22/04/2025 19:32 GMT+7 | Tin tức 24h
Cứ mỗi dịp 30/4, trong lòng ông Nguyễn Thế Liêm, sinh năm 1953, ở tổ 7, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), cựu chiến sỹ trinh sát Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lại dâng trào biết bao cảm xúc.
Ông Liêm như sống lại thời khắc hào hùng của lịch sử dân tộc 50 năm về trước. Đặc biệt, ông là một nhân vật trong bức ảnh "Truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất" của nhà báo Đinh Quang Thành, phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam trong kháng chiến. Bức ảnh đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế; trong đó có Huy chương đồng Giải báo chí quốc tế (OIJ).
Cựu chiến binh Nguyễn Thế Liêm (giữa) chia sẻ với học sinh về truyền thống đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta. Ảnh: TTXVN phát
Tự hào về những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời khi trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, cựu chiến binh Nguyễn Thế Liêm bồi hồi nhớ lại: Sáng 30/4/1975, Trung đoàn bộ binh 24, Sư đoàn 10 của Quân đoàn 3 đánh địch tại ngã tư Trung Hiền từ sáng tới gần trưa với xe tăng, pháo binh yểm trợ.
Đến khoảng 11 giờ ngày 30/4/1975, mũi xung kích ôm súng AK tiến công trên đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, khi gần đến khu vực tập trung nhiều máy bay của địch thì được lệnh đánh về phía Tây.
Ông Liêm quan sát xung quanh thấy mấy dãy nhà có một lá cờ nửa xanh nửa đỏ cách đó không xa, ông đoán đó là vị trí Trại Davis. Đây là nơi ở và làm việc của Phái đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên giám sát thi hành Hiệp định Paris; trong đó có đoàn cán bộ chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam. Đơn vị nhận lệnh tiếp tục vận động về hướng Tây sân bay, bảo vệ vòng ngoài Phái đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên.
Khoảng 30 phút sau, tiếng súng ngừng bắn, lúc này chiến sỹ của ta đã kiểm soát được sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, chính trị viên đơn vị reo lên: "Giải phóng rồi các đồng chí ơi, giải phóng rồi! Chúng tôi cùng ôm nhau vui sướng khi nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Sau giải phóng, đơn vị ông ở lại sân bay củng cố lực lượng.", ông Liêm kể.
Cựu chiến binh Nguyễn Thế Liêm giới thiệu về bức ảnh “Truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất”. Ảnh: Quang Cường- TTXVN
Một ngày tháng 5/1975, cựu chiến binh Nguyễn Thế Liêm đọc báo Quân đội nhân dân viết về ngày chiến thắng, nhìn tấm ảnh ông nhận ra các chiến sỹ đang ôm súng cơ động tiến công trên mặt sân băng chính là mũi đột kích của ông và 4 đồng đội.
Năm 2019, thông qua người giới thiệu, cựu chiến binh Nguyễn Thế Liêm tìm đến Văn phòng Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Hà Nội để tìm thông tin về tác giả bức ảnh và được biết tác giả bức ảnh nổi tiếng "Truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất" là nhà báo Đinh Quang Thành, phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam.
Cựu chiến binh Nguyễn Thế Liêm xúc động chia sẻ, sau 44 năm, tác giả bức ảnh và các nhân vật trong bức ảnh gặp lại nhau tại nhà riêng của nhà báo Đinh Quang Thành. Gặp nhau ai cũng rưng rưng nước mắt vì xúc động, đều muốn kể về câu chuyện của 44 năm xa cách, khoảnh khắc lịch sử khi họ cùng chiến đấu trong lửa đạn đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và trở thành nhân vật lịch sử trong một bức ảnh lịch sử.
Cựu chiến binh Nguyễn Thế Liêm (trái) cùng nhà báo Đinh Quang Thành. Ảnh: TTXVN phát
Giới thiệu với chúng tôi về bức ảnh nổi tiếng "Truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất", cựu chiến binh Nguyễn Thế Liêm cho biết vị trí của từng người trong ảnh: Người chạy đầu tiên là ông Vũ Đình Cọ, nguyên Đại đội phó (quê Hải Dương). Sau ông Cọ là liệt sĩ Nông Quang Bảo (dân tộc Tày, quê Tuyên Quang), ông đã hy sinh trong một trận đánh ở mặt trận Tây Nam năm 1978. Người thứ 3 trong ảnh là ông Ngô Văn Dẫu (quê Hải Dương) và người chạy thứ 4 là ông Nguyễn Thế Liêm, người chạy cuối cùng trong ảnh là ông Ngô Văn Minh (quê ở Cao Bằng).
Đến nay, cựu chiến binh Nguyễn Thế Liêm tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Hằng năm, ông được tổ chức Hội Cựu chiến binh các cấp, trường học mời tham gia buổi tọa đàm, kể chuyện với vai trò nhân chứng lịch sử. Mỗi lần như vậy, ông Liêm kể bằng cảm xúc từ trái tim để thế hệ trẻ cảm nhận sự tự hào, tinh thần quật cường, bất khuất của các lớp cha ông đã anh dũng chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất