14/10/2013 08:13 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 12/10, nhiều người bất ngờ khi nhìn thấy phóng viên chiến trường nổi tiếng người Anh, Tim Page, đồng tác giả cuốn sách ảnh Hồi niệm (Requiem), chờ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà tang lễ quốc gia - Số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ông đã tới Hà Nội trong những ngày này để dự đám tang Đại tướng, Người mà ông đã 6 lần được chụp ảnh.
Tim Page từng chụp cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông thành danh trong làng nhiếp ảnh thế giới chính nhờ đề tài Việt Nam. Ông trở nên nổi tiếng và thân thiết với Việt Nam khi cùng Horst Faas hoàn thành cuốn Hồi niệm về những phóng viên chiến trường, những đồng nghiệp của ông ở các bên chiến tuyến, đã ngã xuống ở Đông Dương trong các cuộc chiến tranh.
TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông:
Tới Hà Nội để dự lễ viếng
* Ông nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời từ khi nào?
- Khoảng một tuần trước, ở Campuchia. Tôi biết nhờ Internet, không nhớ rõ là Facebook hay một trang báo nào đó.
* Lúc đó, ông cảm thấy thế nào?
- Thông thường, nếu một người không quen biết qua đời, tôi sẽ chẳng cảm thấy gì cả. Chỉ như một chiếc lá rơi trong khu rừng rộng lớn, bạn biết đấy. Nhưng đừng hiểu nhầm ý tôi. Đại tướng và tôi không phải là bạn, hẳn rồi, nhưng tôi thực sự cảm thấy một sự mất mát bên trong mình.
Tim Page đến Hà Nội để viếng Đại tướng. Ảnh: Cao Mạnh Tuấn |
* Và ông quyết định đến Hà Nội?
- Đúng vậy, tôi đến đây để dự lễ viếng. Một người bạn ở Việt Nam tên là Tiana đã sắp xếp vé máy bay cho tôi. Từ hôm này, tôi sẽ ở Hà Nội thêm 2 ngày rồi trở về Australia.
* Ông từng 6 lần chụp Đại tướng, từ lần đầu vào năm 1985 đến lần cuối vào năm 2005, đều ở Việt Nam. Chụp một vị tướng danh tiếng có gì khác với chụp những nhân vật khác?
- Khi chụp ảnh, nhà nhiếp ảnh thường là người kiểm soát, chỉ huy nhân vật của mình. Nhưng khi tôi chụp ông ấy, nhân vật lại là một vị tướng, người luôn đóng vai trò chỉ huy và làm chủ tình hình. Đó là một trải nghiệm khác lạ.
Tôi đã đến nhà Đại tướng ở đường Hoàng Diệu, Hà Nội, gặp ông cùng phu nhân và các con cháu. Nhưng tôi không được nói chuyện nhiều với ông, càng không nói chuyện như những người bạn, chỉ trao đổi những câu xã giao để tạo không khí thoải mái trước khi chụp ảnh. Tôi gặp ông trong những lúc làm việc, theo đặt hàng của các hãng thông tấn. Mối liên hệ giữa chúng tôi chỉ dừng lại đó.
Mặc dù vậy, tôi vẫn còn lưu giữ ấn tượng về phu nhân của Đại tướng. Bà là người am hiểu về trà. Khi tham quan nhà bếp, tôi thấy bà sưu tầm rất nhiều loại trà. Vì vậy, khi trở lại nhà Đại tướng vào lần sau, chúng tôi đã mua trà từ nhiều đất nước để tặng bà.
Bức ảnh dòng họ Vũ - Võ vào viếng trong lễ Quốc tang sáng 12/10, do Tim Page ghi lại tại Nhà Tang lễ quốc gia - Số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội vào sáng 12/10 |
Nhớ Đại tướng và nghĩ về thế hệ trẻ
* Vậy ông đã chụp Đại tướng như thế nào?
- Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill là người luôn làm mẫu chụp ảnh với điếu xì gà trên môi. Một lần, một nhiếp ảnh gia đã nhân lúc ông không để ý, giật điếu xì gà ra khỏi môi ông và chụp ảnh, Churchill đã rất bất ngờ. Kết quá là người đó đã chụp được bức ảnh hiếm hoi mà Churchill không hút xì gà.
Nhưng tôi chỉ kể thế thôi, chứ tôi không làm theo cách đó khi chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với bất kỳ nhân vật nào, tôi luôn cố vượt qua lớp vỏ hình thức bên ngoài. Khi chụp, tôi nhìn thẳng vào khuôn mặt, đôi mắt họ và cố nhìn vào tâm trí họ, để hiểu được tâm tư của họ. Tôi đã làm như vậy.
* Vậy ông đã nhìn thấy gì ở Đại tướng?
- Nhìn bề ngoài, Đại tướng là người thấp, nhỏ, nhưng lại là con người cực kỳ có uy lực và cương quyết. Ông ít khi cười phá lên, có lẽ cư xử như vậy không hợp với ông. Tôi thậm chí đã nghĩ ông là người hay suy nghĩ và không có nhiều thời gian vui vẻ.
Những người như ông có một cuộc đời đầy trải nghiệm, nghĩ về Đại tướng, tôi lại không khỏi so sánh với thế hệ trẻ ngày nay. Dường như nhiều người trong số họ không cần trải nghiệm thực sự về cuộc sống nữa. Bạn nhìn quanh chúng ta lúc này mà xem, các thiết bị điện thoại ở khắp nơi, iPhone, Nokia, LG…
Tôi sợ rằng giới trẻ chỉ toàn coi trọng vật chất. Họ trải nghiệm tất cả qua chiếc iPhone. Tôi tự hỏi không biết bên trong tâm trí và trái tim họ có gì. Tôi cho rằng người già thấm thía điều này hơn người trẻ.
Tôi cũng sợ rằng họ sẽ không còn nghĩ nhiều về thế giới, nghĩ đến những quốc gia đói nghèo, nơi con người còn không có đồ ăn và quần áo. Có thể với một phần trong số họ, những thứ như vậy là nhàm chán, so với các chương trình truyền hình hay phim điện ảnh.
Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhiếp ảnh gia Tim Page sinh năm 1944 tại Anh. Ông rời xứ sở sương mù vào năm 1962 (khi 18 tuổi) để đi các nước châu Âu và châu Á. Ông khá gắn bó với 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Ông biết nói tiếng Pháp, Đức, Hà Lan, Lào, Italy, TBN và tự nhận là biết khoảng 400 từ tiếng Việt. Hiện Page sống ở Brisbane, Australia. Ông đang làm phóng viên ảnh tự do, trước đây từng cộng tác với các hãng tin như UPI và AFP, hay các tạp chí Crawdaddy và Rolling Stone. |
Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất