung tâm giúp đỡ, bà Hồng kể rằng có một em gái có hoàn cảnh rất đáng thương. Liên bị lừa bán từ năm 14 tuổi. Dù gia đình đã đi tìm khắp nhưng không biết ở đâu. Cho tới năm 2007, từ thông tin mà trung tâm cung cấp, Afesip, một tổ chức của Pháp chuyên giúp đỡ phụ nữ bị buôn bán, có văn phòng tại nhiều nơi trên trên thế giới, mới tìm được Liên đang bị cưỡng ép bán dâm trong một nhà chứa ở Malaysia. Tuy nhiên khi tổ chức này cử người phối hợp với cảnh sát đến giải cứu thì Liên đã bị bán cho một nhà chứa khác. Cuộc tìm kiếm kéo dài tới tận tháng 3-2008 mới giải thoát được Liên để đưa em về Việt Nam. Lúc này Liên đã 17 tuổi. Tuy nhiên, khi đưa em đi khám bệnh, các bác sĩ phát hiện em đã bị nhiễm HIV.  Mặc dù trung tâm đã hỗ trợ cho Liên đi học nghề và chữa bệnh, nhưng sau khi biết mình bị nhiễm HIV, Liên đã bỏ trung tâm đi mất...

Khó có thể kể hết được những cảnh đời cơ cực của những phụ nữ bị buôn bán. Bởi theo số liệu điều tra của cơ quan chức năng, trong vòng 8 năm trở lại đây, Việt Nam có đến hơn 6.000 PN&TE được xem là bị buôn bán và hơn 21.000 PN&TE vắng mặt lâu ngày, nghi ngờ bị buôn bán ra nước ngoài.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 130 Chính phủ, tình hình buôn bán PN&TE ra nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp, quy mô và thủ đoạn hoạt động tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia. Đặc biệt là bọn tội phạm ngày càng tập trung vào những  em gái mới lớn, bởi đây là đối tượng dễ lừa gạt bằng cách giả vờ yêu đương, tán tỉnh qua mạng (mới đây ngày 15/8, Công an Quảng Ninh vừa tiếp nhận từ công an Trung Quốc 4 em gái đều ở lứa tuổi 16 - 17 bị lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm).


Nguyễn Thị Thủy tại cơ quan Công an

Bán từ người lớn tới trẻ con

Năm nay 20 tuổi, dáng thấp bé, gương mặt lì lợm tới vô cảm và dù đã nằm trong trại tạm giam hơn 1 tháng vì tội mua bán trẻ em, nhưng khi ngồi nói chuyện với chúng tôi tại nhà tạm giữ CA Thị xã Cao Bằng, Nguyễn Thị Thủy vẫn thản nhiên, trả lời ráo hoảnh những câu hỏi và chẳng thèm tỏ ra ăn năn về tội lỗi của mình.

Mẹ chết sớm, bố đi tù vì tội buôn bán ma túy, bốn anh em Thủy ở với bà nội và chẳng đứa nào học hết tiểu học. Hết lớp 3 Thủy bỏ học, kiếm sống bằng phụ bán phở với bà cô, rồi lang bạt sang Trung Quốc làm gái mát xa. Sau bố, đến lượt anh trai đi tù vì ma túy và mới chết trong trại vì nhiễm HIV; đứa em út hiện đang ở trường giáo dưỡng; Thủy bị bắt, bây giờ chỉ còn 1 đứa em kế cũng mới đi tù về vì tội tiêu thụ xe máy trộm cắp.

Đêm 24/6/2008, Thủy đã cưỡng ép cháu Tô Thị Thanh, 15 tuổi, ở huyện Hòa An (Cao Bằng) đưa sang Trung Quốc bán. Sau khi bị bắt, Thủy khai rằng thông qua một phụ nữ tên là Hạt ở Hạ Lang (Cao Bằng), Thủy đã bán cháu Thanh và 3 phụ nữ nữa cho một người Trung Quốc để làm gái mại dâm. Theo lồi khai của Thủy thì mỗi lần đưa người sang, Thủy chỉ được Quắn trả cho có… 1 triệu đồng/ người!

Tuy nhiên đây chỉ là 1 trong 15 vụ án buôn bán PNTE bị PC14 Cao Bằng triệt phá từ năm 2007 tới nay. Theo Thượng tá Trần Minh Hồng, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC14) Cao Bằng, tội phạm buôn bán PNTE diễn ra ở hầu hết 13 huyện, thị trong tỉnh. Không những thế, do là tỉnh biên giới nên các đường dây buôn bán PNTE liên tỉnh, xuyên quốc gia cũng chọn Cao Bằng là điểm để đưa người qua biên giới.

Đối tượng phạm tội hầu hết đều có quá trình quan hệ, làm ăn với đối tượng người Trung Quốc. Phần lớn chúng liên minh thành ổ nhóm hoạt động trên nhiều tỉnh, thành phố để lừa gạt phụ nữ. Đặc biệt có cả các đối tượng hình sự, truy nã nên mức độ phạm tội thường có quy mô lớn, hoạt động liều lĩnh.

Ba năm trước, PC14 Cao Bằng đã mất gần 1 năm mới triệt phá hoàn toàn đường dây buôn người xuyên quốc gia do tên Lê Quốc Dũng, SN 1978 ở Thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) cầm đầu và bắt tới 12 tên. Chỉ trong thời gian từ 2/2004 tới 3/2005, chúng đã lừa bán tới 47 PN&TE cho các nhà hàng Trung Quốc để làm gái mại dâm.

Còn tại Quảng Ninh, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, CA tỉnh đã khám phá 17 vụ, bắt 27 đối tượng, trong đó có 4 vụ, bắt 6 đối tượng, đưa 6 bé trai sơ sinh dưới 1 tháng tuổi sang Trung Quốc. Tại Hà Nội đầu năm 2008, PC14 đã triệt phá đường dây gồm 7 đối tượng buôn bán trẻ sơ sinh; khi bị bắt, bọn chúng khai nhận chỉ trong 7 tháng (7/2007 - 2/2008) đã lừa bán tới 40 trẻ sơ sinh sang Trung Quốc...

Đầu năm 2008, CA Cần Thơ triệt phá đường dây buôn bán phụ nữ ra nước ngoài, bắt 4 đối tượng; chúng khai từ năm 2004 tới khi bị bắt đã lừa bán hơn 30 phụ nữ ở các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp sang Malaysia làm gái mại dâm, với sự trợ giúp của người nước ngoài. Cuối tháng 12/2007, CA và Bộ đội biên phòng Tây Ninh đã khám phá đường dây buôn bán phụ nữ do 2 người Malaysia gốc Hoa cầm đầu câu kết với 6 đối tượng trong nước, bắt 5 đối tượng. Theo lời khai của bọn chúng thì cho tới khi bị bắt, nhóm này đã lừa bán 5 phụ nữ sang Malaysia...

Theo nhận định của Ban chỉ đạo 130/CP tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2008, tình hình buôn bán PNTE ra nước ngoài dưới nhiều hình thức vẫn diễn biến phức tạp, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động tội phạm ngày càng tinh vi xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia.

Đặc biệt nghiêm trọng, bọn tội phạm triệt để lợi dụng phát triển công nghệ thông tin, thông qua Internet, chat, GameOnline để lừa học sinh, sinh viên bán ra nước ngoài ngày càng tăng. Đồng thời, trong nội địa bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt một số PN&TE để bán vào các nhà hàng, các động mại dâm thuộc vùng giáp ranh theo tuyến quốc lộ, các bãi tắm, khu du lịch trong nước để bóc lột tình dục…


Tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống buôn bán PNTE cho PN&TE trên tuyến biên giới An Giang

Những bất cập của Bộ luật Hình sự cần sớm sửa đổi

Theo các cơ quan chức năng, thực trạng này có 4 nguyên nhân chính:

Do trình độ học vấn và nhận thức của một số PN&TE thấp kém, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa nên dễ bị tội phạm lừa gạt.

Do công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức pháp luật, vạch trần thủ đoạn của tội phạm buôn bán PNTE còn nhiều hạn chế.

Do nhiều PN&TE có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, cuộc sống gia đình éo le; một số muốn làm giàu nhanh nên dễ dàng bị lừa.

Do công tác quản lý nhân hộ khẩu, tạm vắng, quản lý khách sạn, nhà nghỉ, quán trọ... còn nhiều sơ hở; các chính sách pháp luật chưa hoàn chỉnh tạo kẽ hở cho bọn tội phạm hoạt động như xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi rồi bị lừa bán ra nước ngoài.

Để chống lại tội phạm buôn bán PNTE, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm buôn bán PN&TE.

Hiện Ban Chỉ đạo 130/CP đã xác định hai trong những công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm là:

Tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Công ước và Nghị định thư LHQ về phòng, chống buôn bán người. Sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, phần có liên quan đến đấu tranh xử lý tội phạm buôn bán PN&TE. Nghiên cứu triển khai đề án xây dựng Luật phòng, chống buôn bán người.
Xây dựng dự dự thảo Hiệp định song phương Việt Nam - Trung Quốc về phòng chống buôn bán người, kế hoạch thực hiện Hiệp định song phương Việt Nam - Thái Lan; tiến hành khảo sát tình hình buôn bán PN&TE trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, đề xuất xây dựng Hiệp định song phương Việt Nam- Lào; duy trì giao ban thường niên Việt Nam- Campuchia, Việt Nam- Trung Quốc về phối hợp phòng, chống buôn bán người.

Là người trực tiếp đấu tranh với loại tội phạm này, Thượng tá Trần Minh Hồng, Trưởng phòng PC14 CA Cao Bằng cho rằng để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm buôn bán người thì ngoài lực lượng công an, rất cần có sự cùng vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể để đẩy mạnh công tác phòng ngừa bằng tuyên truyền, lồng ghép các chương trình phòng chống buôn bán PN&TE với các chương trình liên quan đến cuộc sống hàng ngày như xóa đói giảm nghèo, vay vốn tạo việc làm, phòng chống HIV.

Còn Trung tá Lê Văn Lương, Phó phòng PC14 CA TP Cần Thơ, cho rằng chính quyền địa phương cần quan tâm tạo việc làm, đặc biệt là với các trường hợp có nguy cơ cao bị buôn bán như nghèo, thất học. Bởi từ thất học, nghèo đói sẽ là nguyên nhân dẫn tới phạm tội. Năm ngoái, ở An Giang có vụ án rất đau lòng, một cháu gái đã bị chính bà ngoại và bố đẻ cưỡng ép đưa sang Campuchia để làm gái bán dâm. Khi bị bắt, cả hai người này khai lý do bán con cháu chỉ vì… thiếu tiền!

Ngay từ đầu năm nay, Bộ CA đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác phòng chống buôn bán PN&TE; tham mưu Ban Chỉ đạo 130/CP ra kế hoạch chỉ đạo toàn quốc về tổng kiểm tra, rà soát tội phạm và các đối tượng khác có liên quan đến hoạt động buôn bán PN&TE từ 1998 - 2008. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng chỉ đạo lực lượng biên phòng mở đợt cao điểm đấu tranh chống tội phạm buôn bán PN&TE trên các tuyến biên giới…

Tuy nhiên, hiện nay với các lực lượng trực tiếp điều tra, xử lý các vụ án buôn bán PN&TE đang gặp không ít khó khăn.

Theo Thượng tá Trần Minh Hồng, hành vi của tội phạm buôn bán người là nghiêm trọng, ngang với các tội cướp, hiếp, giết người nhưng quy định hình phạt trong Luật Hình sự hiện nay với loại tội phạm này quá nhẹ nên không có sức răn đe. Với hành vi chuẩn bị cướp, hiếp, giết đã có thể khởi tố; nhưng buôn bán người lại phải có hậu quả, tức là nạn nhân đã bị bán ra nước ngoài. Trong khi đó công tác hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm buôn bán PN&TE còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thiếu các hiệp định tương trợ, hành lang pháp lý trong phòng chống tội phạm nên khó trong việc phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ xác minh, truy bắt, dẫn độ tội phạm…

Tại hội thảo khoa học về tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng chống buôn bán PNTE vừa tổ chức tại Hà Nội ngày 9/9, ông Nguyễn Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), đã phân tích, Luật Hình sự năm 1999 mới chỉ quy định về “Tội mua bán phụ nữ” (Điều 119) và “Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” (Điều 120) còn nhiều bất cập. Vì vậy theo ông Hồng, cần sửa đổi, bổ sung các điều này theo hướng: quy định một tội danh chung là “Tội buôn bán người” để hình sự hóa cả hành vi buôn bán nam giới từ đủ 16 tuổi trở lên; hành vi buôn bán PN&TE sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng. Về yếu tố cấu thành của tội buôn bán người, không nên quy định mục đích tư lợi mà thay vào đó cần quy định mục đích bóc lột, đồng thời quy định các thủ đoạn cưỡng ép, lừa gạt để loại trừ các đối tượng bị buôn bán đồng tình với bọn tội phạm trong việc bị buôn bán. Cần bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung như lợi dụng chức vụ quyền hạn, gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nâng mức phạt tiền đồng thời quy định bổ sung tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy luật mới có sức mạnh răn đe.  

Tấn Lượng – Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm