Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 3): Nhận diện thuyền "hai thân" Đông Sơn

02/04/2025 07:18 GMT+7 | Văn hoá

Trong lịch sử đã từng tồn tại thuyền ghép đôi do lòng thuyền hẹp dễ bị lật khi gặp sóng ngang. Thuyền hai lòng (lưỡng phúc) cũng được nhắc đến trong sử sách đời Lý nước ta. Thực trạng còn khá nguyên vẹn của cặp thuyền Hà Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho phép nghiên cứu kỹ về hiện tượng độc đáo này, có thể liên hệ với kiểu thuyền hai thân hiện còn phổ biến ở một số vùng đảo Đông Nam Á và châu Đại Dương.

1. Ngay từ khi san gạt trong quá trình đào ao của chủ nhà thì cây xà ngang nối đầu hai thuyền đã xuất lộ. Đoàn khai quật khảo cổ cũng đã làm rõ đoạn gỗ này đầu tiên, trước khi vét lòng thuyền. Rất may cho chúng ta là kết cấu nối ngang đầu hai thuyền được bảo tồn khá tốt và đầy đủ, giúp việc nhận định rằng hai thuyền là một đơn vị kết cấu nổi, gồm hai thân hình thuyền, nhanh chóng được nhất trí cao giữa các nhà khoa học.

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 3): Nhận diện thuyền "hai thân" Đông Sơn - Ảnh 1.

Toàn cảnh khai quật hai thuyền cổ sông Dâu, lưu ý đầu hai thuyền phía gần ống kính, một thanh gỗ dài, gắn hai thuyền với nhau đang được làm rõ

Tuy nhiên, cho đến nay nhiều đoán định, phỏng tưởng đã đi quá xa tư liệu khảo cổ hiện có. Trong bài này, tôi không sa lầy vào những đoán định đó mà tập trung mô tả làm rõ cấu trúc thuyền hai thân Đông Sơn Hà Mãn này thôi. Tiếp theo kỳ trước, tôi cũng sẽ đưa ra những thông tin về dạng cấu trúc "thuyền" nổi nhờ hai thân trong sử sách cũng như tài liệu dân tộc học trên thế giới.

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 3): Nhận diện thuyền "hai thân" Đông Sơn - Ảnh 2.

Thuyền bên trái chụp từ phía đầu thuyền (hình trái) để làm rõ chi tiết gông thanh giằng ngang với cấu trúc đầu thuyền

2. Trước hết chúng ta tạm thống nhất với đoàn khai quật khi chọn hai đầu thuyền hiện có thanh giằng nối ngang là phía "đầu thuyền" và phía kia là "đuôi thuyền".

Thanh ngang nối hai đầu thuyền hiện còn nguyên trạng, dài trên 6m dày khoảng 5cm, nối đầu hai con thuyền với nhau. Thanh giằng này có mặt cắt hình thước thợ (L). Một cạnh thẳng đứng, cạnh kia nằm ngang, có khe thủng lồng vào hai đầu thuyền vươn cao rộng 60-70cm. Các đầu thuyền này chính là các cấu trúc gỗ hình "ghế tựa" được táp vào đầu thuyền độc mộc để cơi độ cao đón các ván mạn. 4 ván mạn trên cùng, phía hai đầu thuyền được cắt phía dưới đè khít phần trên và cạnh dày nằm ngang của thanh giằng. Phía dưới ván nằm ngang của thanh giằng nằm đè lên ván mạn tầng thứ hai. Các chốt mộng trong cấu trúc ôm ngoàm đó đã giúp sự liên kết giữa giằng ngang với hai đầu thuyền bền vững hơn và cùng thanh giằng thứ hai cạnh đó và có thể thứ ba, thứ tư ở đuôi thuyền, sẽ tạo ra một mặt sàn chắc chắn, với một bề mặt có thể xác định nhờ các thanh giằng này và bề mặt phẳng không lỗ mộng của ván mạn trên cùng chiếc thuyền bên phải nhìn theo hướng từ đuôi lên đầu thuyền, để có thể xác định bề mặt nguyên thủy của cấu trúc nổi dựa trên hai thuyền.

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 3): Nhận diện thuyền "hai thân" Đông Sơn - Ảnh 3.

Chi tiết đầu thuyền (bên phải) ngoàm chắc thanh giằng ngang, mặt cắt hình thước thợ (L) nối với thuyền kia. Khấc lõm trên hai mạn phía bên phải hình chụp là bằng chứng của một thanh giằng ngang khác, cùng bề mặt hai mạn thuyền tạo thành mặt phẳng

 Khoảng hơn một mét về phía sau, tính từ thanh giằng đầu thuyền, còn hiện diện hai khấc ở hai mạn thuyền bên phải đó như tín hiệu còn lại của một thanh giằng nằm ngang nữa. Một số lỗ mộng vuông còn lại trên thanh giằng đầu thuyền như vết tích của mộng chân cột của một cấu trúc nào đó phía trên mặt sàn giả định dựa trên độ cao tương ứng giữa hai thanh giằng và bề mặt bốn mạn thuyền sát liền đó.  

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 3): Nhận diện thuyền "hai thân" Đông Sơn - Ảnh 4.

Cấu trúc ghép đầu thuyền (bên trái) với thanh giằng đầu thuyền. Ván mạn trên cùng đã bị mất một phần. Còn thấy rõ đinh chốt to hình vuông ghim phần nằm ngang của thanh giằng vào thân đầu thuyền. Các lỗ mộng bên cạnh trên thanh giằng ngang chứng tỏ có cột cắm vào đó liên quan đến cấu trúc gỗ bên trên

Không phải bàn cãi, hai thuyền nằm trong một kết cấu tạo sàn bên trên rộng hơn cũng như tránh thân thuyền bị lật nghiêng. Dấu vết một thanh ngang nữa liên kết con thuyền nằm ở phần nửa đầu gần với thanh giằng chính hình thước thợ kia, hiện đã mất. Chỉ có thể ghi nhận thông qua những khấc lõm đều nhau rộng khoảng 25cm trên mạn thuyền.

Dựa vào mực thăng bằng trên đáy thuyền độc mộc bên dưới dễ dàng nhận ra hai thuyền ghếch đuôi cao hơn mũi thuyền khoảng 20-30cm. Có lẽ vì vậy thanh giằng phía đuôi và phần trên bốn mạn thuyền ở phía đuôi thuyền đều đã mất và bị hư hai nặng hơn phía đầu thuyền giả định.

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 3): Nhận diện thuyền "hai thân" Đông Sơn - Ảnh 5.

Ba mảnh gốm hiếm hoi phát hiện ở đáy khoang thuyền thuộc loại gốm Đông Sơn đã khai quật ở Đường Mây (Cổ Loa, Hà Nội), Làng Cả (Việt Trì, Phú Thọ) và Kiệt Thượng (Chí Linh, Hải Dương)

Trong thực tế, cấu trúc đầu và đuôi thuyền trong trường hợp cặp thuyền cổ sông Dâu này rất giống nhau, cũng như kích thước cân đều giữa các vách ngăn… tôi ngờ rằng đây là cặp thuyền làm phao nổi đỡ cấu trúc nào đó bên trên hơn là một con thuyền có đầu đuôi phân định rõ ràng như 22 thuyền độc mộc cổ mà chúng tôi hiện có. Việc chưa tìm ra chứng cứ của mái chèo, bánh lái hay cột buồm… càng củng cố giả định của tôi về chức năng cặp thuyền này.   

3. Trong lòng thuyền chứa đầy trầm tích cát sông. Khi sàng lọc ở tầng sát đáy, các nhà khảo cổ học đã thu được khá nhiều hạt, vỏ quả rất giống trầm tích trong và ngoài sát quan tài chúng tôi thu được ở Châu Can 2000, Động Xá và Yên Bắc 2004. Có thể nhận ra ngay là sấu, dâu da xoan, muỗm và bàng. Tại một ô nhỏ đã thấy ba mảnh gốm Đông Sơn thuộc loại hình Đường Mây như đã từng thấy ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), trong mộ thân cây khoét rỗng Kiệt Thượng (Chí Linh, Hải Dương), Làng Cả (Việt Trì, Phú Thọ). Những tàn tích hạt quả và gốm này củng cố thêm niên đại Đông Sơn cho hai con thuyền.

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 3): Nhận diện thuyền "hai thân" Đông Sơn - Ảnh 7.

Hình một dạng thuyền buồm hai thân, ván mạn mỗi thân thuyền được “khâu” bằng sợi bện qua các lỗ sát hai rìa ván mạn thuyền. Phía trên làm thành một sàn lớn. Một gợi ý tốt cho chức năng cặp thuyền Đông Sơn đang khai quật trên dòng sông Dâu cổ. Ảnh do Phan Quang cung cấp

Cặp thuyền đã khai quật xong cơ bản phía trong lòng thuyền và cắt một đoạn bên ngoài phía đầu một con thuyền. Gần như toàn bộ phía bên ngoài vẫn được để lại, giúp giữ nguyên trạng kết cấu mạn thuyền và giữ ẩm cho gỗ mạn thuyền. Gỗ thuyền đã được chọn mẫu gửi giám định chủng loại và tuổi carbon phóng xạ. Hy vọng sẽ có kết quả trong những tháng tới.

Trong các phần tiếp theo tôi sẽ làm rõ nguyên nhân khiến con thuyền còn nguyên vẹn như ngày nay sau hai ngàn năm trong lòng đất và cách bảo quản cũng như phục dựng mô phỏng kỹ thuật 2D, 3D cho cặp thuyền cổ xưa quý giá này.

"Tôi ngờ rằng đây là cặp thuyền làm phao nổi đỡ cấu trúc nào đó bên trên hơn là một con thuyền có đầu đuôi phân định rõ ràng như 22 thuyền độc mộc cổ mà chúng tôi hiện có" - TS Nguyễn Việt.

(Còn nữa)

TS Nguyễn Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm