Thiếu tướng An Thuyên & nhạc kịch từ “Hòn đất”

06/12/2008 13:06 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau khi hoàn thành nhạc kịch (opera) Đất nước đứng lên năm 2005, nhạc sĩ An Thuyên (Thiếu tướng, Hiệu trưởng Trường Đại học VHNT Quân đội) tiếp tục hoàn thành nhạc kịch Hai người mẹ dựa trên tiểu thuyết Hòn đất của nhà văn Anh Đức (sẽ ra mắt đêm 8/12 tới đây). Trong cả hai vở kịch này nhạc sĩ An Thuyên không dùng dàn nhạc giao hưởng mà dùng dàn nhạc nhẹ có tăng cường những nhạc cụ giao hưởng, phần nào giống với nhạc kịch broadway của Mỹ. Ông cho rằng đó cũng là một cách làm nhạc kịch để nó đến được với đông đảo công chúng.
 
TT&VH ghi lại một số ý kiến của nhạc sĩ An Thuyên khi cùng ông trao đổi về nhạc kịch Hai người mẹ.
 
Từ nén nhang nơi Núi Hòn…

Nhạc sĩ An Thuyên (Thiếu tướng, Hiệu trưởng Trường Đại học VHNT Quân đội)
“Sau khi công diễn Đất nước đứng lên (2005), tôi đã có dự kiến viết nhạc kịch Hòn đất. Năm 2007 được Hội Nhạc sĩ VN đưa vào danh mục đầu tư, dự kiến viết do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Tôi đã đi thực tế ở Kiên Giang, về Núi Hòn thắp nén nhang cho chị Lê Thị Ràng anh hùng (nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết), thăm những gia đình kháng chiến năm xưa, leo Hang Hòn tìm lại dấu chân những người du kích… đã viết thử ca khúc Khúc tương giao nơi cuối trời về Hà Tiên để thể nghiệm khai thác chất Nam Bộ đối với âm nhạc đương đại. Có lẽ phải rất cảm ơn các anh trong Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Cục Chính trị khi đặt vấn đề giúp đỡ Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9. Vở nhạc kịch ra đời như gặp được bạn tâm giao, nhanh hết sức: viết 1 tháng, dựng 1 tháng. Tôi đặc biệt cám ơn anh chị em ở Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9 đã lao động hết mình, vượt lên trên sức mình để vở nhạc kịch ra đời”.

Nhạc kịch Hai người mẹ, dựa theo tiểu thuyết Hòn đất của nhà văn Anh Đức. Tác giả & đạo diễn: Nhạc sĩ An Thuyên; phối dàn nhạc nhẹ: Đức Tân, Hồ Hữu Thái, Xuân Phương; biên đạo múa: Hiền Trang, Thanh Tâm; dựng hát: Vũ Hoàng, Tuấn Anh. Vở nhạc kịch gồm 3 màn, thời lượng 90 phút, với 4 nhân vật chính: chị Sứ (Hương Giang đóng), bà Cà Xợi (Mỹ Hằng), Xăm (Hoàng Kha), má Sáu (Hoàng Liên) cùng 2 ông cháu là người dẫn chuyện và tập thể đội hát, đội múa, dàn nhạc.

“Tiểu thuyết Hòn đất là tác phẩm lớn, đặc sắc, một trong những tác phẩm tiêu biểu cho văn học cách mạng Việt Nam, nó có sức sống vững chắc và lâu bền trong mỗi con người VN. Tôi không nghĩ sẽ thể hiện hết những gì Hòn đất đã tạo dựng - quá rộng lớn - tôi chỉ khai thác hình ảnh những người phụ nữ VN nói chung người phụ nữ Nam Bộ nói riêng thông qua hình tượng 2 người mẹ: má Sáu và bà Cà Xợi. Trong khói lửa đau thương họ đùm bọc nhau sống cùng một mái nhà, có 2 người con với 2 cái chết khác nhau nhưng họ cùng chung một nỗi đau mất con và đều cùng chung một sự hy sinh cao cả vì tổ quốc thiêng liêng, có thể chịu mất tất cả chứ quyết không chịu mất nước. Chính họ, những người dân bình thường mà cao cả đó mãi mãi xứng đáng được tôn vinh.
 
Hai chủ đề âm nhạc nhiều trăn trở

“Âm nhạc trong vở diễn được dựa trên chất liệu dân gian và đờn ca tài tử Nam Bộ. Nó là cảm hứng và cũng là động lực trong quá trình sáng tác của tôi. Về tính cách nhân vật tôi hoàn toàn dựa vào tính cách nhân vật trong tiểu thuyết Hòn đất mà nhà văn Anh Đức đã xây dựng rất thành công. Từ đó tôi xây dựng hình tượng âm nhạc khắc họa các tính cách nhân vật riêng biệt theo chủ đề khác nhau. Đặc biệt có hai nhân vật giàu nội tâm nhất là chị Sứ và bà Cà Xợi. Tôi đã tập trung nhiều sức lực nhất để xây dựng chủ đề âm nhạc cho 2 nhân vật này. Một bà Cà Xợi với âm hưởng dân gian Khmer Nam Bộ nhưng đầy kịch tính nội tâm. Một chị Sứ trẻ trung trong sáng, giàu tình yêu thương nhưng ý chí sắt đá, chủ đề âm nhạc cho nhân vật chị Sứ với giai điệu được sử dụng từ những quảng nhảy độc đáo của đờn ca tài tử Nam Bộ (chứ không hoàn toàn dựa vào chất dân gian chung). Vì thế tôi cho rằng âm nhạc cho nhân vật này có thể người Nam Bộ chấp nhận được mà có lẽ người vùng khác cũng không đến nỗi xa lạ.
 
Cảnh trong nhạc kịch Hai người mẹ

Trong nhạc kịch, 2 cái chết của 2 người con là cốt lõi của tư tưởng vở diễn cũng như âm nhạc. Nhạc kịch có 3 màn, tôi dành 2 màn II và III để lý giải 2 cái chết này. Cái chết của chị Sứ là cái chết “thuận”, cái chết của người anh hùng, nhưng nếu không cẩn thận sẽ sa vào kiểu “cao giọng hô hào”. Tôi đã cố khắc họa cái đẹp sâu lắng trong nội tâm của người anh hùng vì nghĩa lớn. Đã rất khó rồi, nhưng cái khó khủng khiếp là việc xử lý cái chết của thằng Xăm. Bà Cà Xợi tự tay mình giết con, hay gọi du kích giết? Tôi đã dành toàn bộ màn III với nhiều thủ pháp âm nhạc và diễn xuất để mô tả nội tâm giằng xé, nỗi đau đến tột cùng của người mẹ. Nhiều phương án âm nhạc đã được viết rồi lại bỏ. Cuối cùng tìm được chìa khóa cắt nghĩa cái chết “nghịch” này. Toàn bộ màn III chỉ để thể hiện mạch tâm lý bà Cà Xợi, bà nói: “Tôi không giết con, tôi giết ác ôn thôi mà”. Và khi bà cầm lấy con dao trong tay thì bà lại kêu to: “Không! Không! Tôi không thể…” rồi bà chạy như cuồng dại trong tiếng “không” xé lòng. Sân khấu còn lại thằng Xăm và cái ác (được các diễn viên múa thể hiện). Chính tội ác của thằng Xăm, cái ác mà nó đã gây ra cho xóm ấp Hang Hòn đã giết nó, nó phải đền tội. Cái ác giết nó chứ không ai khác. Tôi hy vọng khán giả xem vở diễn sẽ đồng cảm được với tôi”.

Để nhạc kịch đi vào đời sống thực tiễn

“Tôi viết nhạc kịch cho đương đại và cho người Việt Nam, cái gì phù hợp cho người biểu diễn, cho công chúng thì tôi sử dụng. Nói như vậy không có nghĩa tôi bỏ qua cái tính bác học của opera truyền thống châu Âu, tôi tiếp thu những gì cần trong kỹ thuật, nhưng đồng thời phải gần người nghe. Hiệu quả tới đâu tôi chưa dám nói trước nhưng một điều chắc chắn là rất gần mọi người.
 
Nhạc kịch Hai người mẹ được phúc khảo vào tối 13/11 tại Nhà hát Quân đội (18 Cộng Hòa, Tân Bình, TP.HCM) và đêm 8/12 nó sẽ được Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9 công diễn tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân (từ 7 đến 15/12/2008 tại Nhà hát Quân đội, Khu Văn công Mai Dịch, Hà Nội).

Năm 2005 vở nhạc kịch Đất nước đứng lên đã được đưa về tận chính buôn làng của anh hùng Núp để biểu diễn, bà con rất vui nói rằng: Hôm nay tưởng ông Núp về… có ông làm ở văn hóa huyện thì nói rằng: Ông An Thuyên ơi! Ông đã đưa opera về buôn rồi đấy.

Năm nay, tôi cũng được biết Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9 dự kiến sau Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân sẽ được Bộ Tư lệnh, Cục Chính trị Quân khu cho đi phục vụ rộng rãi, xuống tận các đơn vị nhỏ, các huyện trong địa bàn… và sẽ diễn lâu dài vở này trong 2 năm 2009-2010. Thật cám ơn các anh đã quyết tâm tin tưởng vào tôi để dựng vở, giờ lại tạo điều kiện để vở diễn đến được với công chúng quê hương Nam Bộ thì thật là quý hóa, mong vở diễn không đến nỗi phụ lòng mọi người”.

Hữu Trịnh (ghi)
-

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm