Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Dị hương lên tiếng... bảo vệ đàn ông!

18/10/2009 10:05 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - 9 truyện ngắn trong tập Dị hương của nhà văn “đã sang mùa thu cuộc đời” Sương Nguyệt Minh đang gây đình đám trong dư luận. Với mô-típ đặt những thân phận “đôi đũa lệch” những cặp tình cọc cạch cạnh nhau, các câu chuyện tưởng như rất đời thường lại đầy ắp hơi thở thời đại, không chỉ gây xúc động cho người đọc, mà còn tạo nên một dấu ấn mới mẻ về nghệ thuật… TT&VH đã có cuộc trò chuyện với anh về tập truyện này.


Nhà văn Sương Nguyệt Minh
* Nhà văn Y Ban đánh giá cao truyện ngắn Đêm Thánh vô cùng nhưng lại cho rằng truyện ngắn lịch sử Dị hương không mới. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lại khẳng định: “Nhà văn không nhất thiết phải viết hay hơn người khác, nhưng đến một lúc nào đó, nhà văn phải viết khác mình. Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã làm được điều này”. Dị Hương đã “khác” những tập truyện ngắn trước đây của anh như thế nào?

- Quan niệm mới trong sáng tác, mỗi người chủ trương một kiểu. Với tôi viết khác tôi trước đây đã là đổi mới rồi.

Trước đây, tôi viết chủ yếu về chiến tranh và nông thôn. Bây giờ, không gian nghệ thuật mở rộng ra đến “dở phố dở quê”, thậm chí ngược dòng lịch sử để viết về nhân vật Nguyễn Ánh.

Từ lâu, bút pháp chủ yếu của tôi là hiện thực và lãng mạn. Một hiện thực có những số phận đau đớn, những va đập dữ dội, thậm chí có những nỗi buồn u ám. Nhưng, nhìn chung vẫn yêu đời, yêu người, ấm áp, nhân tình, không bi lụy, sướt mướt. Văn chủ yếu là kể và tả, có chút nghiền ngẫm. Đã xuất hiện chất kỳ ảo ở Mười ba bến nước; nhưng chưa thật sự rõ rệt. Đến tập truyện ngắn Dị hương thì chất kỳ ảo đậm đặc hơn, mà tác phẩm Đồi con gái Dị hương là những ví dụ điển hình nhất. Ở đó hội tụ được hiện thực - lãng mạn và kỳ ảo. Nhà phê bình Văn Giá thì nói rằng, có cả yếu tố siêu thực nữa.

* Sự hoài nghi thói tráo trở, bạc tình của phụ nữ xuất hiện ở nhiều truyện ngắn trong tập Dị hương. Nạn nhân của những người phụ nữ ấy là những ông chồng, những người tình khù khờ, “ngây thơ đến tội nghiệp”. Dường như những câu chuyện của anh “phản” lại những nét “truyền thống” người phụ nữ Việt?

- Thì rõ là những chuyện bạc tình ấy nó không nằm trong phạm trù đạo đức truyền thống phụ nữ Việt Nam rồi. Tôi muốn làm một việc là đưa thực trạng cuộc sống đau lòng ấy lên trang sách qua cái nhìn khách quan của nhà văn.

Đàn ông yếu đuối lắm. Tôi muốn nói hộ nỗi ẩn ức, dày vò của họ - những người đàn ông hèn đớn, tội nghiệp... khi cái xã hội “nam quyền” đang dần dần “yếm thế”.


* Trong Dị Hương, truyện ngắn Đàn bà viết về người vợ nhân ái, cưu mang cô gái trẻ - người tình của chồng mình: giặt “áo thun vàng, bộ đồ underwear hiệu Triumph màu đỏ và quần bò đũng đẫm máu”, đưa đi nạo hút thai sót... Trong lúc cô gái trẻ đó không có nơi trú ngụ thì người vợ lại nhân ái đến mức cho tình địch ở trong nhà mình làm người giúp việc. Hóa ra, người vợ rất cao tay, đáo để biến người tình của chồng thành ô sin hầu hạ gia đình mình, cho người chồng một bài học nhớ đời?

- Đúng thế! Đàn bà rất ghê gớm. Đàn ông hãy cảnh giác. Nhưng, chị cứ đọc kỹ mà xem, thực ra thì người vợ làm thế là vì rất thương chồng mình đấy.

* Cái kết truyện ngắn Đàn bà, anh cố tình “bỏ lửng”đến chỗ người chồng về bất ngờ gặp người tình đang làm công việc ô sin trong nhà mình, rồi anh... dừng bút. Có phải là đàn ông nên anh không muốn viết người đàn ông bẽ bàng trước mặt vợ và người tình, hay đó là chiêu của một nhà văn “gừng già”, hay sự “đỏng đảnh” của một cây viết chín muồi?

- Kết truyện ngắn Đàn bà là cái kết mở. Bạn đọc có thể tưởng tượng ra sau đó: người chồng sẽ sợ hãi vợ và nhận lỗi hay rũ tay chối bỏ người tình? Cô bé sẽ van xin hay ngẩng mặt cao đầu lạnh lùng bước ra khỏi chốn ấy...? Và người vợ sẽ ứng xử với chồng thế nào?... Thì tùy mỗi bạn đọc tưởng tượng ra một kiểu diễn biến câu chuyện. Lúc ấy, bạn đọc cũng là người sáng tác...

Tôi có ý thức sáng tác như thế. Nó là một thủ pháp kết truyện mà bất cứ nhà văn nào có bản lĩnh thì cũng đều làm được một cách bình thường.

* Vâng! Xin cảm ơn nhà văn!

Thủy Anna (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm