'Nhân chứng cuối cùng' của mỗi thảm họa hàng không

23/09/2015 06:54 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sau một tai nạn máy bay bí ẩn hồi thập niên 1950, một kỹ sư Úc đã sáng chế ra chiếc hộp đen nhằm tăng tính an toàn cho ngành hàng không - hoàn toàn không ngờ những người phản đối việc này hăng hái nhất lại chính là các phi công!

Năm 1954

… là một năm u tối cho ngành hàng không dân dụng. Chỉ 10 ngày sau lễ khai trương, trước đảo Elba (Italy) xảy ra một trong những tai nạn kinh khủng nhất của thời đại chinh phục không trung. Chiếc phi cơ De Havilland “Comet“ của Anh gãy đôi khi vừa cất cánh vài phút, và 35 người chết đuối ở Địa Trung Hải. Ngoài mấy ngư dân, không có nhân chứng nào khác, cũng không có ai sống sót và không tìm được mảnh vỡ nào khả dĩ hỗ trợ phỏng đoán nguyên nhân tai nạn.

Thay vào đó là một áp lực kinh tế khủng khiếp: chiếc “Comet” 36 chỗ ngồi là phi cơ phản lực thương mại đầu tiên trên thế giới được sản xuất với số lượng lớn, sau tai nạn này toàn bộ máy bay bị giữ lại dưới đất để điều tra. Song ai dám bật lại đèn xanh, khi không biết cái gì đã xảy ra trên chiếc máy bay xấu số? Các chuyên gia hàng không đều mò mẫm, đa số thiên về lý do động cơ bị nổ.


David Warren và phát minh hộp đen của ông. Hôm nay các hộp đen đều sơn màu cam cho dễ tìm

Lập tức các turbin được gia cố và “Comet” lại có giấy phép cất cánh - và ba tháng sau lại một chiếc nữa rơi, 30 phút sau khi cất cánh ở Roma, và lại gãy đôi ở độ cao 10.000 mét. Nhiều mảnh vụn trôi ngoài bờ biển Napoli cùng 21 xác chết. Ngành hàng không dân dụng non trẻ đứng trước nguy cơ đổ vỡ quá sớm, và các chuyên gia toàn thế giới chụm đầu lại tìm giải pháp cứu con bệnh.  

Ở nửa kia địa cầu

… có một nhà hóa học tên là David Warren, 29 tuổi, chuyên gia Úc về xăng máy bay và các nguy cơ liên quan. Ở thời điểm đó “Comet” có triển vọng được sử dụng ở lục địa thứ năm nên Warren được cử vào một trong nhiều ủy ban điều tra. Nhưng họ đều mò mẫm tìm kim đáy bể, phỏng đoán nhiều hơn nghiên cứu. Liệu nguyên nhân có là gió xoáy, áp suất không khí thay đổi đột ngột, vấn đề trong turbin, hay thậm chí khủng bố?

Ít nhất thì David Warren có một ý tưởng, làm sao có thể sáng tỏ các nguyên nhân tai nạn trong tương lai. Không phải ngẫu nhiên mà số phận và nghề nghiệp của Warren dính dáng đến ngành hàng không: cha anh chết trong một vụ rơi máy bay hồi anh lên chín tuổi. Khi đi thăm một hội chợ kỹ thuật, anh tình cờ phát hiện một máy ghi âm Đức to bằng bàn tay. Liệu có thể phát triển một máy thu các cuộc nói chuyện trong buồng lái và các tham số kỹ thuật khác, đồng thời bảo vệ chống các va đập hoặc hỏa hoạn?   


Một chuyên gia ở Moskva tháo băng ghi dữ liệu từ hộp đen của chiếc Ilyushin rơi ngày 28/7/2002

Warren đưa ý tưởng ra hội đồng, nhưng chẳng ai thèm nghe. Anh viết luận văn, gửi cho các tạp chí danh tiếng toàn thế giới, nhưng không nhận được phản ứng nào đáng kể. Vốn từ nhỏ đã khéo tay và kiếm tiền bằng radio tự lắp, Warren tự chế ra một máy ghi dữ liệu và đặt tên Memory Flight Unit.

Có thể gọi 1957 là năm sinh ra chiếc hộp đen, ban đầu khá thô sơ: một dây thép mỏng mảnh được từ hóa bằng đầu ghi, thu lại mọi tiếng động trong buồng lái chính xác từng giây và tối đa 8 tham biến kỹ thuật khác. Sau 4 tiếng, máy lại về 0 và thu đè lên các dữ liệu đã “lỗi thời”.

Warren không hề biết    

… là anh em nhà Wright, những người tiên phong chế ra tàu lượn và máy bay có động cơ, đã từng phát minh ra một máy ghi dữ liệu bay từ 1903, thoạt tiên chỉ để ghi lại vận tốc và số vòng quay của cánh quạt. Ở thời điểm ấy chưa ai nghĩ đến chuyện bảo đảm an toàn khi bay, mà cũng để làm gì, khi máy bay của họ chỉ lên cao được vài mét?    

Sáng chế của hai kỹ sư Pháp hồi 1939, Francois Hussenot và Paul Beaudouin, tinh xảo hơn nhiều. Họ cuộn 8 mét phim vào một hộp kín sáng, dùng một mảnh gương có thể thay đổi vòng quay tùy vào vận tốc và độ cao để lái ánh sáng vào hộp.

Để kín sáng, họ sơn lên hộp một lớp dày hắc ín - có lẽ đây là nguồn gốc cái tên balck box (hộp đen). Máy Hussenograph khi đem áp dụng đã lộ nhiều điểm yếu: phim chỉ dùng được một lần, mỗi lần bay phải thay phim mới, và máy cũng không ghi được các cuộc nói chuyện, do đó chỉ được lắp vào các phi cơ thử nghiệm.

Hộp đen của Warren có thể sử dụng nhiều lần, tuy nhiên cũng không được chào đón - mấy năm sau đó ở Úc không có tai nạn nào. Đã thế, các phi công chống đối kịch liệt “tên mật thám” lắp trong buồng lái, đơn giản vì họ quen văng tục chửi bậy ở nơi vắng người và không muốn bị ghi lại.


Hộp đen của máy bay TWA 800 cho thấy đồng hồ đo xăng bị chập mạch hai lần, khiến máy bay nổ trên không

Người Anh có vẻ thực dụng hơn

… và khi Giám đốc Cục Hàng không Anh quốc qua thăm Úc, ông đưa Warren cùng phát minh bị đối xử bạc bẽo nọ về London. Kênh BBC đem giới thiệu ngay trên ti-vi và radio, chẳng mấy chốc người Anh tung ra chiếc hộp đen thương mại đầu tiên ra thị trường, gọi là “quả trứng đỏ” bởi màu sơn và hình dáng của nó.

Pháp và Canada cũng làm theo ngay, duy chỉ Hoa Kỳ gửi gắm niềm tin vào một phát minh riêng. Kỹ sư James Ryan đang chế ra một hộp đen tối tân hơn. Hiềm một nỗi là nó không ghi được tiếng nói. Song theo lý luận của Warren thì chính các âm thanh cuối cùng trong buồng lái lại là yếu tố quan trọng để phỏng đoán nguyên nhân tai nạn thường diễn ra bất ngờ, còn các tham số kỹ thuật khác thường đã được ghi chép song song bởi các máy.

Ví dụ máy bay TWA 800 cất cánh ở New York tháng 6/1996 và nổ tung trên không. Khi nghe băng ghi âm, người ta thấy nửa giây trước khi nổ có hai tiếng động khả nghi với tần số 4.000 Hertz - trùng tần số bộ phát điện. Chỉ dựa vào đó mà người ta phát hiện ra hai điểm chập mạch trong đồng hồ bình xăng, chính là nguyên nhân gây nổ.

Đôi khi băng ghi âm chỉ cho thấy những tiếng hét bất lực và tuyệt vọng. Như trong chiếc Boeing 757 của Công ty Birgenair (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi 1996 với 189 nạn nhân. Một ống nhôm đơn giản bị tắc đã cung cấp vận tốc sai. Qua mệnh lệnh của cơ trưởng, người ta nhận ra ông đã nhầm khi chỉ thị cho cơ phó tăng tốc.  

Chiếc “Comet” gặp nạn là lý do để đại đa số máy bay dân dụng hôm nay được lắp hộp đen, tuy nguyên nhân thảm họa mãi 52 năm sau mới được phát hiện: một cửa sổ lắp cẩu thả đã gây ra áp suất quá thấp, đi kèm với vật liệu kém chất lượng và không chịu nổi tác động cơ học.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm