27/08/2015 06:45 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sau một năm sang Mỹ định cư, “nhà văn nông dân” Ngô Phan Lưu vừa về Việt Nam và quyết định sẽ không đi Mỹ nữa.
Ở tuổi ngoài 70, Ngô Phan Lưu ở Mỹ “rảnh và sung sướng quá”, trong khi máu nông dân hay làm lụng quanh năm trong ông cảm thấy… “khó chịu”. Ông cho biết đã sẵn sàng với chuyên mục “Cà phê nông dân” trên báo Thể thao & Văn hóa mà ông gắn bó một thời gian dài. Viết và thành danh khi ngoài 60 tuổi, Ngô Phan Lưu cho rằng ông viết cũng giống thời trẻ đi cày.
* Từ góc nhìn của một “nhà văn nông dân”, ông thấy nước Mỹ như thế nào sau một năm rời khỏi “lũy tre làng” đến xứ phù hoa?
- Sau một năm sống ở Mỹ, từ góc độ nhỏ nhoi của một nhà văn nông dân, tôi thấy nước Mỹ trước hết là một xứ sở của sự tử tế. Rồi sau đó mới là nơi tự do, giàu có và văn minh tiến bộ.
Những nhận xét trên không hề trừu tượng mà cụ thể đến mức tôi đã thấy và gặp hàng ngày trong cuộc sống của mình. Sự tử tế ở đây có nhiều và không bóp còi, chúng giống như vô số ô-tô lặng lẽ nối đuôi nhau ngày đêm không ngừng nghỉ.
Dĩ nhiên, dân Mỹ họ không cho tiền cho bạc mình đâu, nhưng họ tử tế. Họ sốt sắng giúp đỡ mình với phong cách đơn giản và hiệu quả nhất, hoàn toàn không màu mè và ơn nghĩa. Ví như lúc tôi đến Reno chơi. Đó là một “thành phố nhỏ lớn nhất thế giới” thuộc bang Nevada. Từ phòng khách sạn đi thông sang khu ăn chơi cờ bạc, quả là một hệ thống hang chuột, không có ngày đêm và bầu trời trên đầu.
Đến lúc về, không thể tìm vị trí chính xác thang máy về phòng. Tôi bèn nói số phòng, tên khách sạn và hỏi ông bảo vệ. Tôi được ông ta niềm nở dẫn đến thang máy ấy. Ông ta vào thang máy cùng tôi, nhấn nút tầng của khách sạn. Thậm chí còn ra thang máy và dẫn tôi đến cửa căn phòng ấy. Chờ tôi tra thẻ khóa điện từ mở được hay không. Rồi mới về chỗ cũ nơi đại sảnh tầng ba. Ông ta không quên chúc tôi vui vẻ trong thời gian ở đây. Ông ta làm việc này với một sự hoan hỉ tràn trề.
Vấn đề ăn mặc ở Mỹ, tức thực phẩm và quần áo quả thật nơi đây dư thừa. Còn hệ thống đường sá giao thông thì không thể nào chê được. Đâu ra đấy, rất nề nếp và nghiêm túc. Đại khái là thế, khó nói hết trong vài dòng.
* Nhiều người thắc mắc, lão nông nhà văn Ngô Phan Lưu ở tuổi 70 đi Mỹ định cư làm gì và đi thuộc diện nào?
- Vợ chồng con trai tôi ở Mỹ, chúng biết rõ ở Mỹ có chế độ y tế lo cho người già rất tốt và hoàn toàn miễn phí kể cả những phẫu thuật lớn nếu cần. Hơn nữa, chúng dư sức nuôi dưỡng cha mẹ già. Và trên hết, chúng muốn bố mẹ biết thế giới văn minh bên ngoài quê hương mình như thế nào.
Thế nên chúng bảo lãnh vợ chồng tôi sang Mỹ. Chúng muốn bố mẹ cứ ở Mỹ xem sao, nếu điều kiện khí hậu không thích hợp cho sức khỏe thì xin về lại ở Việt Nam cũng không sao cả. Chữ hiếu của chúng giản dị và cụ thể là vậy. Thế là vợ chồng tôi đồng ý.
Hơn nữa, ước mơ du lịch thế giới luôn thôi thúc ở cuối đời trong tôi. Không có gì khuất tất và khó hiểu ở đây cả. Tất cả đều sáng trưng, hợp lý và tốt đẹp.
* Ông có thể so sánh đôi chút về đời nông dân của ông và đời nông dân ở Mỹ?
- Làm sao tôi có thể so sánh đời nông dân của tôi với đời nông dân ở Mỹ trong khi tôi chỉ sống một năm ở thành phố San Jose. Nhưng theo tôi biết và nhìn thấy thoáng qua trên các ngả đường đi qua các nông trại, những người nông dân chủ các vườn cam, nho, ngoài ô-tô, họ sắm thêm máy bay riêng, cho thuận tiện việc kinh doanh trồng trọt.
Nơi những vườn cây, họ luôn chở tới những nhà vệ sinh di động dựng thành hàng cho nông dân đang làm việc sử dụng. Cây cối họ trồng luôn thẳng hàng và độ cao bằng nhau, trông rất đẹp mắt. Những đàn bò sữa, bò thịt ung dung gặm cỏ khô trên những ngọn đồi màu nâu trông thanh bình và đẹp như những bức tranh. Cuộc sống nông dân Mỹ dĩ nhiên cao hơn nông dân mình rất nhiều. Họ đã cơ giới hóa đến những công đoạn nhỏ nhất của nông nghiệp.
* Ông từng có nhiều truyện ngắn ví như truyện Làng quê biến mất viết về nông thôn Việt trong thời đô thị hóa. Vậy nông thôn của Mỹ, tình làng nghĩa xóm của họ có gì khác biệt với người Việt chúng ta ở những điểm cơ bản?
- Tôi chưa đủ sức để trả lời câu hỏi này, vì lẽ tôi chưa từng sống ở nông thôn Mỹ. Nhưng chắc có lẽ họ cũng tình làng nghĩa xóm chứ. Rồi có thể họ cũng làm biến mất chúng đi. Rồi họ cũng sẽ tìm chúng lại. Nông thôn ở quốc gia nào chả vậy.
Sự thăng trầm của tiến hóa có thể làm dị dạng tình cảm của nông dân, nhưng rồi họ sẽ buộc tự điều chỉnh để hài hòa và giữ vững. Cuộc sống luôn tốt đẹp ở phía trước. Đó là đích đến và là chân lý hiển nhiên. Không việc gì phải lo lắng.
* Sau một năm sống ở Mỹ, lần trở về này hẳn là ông đã có thêm chất liệu để trình làng tác phẩm mới. Ông có thể tiết lộ đôi chút về tác phẩm này với bạn đọc Thể thao & Văn hóa?
- Thú thật, một năm sống ở Mỹ tôi không viết một chữ nào. Không muốn viết. Có lẽ phải có một độ lắng cần thiết của chất liệu sống mới viết hay được. Năm qua, ở Mỹ chủ yếu là đi chơi và học nói tiếng Anh cho vui.
Học được 8 tháng ở Trường Independence Adult Education Center mới thấy trình độ tiếng Anh thời học ở trung học, đại học ngày xưa, và lai rai tự học suốt 20 năm qua của mình có quá nhiều lỗ hổng. Chúng lủng và trống hoác như chiếc giỏ thưa. Mình nói họ không nghe được, và họ nói mình không hiểu gì. Phải học lại từ a, b, c… và rà soát lại toàn bộ nền tảng căn bản tiếng Anh của mình.
Học thấy vui vì nhận ra mình dốt, và học cho bớt thời gian ở không để sống được khỏe. Lạ thật, già rồi biết học chẳng để làm gì, vậy mà học đâu nhớ đấy. Còn lúc trẻ cần tiếng Anh để làm việc, thì học đâu quên đấy. Hóa ra, việc gì cũng thế.
Không cần nó thì nó mới ở với mình. Còn như quá cần thiết nó thì nó chuồn mất. Còn lại 4 tháng không học thì đi chơi bang này bang nọ. Đi một ngày đàng học một sàng hay. Ở Mỹ một năm, bản thân chỉ có tốt, không có gì hư đốn.
* Ông từng giữ mục “Cà phê nông dân” trên báo Thể thao & Văn hóa, chuyên mục này được rất nhiều bạn đọc đón đọc hàng tuần. Vì ông đi Mỹ và vì lý do sức khỏe nên phải gác lại. Sau khi “đổi gió” một năm ở Mỹ, ông có sẵn sàng trở lại với “Cà phê nông dân” và ông muốn nói điều gì với bạn đọc chuyên mục này của mình?
- Tôi đã được báo Thể thao & Văn hóa ưu ái cho giữ mục “Cà phê nông dân” trong một khoảng thời gian dài và rất cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm.
Tôi thích giữ mục này vì độ ngắn của số lượng chữ và độ rộng của đề tài, rất thích hợp với tạng văn học của tôi. Nếu quý bạn đọc còn thích nó, và quý báo có nhu cầu mở lại, tôi có thể trở lại đảm trách chuyên mục này với một phong cách mới, nghĩa là với một tư duy sinh động hơn.
* Tại đô thị nhỏ bốn mùa lộng gió Tuy Hòa (Phú Yên) quê ông, trong khoảnh sân nhà mình, vợ chồng ông có mở quán “cà phê cóc”. Lần này ông có tiếp tục với quán cà phê cóc để mỗi sáng đón bạn văn từ khắp nơi đến nhâm nhi chuyện trò như lâu nay hay không?
- Quán cà phê vẫn mở, nhưng nay tôi giao cho con trai út đảm trách. Còn tôi là cha thì vẫn giữ vai trò chỉ đạo tinh thần tối cao. Bạn văn chương các nơi vẫn đến đều đều như ngày cũ.
Các bạn nơi khác trong cả nước, khi ngang qua thành phố Tuy Hòa xinh đẹp, vẫn đến thăm quán và nhâm nhi cà phê như xưa. Một năm vắng nhà, bạn bè vẫn không có gì thay đổi. Mình tử tế và chân thật thì bạn bè họ vững bền. Đơn giản thế thôi.
* À, trước khi đi Mỹ, ông từng tập bỏ thuốc lá bằng cách hút thuốc lá điện tử. Xin hỏi ông đã bỏ được thuốc hay chưa và ông có lời khuyên gì cho những người hút thuốc lá?
- Kinh nghiệm bản thân tôi thấy rằng, hút thuốc lá điện tử để bỏ hút thuốc lá truyền thống là một việc làm luẩn quẩn. Bạn bỏ được cái này thì bạn lại nghiện cái kia. Hỏng bét. Tránh cái đó thì gặp cái đơm.
Muốn bỏ thuốc lá, và kể cả nhậu, bạn cứ qua Mỹ sống một năm là bỏ hai thứ đó ngay. Tôi đoan chắc như vậy. Nhưng kể ra, hút thuốc lá cũng vui và có cái ngon nhất định của nó.
Uống một ly cà phê mà không phì phà một điếu thuốc, cũng như chén mắm không có trái ớt thì kém ngon. Thỉnh thoảng lai rai vài điếu và đừng hút nhiều quá thì cũng chả sao. Cả năm ở Mỹ không hút điếu nào, xuống máy bay gặp anh em ở Sài Gòn lai rai vài điếu thấy vui, và ngon lạ kỳ. Vậy thì cũng chả sao.
* Nghe nói sau chuyến đi Mỹ trở về, ông có ý định sẽ ở lại quê nhà. Phải chăng vì hồn vía ông đã gắn với bờ tre thửa ruộng nên không thể thích nghi với cuộc sống ở Mỹ?
- Ở Mỹ tuy cuộc sống có cao, dịch vụ y tế có tốt, tôn trọng tối đa sự đa dạng văn hóa, quý trọng tài năng, nhưng vì mình cao tuổi, không ai cho làm việc gì để kiếm tiền nên cũng buồn. Không cho bận rộn mưu sinh cũng chán mớ đời.
Dường như hạnh phúc không nằm trong sự thảnh thơi, mà nó nằm trong sự phấn đấu để được thảnh thơi. Thế nên, ở quê nhà vẫn là nơi hạnh phúc nhất.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất