Chuyện ít biết về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (kỳ 1): Nên duyên chồng vợ cùng cô láng giềng

13/07/2021 18:30 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Ngoài ca khúc Nắng chiều gần như bất tử, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (1/5/1926 - 9/1/2004), còn khá nổi tiếng với Bến giang đầu, Chiều bên giáo đường, Lá rơi bên thềm (lời: Nguyễn Hiền)… Nhiều người đã viết về cuộc đời ông, tuy nhiên ít người biết ông từng có một gia đình riêng tại Hội An.

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn - Bản tình ca ngập tràn châu Á

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn - Bản tình ca ngập tràn châu Á

Ca khúc "Nắng chiều" của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã được chuyển lời sang tiếng Hoa, Nhật, Anh, Thái Lan và Khmer. "Nắng chiều" nổi tiếng ở các ngôn ngữ vừa đề cập đến mức vào phòng karaoke nào cũng có thể nghe người ta hát.

Chúng tôi bắt đầu bài viết bằng cuộc tìm về ngôi nhà ở Hội An, nơi người con gái đầu tiên của ông đang sống.

“Nay anh về qua sân nắng”

Lê Trọng Nguyễn tên thật là Lê Trọng, sinh tại Điện Bàn, Quảng Nam. Bút danh của ông được ghép từ họ tên mình và họ của thân mẫu là bà Nguyễn Thị Ấm. Qua một bài phỏng vấn, ông kể rằng năm 1942 mình từng theo học tại Hà Nội. Vốn là người đam mê âm nhạc, ông gần như tự học sáng tác, học đóng đàn qua bạn bè và sách vở.

Chú thích ảnh
Lê Trọng Nguyễn thời gian ở Hội An. Ảnh tư liệu gia đình

Thời gian ở Hà Nội, ông thường lui tới quán Tân Nghệ Sĩ ở bờ Hồ Hoàn Kiếm. Tại đây ông kết bạn vong niên và học hỏi thêm với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và các nghệ sĩ đàn anh như Nguyễn Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh... Chính Thẩm Oánh sau này đã viết lời cho nhạc phẩm Sóng nước viễn phương của ông vào năm 1980, khi họ gặp nhau ở Sài Gòn.

Chú thích ảnh
Trần Thị Chanh, người vợ đầu tiên của Lê Trọng Nguyễn ở Hội An. Ảnh tư liệu gia đình

Năm 1945, Lê Trọng Nguyễn trở về Hội An sống cùng mẹ và em gái. Tại đây, ban đầu mẹ ông thuê một căn nhà tại số 70 Lê Lợi, sau đó chuyển sang thuê nhà tại kiệt 69/1 Phan Chu Trinh. Tiếp nữa, gia đình chuyển lên thuê tại số 121 Cường Để (nay là đường Trần Phú) để cư trú. Ngôi nhà cuối cùng đối diện với Trường Tư thục Cẩm Hồ, nơi người em gái của Lê Trọng Nguyễn kết hôn với con của gia đình đang sở hữu và cư ngụ tại ngôi nhà này. Ông thường qua trường Cẩm Hồ chơi nhạc với người em rể, nên trong ký ức Hội An, nhiều người vẫn lầm tưởng ông cư trú trong ngôi trường này.

Mối tình đầu tiên của Lê Trọng Nguyễn với cô láng giềng Trần Thị Chanh (1927 - 2020) - một mỹ nhân thanh lịch của Hội An thời bấy giờ - rất thơ mộng. Gia đình cô sống cách hiệu ảnh Huỳnh Sau chỉ 3 căn nhà. Là người lãng mạn, yêu âm nhạc thơ văn, nên cô Chanh và các bạn gái thường ghé đến nghe nhạc mỗi khi ban nhạc hòa tấu tại nhà Huỳnh Sau. Trai tài gái sắc gặp nhau, họ khởi đầu một mối tình lãng mạn trong không gian âm nhạc. Chưa đầy 1 năm, họ quyết định thành hôn tại Hội An (năm 1946).

Chú thích ảnh
Con gái đầu lòng của Lê Trọng Nguyễn là Lê Thị Thanh Uyển, hiện sống tại Hội An. Ảnh tư liệu gia đình

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp lan rộng, người Hội An bắt đầu cuộc tản cư đến các vùng nông thôn khu V. Gia đình Lê Trọng Nguyễn cũng nằm trong dòng người tản cư đến Bồng Sơn, Bình Định. Tại đây, ông gặp lại những người bạn cũ đã từng chơi nhạc tại Hội An ngày trước, họ cùng tham gia vào ban văn nghệ Liên khu V do ông Võ Toàn (Võ Chí Công) thành lập. Tại Bồng Sơn, kết tinh của mối tình Hội An giữa Lê Trọng Nguyễn và Trần Thị Chanh là cô con gái Lê Thị Thanh Uyển sinh năm 1950.

Chú thích ảnh
Một trong những ngôi nhà mà Lê Trọng Nguyễn từng sống cùng mẹ và em gái tại Hội An. Ảnh: Trương Nguyên Ngã

Từ cái nôi tân nhạc Hội An

Từ trước 1945, tân nhạc cũng đã khởi phát tại Hội An. Đầu thập niên 1940, sau khi theo học sáng tác âm nhạc từ Sài Gòn về, nhạc sĩ La Hối sáng lập nên Hội Ái hữu âm nhạc Hội An (La Société Philharmonique de Faifo). Thành viên của hội là những người trẻ yêu thích sáng tác tân nhạc tại vùng đất này. Cũng trong thời gian này, La Hối sáng tác nhạc phẩm Thanh niên dữ Xuân thiên, sau đó được thi sĩ Thế Lữ viết lời Việt, chuyển tên thành Xuân và tuổi trẻ - một ca khúc bất tử.

Ở Hội An, Lê Trọng Nguyễn kết bạn với những người có cùng chung sở thích và đam mê, tham gia Hội Ái hữu âm nhạc Hội An để trao đổi kỹ năng sáng tác âm nhạc, với sự hướng dẫn của nhạc sĩ La Hối.

Chú thích ảnh
Ảnh: Trương Nguyên Ngã

Thời đó tại Hội An có nhiều ban nhạc gia đình được hình thành để biểu diễn tân nhạc tại gia. Nhưng nổi bật nhất có lẽ là ban nhạc của gia đình nhà nhiếp ảnh Huỳnh Sau, gồm Huỳnh Bá, Huỳnh Phụng, Huỳnh Đồng... Chơi thân với Huỳnh Bá và Huỳnh Đồng nên Lê Trọng Nguyễn thường xuyên lui tới để tham gia hòa nhạc với ban nhạc gia đình này.

Còn trong thời gian tản cư tại Bình Định, Lê Trọng Nguyễn tham gia dạy học tại một trường công giáo ở Tam Quan. Cơ may chợt đến: Khi phát hiện ra trong tủ sách của nhà trường có những cuốn nhạc lý cơ bản dạy về hòa âm, ông dựa vào đó để tự học thêm sáng tác. Trước đó, cũng như trong thời gian kháng chiến, Lê Trọng Nguyễn đã sáng tác nhiều nhạc phẩm như Ngày mai trời lại sáng, Binh nhì ca… để phục vụ kháng chiến; ông cũng đã viết bản nhạc không lời với tựa đề tiếng Pháp, tạm dịch là Vĩnh biệt những chiều ái ân. Nhưng mãi đến 1953, khi nhạc phẩm Nắng chiều ra đời, tên tuổi của ông mới bắt đầu chói sáng trong nền tân nhạc nước nhà.

Chú thích ảnh
Ảnh: Trương Nguyên Ngã

Ca khúc nổi tiếng đến mức gần như làm “lu mờ bớt” những nhạc phẩm khác của Lê Trọng Nguyễn. Cho dù về mặt nhạc thuật, sau khi theo học hàm thụ âm nhạc tại École Universelle của Pháp ở Việt Nam, trở thành hội viên Hiệp hội tác giả, nhà soạn nhạc và nhà xuất bản âm nhạc (La Société des auteurs, compositeurs et éditeurs de musique - SACEM) của Pháp, những sáng tác của ông càng sắc nét hơn, đơn cử như nhạc phẩm Chiều bên giáo đường (1962).

Tuy nhiên, nhạc phẩm này lại khó tìm được những ca sĩ đầy đủ nội lực để thể hiện trọn vẹn. Thêm nữa, thể loại nhạc này còn kén người nghe...

(Còn tiếp)

Trương Nguyên Ngã

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm