Nhà văn Phùng Văn Khai & 'siêu phẩm' tiểu thuyết lịch sử

06/09/2015 14:13 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - “Người viết đang mạnh dạn tìm tòi và chúng ta hãy nên trân trọng họ, nhà văn phải biết bay qua vùng đất khó”, nhà văn quân đội Phùng Văn Khai hào hứng chia sẻ khi nói về tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương của mình vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Sinh năm 1973, quê Hưng Yên, đất nhãn nên tình đẫm, văn đậm là đương nhiên, “mỗi lần mệt mỏi về quê đánh sạch cả thúng nhãn”, năng lượng lại đầy ắp ứ, lúc đó công việc viết lách nó sẽ nhẹ nhõm, trơn ngọt hơn rất nhiều, nhà văn Phùng Văn Khai cười rổn rảng và “thổn thức” hé lộ quá trình viết tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương.

Sự mê dẫn của sáng tạo

Tiểu thuyết Phùng Vương được viết theo kiểu chương hồi, từ hồi thứ nhất đến hồi thứ ba mươi hai, khắc họa chân dung những người anh hùng dân tộc như Phùng Hạp Khanh, Phùng Hưng, Phan Đường, Phùng Hải, Đặng Siêu… những trận đánh vang dội, trấn ải giữ thành trước quân giặc của Phùng Vương cho đến khi ông lên ngôi Quân trưởng.

Việc tái hiện lại lịch sử của một thời đại đã qua đi hàng ngàn năm với kho tư liệu gần như là “rỗng”, việc khan hiếm tư liệu lịch sử luôn là thách thức lớn với người cầm bút. Có nhiều phương cách để tiếp cận lịch sử dưới con mắt văn chương.

Có người viết chọn cách thông qua giấc mộng để kể lại, dễ giãi bày với độc giả rằng mộng ngắn nên văn nó thế hoặc bám víu vào những sự kiện, con số thô cứng của quá vãng mà quên mất văn chương là sự mê dẫn đến vô cùng của sáng tạo.


Nhà văn Phùng Văn Khai

Với tiểu thuyết Phùng Vương khá đồ sộ, tác giả đã khôn ngoan khi chọn kiểu viết chương hồi, vì vậy tạo được tiếng vỗ, nhịp đập hấp dẫn của tác phẩm.

Người đọc bị cuốn trôi theo giữa những chính sử và huyền tích sương mù, sự dũng mãnh, mưu trí của các tướng theo Phùng trại chủ như Bồ Phá Giang, Đỗ Lăng, Phạm Cương dày dặn trận mạc khó người sánh kịp, bao phen khiến quân giặc khiếp vía.

Nhiều người nói vui là “lịch sử chỉ có gió và gió”, thật không dễ dàng khi đi đưa bàn tay và khối óc vào quá khứ, nhất là đối với những sự kiện chưa phải thời điểm xoáy sâu, những chi tiết mà ngay cả giới sử học cũng đang còn chưa dễ dàng thống nhất.

Tiểu thuyết Phùng Vương tái hiện lịch sử sống động mà sâu kín, giữa đao binh ngàn năm mà thấy lãng đãng, quẫy sóng trước mặt.

Sự dụng công tài tình của nhà văn Phùng Văn Khai đã mang lại tiếng vang, sự ám ảnh lịch sử của tiểu thuyết trong lòng độc giả, tạo dựng được biểu tượng bất khuất, tinh thần quả cảm của cha ông trong hành trình dựng nước và giữ nước.


Bìa cuốn tiểu thuyết lịch sử "Phùng Vương"

Đến “siêu phẩm” tiểu thuyết lịch sử

Đọc Phùng Vương, dễ nhận thấy Phùng Văn Khai biết rõ những tư liệu liên quan từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn học, văn hóa, triết học, tôn giáo của thời kỳ đó.

Việc tìm kiếm tư liệu qua các truyện kể trong dân gian, các gia phả, tộc phả, bi ký, những tài liệu trong phật giáo đã đủ nhọc nhằn, nếu không quả cảm, đắm mê, làm sao nhà văn Phùng Văn Khai có thể vừa điền dã, vừa viết “văn chương hạ giới”, lại phải lo toan cuộc sống cơm áo thường nhật.

Phùng Văn Khai cho biết nếu chỉ trông chờ vào bất kỳ một bút pháp nào đó để lôi cuốn độc giả thì có lẽ nhà văn đã hồn nhiên quá. “Nghệ thuật vốn vô cùng mà những gì lớp người đi trước đạt được đã khổng lồ như một bức tường chắn khiến ai không có tài và can đảm sẽ cảm thấy choáng váng”. “Văn chương là một thứ gì đó đôi khi cao hơn cả tài năng và tâm huyết, nhưng không có nghĩa là mình chùn bước trước những thách thức ấy”.

Dường như được trao sứ mệnh, Phùng Văn Khai đắm mình trong trang viết, cẩn trọng khơi nguồn, so sánh, phân giải và kiến tạo nên những chương hồi hấp dẫn đến khó tin của tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương và tác giả đã thành công với “siêu phẩm” của mình.

Tiểu thuyết Phùng Vương bìa cứng, khổ to và khá nặng, không có một dẫn nhập giới thiệu vắn tắt kiểu “hình thành và phát triển” hoặc sơ đồ hóa như kiểu khảo cứu, khiến độc giả khá e dè khi cầm trên tay lật mở vì ngại đọc bởi sự dày dặn đến 638 trang. Nhưng rõ ràng, khi “bập” vào Phùng Vương khó có thể buông mắt bởi những nút thắt mở tinh quái có nghề.

Phải chăng Phùng Văn Khai học theo cách của Trần Thanh Mại khi viết cuốn Ngô Vương Quyền “nhà ảo thuật, một khi đã nói rõ mánh khóe của mình rồi, thì không còn mong được ai hoan nghênh nữa”.

Khúc Link Hương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm