Nhà văn Thái Bá Lợi: Những “minh sư” của Nguyễn Hoàng thời mở cõi…

12/10/2010 12:56 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tiểu thuyết Minh sư của nhà văn Thái Bá Lợi vừa được NXB Hội Nhà văn và Phương Nam book hợp tác ấn hành. Đây là tiểu thuyết viết về thời Nguyễn Hoàng đi mở cõi với nhiều vấn đề được đặt ra một cách sòng phẳng và hấp dẫn dưới ngòi bút của Thái Bá Lợi.

Nhà văn Thái Bá Lợi chia sẻ: “Chuyện bắt đầu từ nhân vật Đoàn Minh Thành - một người lính trẻ vừa bước ra khỏi cuộc chiến chống Mỹ. Thành nghiên cứu lịch sử chống Mỹ mà mình vừa tham gia, để rồi đi xa hơn về thời Nguyễn Hoàng mở cõi vào Nam.

Có một sự thật lịch sử là khi vào Nam, Nguyễn Hoàng không những xây chùa Thiên Mụ mà còn tạo dựng nhiều già lam khác: chùa Bảo Châu, Long Hưng (Quảng Nam), chùa Kinh Thiên (Quảng Bình), chùa Sùng Hóa (Thừa Thiên)...


Nhà văn Thái Bá Lợi
Trong Minh sư tôi có viết thời niên thiếu Nguyễn Hoàng không có thiện cảm với Phật giáo. Chi tiết này đã được ghi lại trong một vài sử liệu. Trên bước đường lao nhọc mở cõi, chống chọi với mọi thế lực cản đường mình, Nguyễn Hoàng dần dần đến với đạo Phật... Nó như là một sự tiệm tu chứ không phải là đốn ngộ.

Có nhiều cách lý giải hành trình của Nguyễn Hoàng tìm về với cửa Phật. Có thể do thiện duyên ông gặp lại truyền thống của những nhà cầm quyền thời Lý - Trần, có thể do ông lớn lên trong một gia đình gần gũi với Phật giáo, nơi đất Thanh Hóa vốn nổi tiếng với những ngôi chùa do Lý Thường Kiệt xây... Sự giác ngộ của ông không phải có ngay mà nó hình thành từ sự vận động của các sự kiện mà ông trải qua, từ những con người mà ông gặp trong đời, qua đó ông tự hoàn thiện mình để trở thành một minh chủ đảm đương sứ mệnh mà lịch sử trao cho.

Thời các chúa Nguyễn, Phật giáo phát triển rực rỡ ở Đàng trong. Phủ Chúa tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà tu hành trong nước, thỉnh các cao tăng từ Trung Quốc sang, nhiều chùa như Vạn Đức, Chúc Thánh ở Hội An là các trung tâm khắc in kinh điển Phật giáo, các chúa Nguyễn và nhiều quan lại thọ Bồ Tát giới tại gia (tu hành theo hạnh của các bậc Bồ Tát mà không xuất gia)... Nguyễn Hoàng có công đầu trong sự hưng thịnh này”.

* Được biết, ông ẩn mình 3 tháng trong một ngôi chùa ở Vũng Tàu để hoàn tất Minh sư. Có phải ở chùa nhà văn dễ minh triết hơn khi viết Minh sư?

- Năm ngoái tôi có hẳn một mùa an cư (từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Bảy âm lịch) trong một Tịnh viện. Lúc đó tôi đã viết xong Minh sư. Trong mùa an cư tôi thực hành những thời khóa tu tập của nhà chùa, lâu lâu mới giở vài trang sách mình đã viết ra đọc, cũng có sửa chữa chỗ này chỗ khác, không nhiều. Chỉ sau mùa an cư tôi mới yên tâm công bố cuốn sách. Qua một mùa an cư người ta thường tịnh tâm và tỉnh táo hơn. Còn “minh triết” là cả một chuyện khác, lớn lao hơn nhiều.

* Nhân vật Nguyễn Hoàng trong tiểu thuyết đi giữa lằn ranh: là một anh hùng mở rộng bờ cõi về hướng Nam nhưng lại là anh hùng “bất đắc dĩ” vì sợ anh rể Trịnh Kiểm sát hại nên mới vào Nam. Ông mất 5 năm viết Minh sư chỉ nhằm lý giải “lằn ranh” này về chúa Nguyễn Hoàng?

- Những “lằn ranh” trong cuộc đời như xấu - tốt, sáng - tối, cao thượng - lố bịch... thì các bậc hiền giả đã nói nhiều rồi. Ở Nguyễn Hoàng chẳng có “lằn ranh” nào như vậy. Đơn giản là để giữ cho dòng họ Nguyễn không bị họ Trịnh tận diệt, ông tìm mọi cách để thoát thân, mà cách để Trịnh Kiểm có thể chấp nhận được là xin vua Lê Anh Tông vào trấn thủ Thuận Hóa, vùng biên viễn loạn lạc và đầy bất trắc.

Ở đây cũng có sai lầm của Trịnh Kiểm. Thay vì tống khứ một địch thủ đi thật xa thì lại trao vào tay địch thủ ấy vùng đất sau này thành một vương quốc. Nguyễn Hoàng là người trí lực không thể không nắm lấy thời cơ ấy. Như tôi đã để ông nói với hai người lính trên núi Hải Vân: “Nào ta có nghĩ được chuyện mở cõi như giờ đâu, nhưng nếu gặp vận không làm là có tội”.

* Như ông “định nghĩa”: Minh sư là những ai dám “phản biện”, kể cả kẻ thù của chúa Nguyễn Hoàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận “minh sư” như thế?

- “Minh sư” nghĩa thông thường là người thầy sáng suốt. Theo Phật giáo, bậc minh sư là những người tu hành có đủ phương tiện để giáo hóa đệ tử của mình và những người đến học đạo một cách rành rẽ, chính xác, minh bạch, không sai lạc.

Trong tiểu thuyết này, qua Nguyễn Hoàng khái niệm “minh sư” được mở hơn: “Không phải chỉ có những người gần gũi ta, những người nói hợp với lòng ta, mà ngay cả những người nói điều trái ý ta, cả những người muốn hại ta, kẻ thù của ta, họ đều là những bậc thầy sáng suốt của ta, ta tri ân họ vì họ dạy ta nhiều điều...”. Và theo cảm nhận của Thành về Nguyễn Hoàng “Một thời người ta xóa tên ông khỏi những trường học, những công trình, những con đường mà người trước đặt ra để nhớ ơn ông. Nhưng nếu bây giờ có sống lại ông sẽ nói ngay rằng cả chuyện đó cũng là minh sư của ta và ông sẽ nở một nụ cười xả bỏ...”. Nhưng chúng ta không nên đi xa quá nữa vì như vậy nó sẽ bớt đi chất thơ của nhân vật. Anh có đồng ý thế không?

* Xin cảm ơn ông!

Trần Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm