09/10/2024 06:41 GMT+7 | Văn hoá
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thường được bạn đọc biết đến với những sáng tác về đề tài chiến tranh và quê hương. Tuy nhiên, nếu tiếp cận thêm ở mảng thơ thiếu nhi, sẽ thấy được trọn vẹn hơn chân dung nhà thơ.
Bài Hoa bìm mang tình cảm êm đềm về tuổi thơcủa Nguyễn Đức Mậu đã được đưa vào sách Ngữ văn 6, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo.
"Quê tôi có rất nhiều hoa bìm"
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu sáng tác bài thơ Hoa bìm vào khoảng năm 1990, khi ông còn làm biên tập trang thơ cho tạp chí Văn nghệ quân đội. Được hỏi về hoàn cảnh sáng tác bài thơ này, ông hoài niệm về một quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời mình, để rồi những cảm xúc ấy một cách tự nhiên dẫn ông miên man trong ký ức của những ngày còn ở làng quê cũ.
Ông tâm sự: "Hoa bìm gắn liền với quê hương và tuổi thơ tôi, vì quê tôi có rất nhiều. Tôi thường nhớ về những ngày bé rong chơi cùng bạn bè và sắc tím xanh của hoa bìm luôn có mặt trong bước chân của chúng tôi".
Có lẽ vì thời thanh niên kinh qua trận mạc, ông càng quý tuổi thơ thanh bình của mình. Những câu thơ về tuổi thơ của ông yên ả quá: "Rung rinh bờ giậu hoa bìm/Màu hoa tim tím tôi tìm tuổi thơ/Có con chuồn ớt lơ ngơ/Bay lên bắt nắng đậu hờ nhành gai". Bài thơ lại được tiếp nối bằng những câu thơ hay liền đó: "Có cây hồng trĩu cành sai/Trưa yên ả rụng một vài tiếng chim/ Có con mắt lá lim dim/Cánh diều ai thả nổi chìm trên mây".
Làng quê Việt Nam đâu đâu cũng có những hình ảnh giống trong bài thơ Hoa bìm, như tiếng chim, cành lá, cánh diều... nhưng sự độc đáo nằm ở cách dùng từ, "con mắt lá", "thả nổi chìm trên mây", "rụng một vài tiếng chim"… là những hình ảnh và âm thanh thực sự thú vị. Làm thế nào để một người đàn ông khi ấy tuổi đã ngoài 40 mà có trí tưởng tượng thơ mộng đến vậy?!
Nói Hoa bìm là bài thơ viết cho thiếu nhi là không hoàn toàn chính xác. Nó là bài thơ về thuở thiếu thời của tác giả trong lúc ông "đi tìm tuổi thơ tôi" thì đúng hơn. Vì thế, Hoa bìm rất dễ nhận được sự đồng cảm của độc giả lớn tuổi, những người đem theo ký ức làng quê trong suốt hành trình sống của mình.
Khi đặt câu hỏi cho tác giả, rằng: "Không gian trong bài thơ đã rất khác với cuộc sống hiện tại nên ông có lo rằng học trò sẽ không cảm nhận được trọn vẹn tác phẩm của mình không?" Câu trả lời thật hiền từ: "Làm thơ là viết cho mình, với những cảm xúc riêng của mình, còn cảm thụ tinh tế, nông sâu thế nào là tùy tâm hồn của mỗi độc giả".
Lưu trữ sự bình yên
Biết được bề dày trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đức Mậu, có thể nhiều bạn đọc sẽ nghĩ sáng tác về đề tài chiến tranh là quan trọng và viết cho thiếu nhi chỉ là khi ông muốn tìm đến sự yên ả để cân bằng cảm xúc của mình. Tuy nhiên, ông tiết lộ rằng, thơ thiếu nhi cũng là một mảng sáng tác quan trọng của ông. Nhà thơ rất hạnh phúc với tâm trạng trẻ trung, tươi mát mà mình có được sau mỗi lần hoàn thiện một bài thơ thiếu nhi.
Ngoài Hoa bìm, nhiều bài thơ thiếu nhi khác của ông cũng xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa, có thể trích một số câu rất thơ mộng để ví dụ: "Mùa Xuân hạt mưa đi chơi/Hàng cây chải tóc hoa tươi cài đầu/Đon mạ chạy ra đồng sâu/Đan trên mặt nước một màu thảm xanh" (bài Mùa Xuân); "Mùa Thu xanh/Xanh cả vào ngọn gió/Cao nguyên xanh/Thảm cỏ dâng đầy/Xanh cả tiếng đàn bò gọi bạn/Xanh mảnh trăng liềm/Ai thả/Giữa đồng mây?" (bài Thu xanh). Hoặc các bài rặt một vần, như Đom đóm: "Đỉnh đèo đá đã đêm đen/Đom đóm đủng đỉnh đeo đèn đi đâu..."; bài Mùa măng: "Mùa măng mở mắt mong mưa/Mầm mầm mập mạp mởn mơ mỡ màu".
Nguyễn Đức Mậu cho rằng thơ thiếu nhi phải có tính giáo dục, chính xác hơn là giúp các bé cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống, nhưng chức năng giáo dục phải được đưa vào thơ một cách kín đáo, tế nhị, chứ không thể thô thiển. "Khi ấy, tính giáo dục như một mạch nước ngầm nhẹ nhàng chảy vào tâm hồn các cháu để từ đó các cháu sẽ bước vào thế giới một cách trong trẻo hơn" - nhà thơ tâm sự.
Với kinh nghiệm sống của mình, Nguyễn Đức Mậu hiểu rằng, thế giới sẽ mở những cánh cửa khác nhau để đón từng người và biến cố lúc nào cũng có thể ở phía trước, nên hiện tại ông vẫn thích sáng tác thơ thiếu nhi- như một cách lưu trữ sự bình yên cho mình mỗi khi muốn tìm về và cho cả độc giả của ông. Vì vậy, ông thường tự "cấp vé" cho mình để trở về với tuổi thơ, sống trong cảm giác an lành.
"Vì đam mê và trữ lượng trong tâm hồn tôi còn nhiều. Những điều ấy thúc giục tôi viết" - Nguyễn Đức Mậu.
Đam mê và trữ lượng còn nhiều
Nếu những ai chưa có duyên tiếp cận với thơ Nguyễn Đức Mậu, chỉ cần nhắc đến bài thơ Màu hoa đỏ chắc chắn sẽ được "ồ à", vì đã nghe qua. Có thể nói đó là một trong những bài thơ được độc giả biết đến nhiều nhất và cũng đã để lại cho tác giả nhiều kỷ niệm.
Bài thơ ra đời sau cuộc bàn bạc của ông và nhạc sĩ Thuận Yến về việc viết một ca khúc để tưởng nhớ những người lính nằm xuống ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Đều là những người lính, từng trải cuộc sống quân ngũ, chứng kiến trận mạc, nên bài thơ được viết rất nhanh, việc phổ nhạc cũng vậy, rất nhanh chóng.Tác phẩm ra đời năm 1991 và biết bao nhiêu người đã rơi nước mắt khi nghe bài hát này.
Nhớ về những ngày đầu cầm bút, Nguyễn Đức Mậu kể, ông tập tành làm thơ từ thuở cắp sách đến trường cùng với sự động viên của những người đi trước. Học xong trung học, ông đi lính và hành trang mang theo là một tâm hồn thơ tươi trẻ. Ông vừa ra trận vừa làm thơ, chủ yếu viết về đồng đội mình. Viết về chiến tranh và người lính như một trọng trách mà số phận giao phó, bởi có thể viết gì khác khi mà cảm xúc về những ngày chinh chiến trong ông không lúc nào nguôi. Làm sao ông quên được cái đêm Đông mà ông cùng đồng đội đem chôn một người đồng đội khác vừa hy sinh, trên đường về nhìn thấy những cây thông bị đánh bom cháy ông nghĩ đó chính là những nén nhang cho bạn bè mình. Có lẽ những tác phẩm của ông cũng chính là những nén nhang mà lòng ông thắp lên mỗi khi nhớ về đồng đội của mình.
Ở tuổi gần bát thập, Nguyễn Đức Mậu vẫn sáng tác đều đặn. Cuối năm 2023, ông đã giới thiệu tới độc giả 3 tựa sách: 1 tuyển tập thơ, 1 tuyển tập trường ca dày khoảng 500 trang và 1 tập thơ mỏng Có tiếng ai gõ cửa?. Hỏi ông điều gì giúp ông vẫn viết không ngừng nghỉ, ông bảo: "Vì đam mê và trữ lượng trong tâm hồn tôi còn nhiều. Những điều ấy thúc giục tôi viết".
Cả một đời cần mẫn khai thác "trữ lượng trong tâm hồn", Nguyễn Đức Mậu đã cho ra đời gần 20 tập thơ và 6 tập văn xuôi, phần nhiều được giới chuyên môn đánh giá tốt. Cũng chính những thúc giục ấy đã khiến ông trăn trở về việc sáng tác của mình, qua các câu thơ sau đây trong tập Có tiếng ai gõ cửa?: "Một lối đi khác, một cách nhìn khác/Thật nhọc nhằn đáy bể mò kim/Cái mới nhiều khi ngoài tầm với/Chặng đường xa mệt mỏi kiếm tìm".
Khi nhà thơ Nguyễn Đức Mậu vẫn đang bồi đắp năng lượng để đi kiếm tìm điều mình muốn, biết đâu độc giả sẽ tiếp tục được thấy cái mới mẻ trong các sáng tác của ông ở tương lai.
Vài nét về nhà thơ Nguyễn Đức Mậu
Sinh năm 1948 tại Nam Định. Các bút danh khác: Hương Hải Hưng, Hà Nam Ninh...
Các tác phẩm tiêu biểu gồm thơ, trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình, tiểu luận: Mưa trong rừng cháy, Bão và sau bão, Cánh rừng nhiều đom đóm bay, Mở bàn tay gặp núi, Tuyển tập thơ, Có tiếng ai gõ cửa?, Con đường rừng không quên, Tướng và lính...
Các giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Giải thưởng Văn học ASEAN, 3 giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất