09/01/2023 20:30 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Các Hoàng đế nhà Thanh không dám trao quá nhiều quyền lực cho gia tộc này vì sợ lời nguyền từ thời tổ tiên sẽ ứng nghiệm.
Có một quy tắc trong triều đại nhà Thanh là hậu cung của Ái Tân Giác La thị không cho phép Diệp Hách Na Lạp thị nắm quyền. Mặc dù đã có một số phi tử thuộc tộc Diệp Hách Na Lạp trong suốt thời Thanh triều, nhưng họ chưa bao giờ đạt được địa vị và quyền lực lớn. Tại sao lại như vậy?
Gia tộc Ái Tân Giác La và gia tộc Diệp Hách Na Lạp là thù địch. Ban đầu, thủ lĩnh của Ái Tân Giác La muốn gia tộc Diệp Hách Na Lạp phục tùng mình nên đã đi đầu phát động chiến tranh. Vào thời điểm đó, tộc Diệp Hách Na Lạp thậm chí còn hùng mạnh hơn, đánh bại tộc Ái Tân Giác La và trở thành bộ tộc lớn nhất ở vùng Đông Bắc. Kết quả là Diệp Hách Na Lạp cũng đã trở thành họ chung của người Mãn.
Dưới sự lãnh đạo của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Ái Tân Giác La thị ngày càng hùng mạnh. Tộc người Kiến Châu Nữ Chân được Nỗ Nhĩ Cáp Xích cầm đầu cuối cùng đã đánh bại tộc Diệp Hách và giết chết thủ lĩnh tộc này. Trước khi thủ lĩnh Diệp Hách chết, ông đã nguyền rủa: "Con cháu của ta, cho dù có là con gái, chúng cũng sẽ áp đảo Mãn Châu!".
Kể từ đó, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tin rằng "kẻ hủy diệt Mãn Châu phải là Diệp Hách". Tuy nhiên, nếu Ái Tân Giác La thị muốn thống nhất Trung Nguyên, họ phải buông bỏ hận thù với Diệp Hách và đặt lợi ích đại nghiệp lên hàng đầu. Do đó, bắt đầu từ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, họ phải kết hôn với Diệp Hách Na Lạp thị.
Mặc dù Diệp Hách Na Lạp thị có thể trở thành phi tử của Hoàng đế nhà Thanh, nhưng do lời nguyền trước đó, các Hoàng đế nhà Thanh không dám trao cho phi tử Diệp Hách Na Lạp thị địa vị quá cao hoặc quá nhiều quyền lực. Song như chúng ta đều biết, Từ Hi Thái hậu vào cuối triều đại nhà Thanh lại là một trường hợp ngoại lệ, bà thuộc Diệp Hách Na Lạp thị.
Mặc dù sự sụp đổ của nhà Thanh không phải do Từ Hi, nhưng bà đã góp phần đẩy nhanh sự diệt vong này. Nói cách khác, lời nguyền của thủ lĩnh Diệp Hách Na Lạp đã ứng nghiệm lên Từ Hi.
Các Hoàng đế của nhà Thanh không dám trao quá nhiều quyền lực cho gia tộc Diệp Hách Na Lạp, tại sao Hàm Phong lại "vi phạm" lời dạy của tổ tiên và để Từ Hi nắm quyền?
Thế nhưng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Hàm Phong, và những gì vị Hoàng đế này đã làm không thể bị coi là vi phạm luật lệ của tổ tiên. Vậy tại sao ta lại nói Hàm Phong không vi phạm lời răn của tổ tiên? Có 4 lý do:
1. Không phong hậu cho Từ Hi
Kể từ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, nhà Thanh đã có truyền thống kết hôn với gia đình Diệp Hách Na Lạp. Nhưng trong số các phi tần Diệp Hách Na Lạp thị, không ai trở thành Hoàng hậu và con trai của họ cũng không thể thừa kế ngai vàng (ngoại trừ Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu Diệp Hách Na Lạp Tĩnh Phân, vì bà được Từ Hi làm chủ, chức Hoàng hậu này không phải do Quang Tự đế phong).
Kể cả Từ Hi, bà cũng không trở thành Hoàng hậu. Hoàng hậu của Hàm Phong lúc bấy giờ là Nữu Hỗ Lộc thị, chính là Từ An Thái hậu sau này. Mặc dù Từ Hi được sủng ái, nhưng bà cũng chỉ là Quý phi. Sau khi Từ Hi sinh ra Tải Thuần (tức Đồng Trị đế sau này), Hàm Phong chỉ phong bà làm phi, một năm sau mới thăng làm Quý phi, chưa từng nghĩ tới việc phong bà làm Hoàng hậu. Điều này cho thấy Hàm Phong không vi phạm luật lệ của tổ tông.
2. Chỉ có một đứa con trai
Nhiều người cho rằng, Hàm Phong không phong Từ Hi làm Hoàng hậu mà lại phong con trai Từ Hi làm Thái tử, điều này cũng vi phạm lời dạy của tổ tiên. Nhưng Hàm Phong không còn lựa chọn nào khác vì ông chỉ có một con trai duy nhất là Tải Thuần. Ông không thể bỏ rơi con mình mà phong vị cho con người khác trước lúc hấp hối.
3. Từng nghĩ đến việc giết Từ Hi
Hàm Phong lúc đầu cũng nghĩ sẽ ban cho Từ Hi cái chết như Hán Vũ Đế giết chết Câu Dặc phu nhân. Nhưng ông nghĩ về phận làm vợ chồng và tình cảm xưa cũ, và cuối cùng đã không làm điều đó.
Hậu thế cảm thấy thương tiếc trước cái chết của Câu Dặc phu nhân, cho rằng Hán Vũ đế quá tàn nhẫn. Nếu Hàm Phong thực sự làm điều này, ông chắc chắn mang tiếng xấu muôn đời. Bên cạnh đó, Hàm Phong không thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra với Từ Hi trong tương lai, điều ông có thể làm là cố gắng hết sức kìm hãm quyền lực của Từ Hi.
4. Kìm hãm quyền lực của Từ Hi Thái hậu
Để ngăn cản Từ Hi nắm quyền, Hàm Phong đã chuẩn bị đủ trước lúc hấp hối. Đầu tiên, ông ban hành một sắc lệnh: "Hoàng trưởng tử Tải Thuần, hiện là Hoàng thái tử. Cử Tải Viên, Đoan Hoa, Cảnh Thọ, Túc Thuận, Mục Âm, Khuông Nguyên, Đỗ Hàn, Tiều Hữu Doanh hết lòng giúp đỡ".
Có nghĩa là, "Cố mệnh Bát đại thần" được bổ nhiệm để hỗ trợ Tải Thuần. Mục đích để áp đảo Từ Hi, bà muốn lật trời cũng không được, chỉ là Hàm Phong đã đánh giá thấp năng lực của Từ Hi. Hơn nữa, ông đã trao con ấn "Ngự thưởng" cho Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị và ấn "Đồng đạo đường" cho Từ Hi.
Ban đầu, ấn "Đồng đạo đường" nên được giao cho Tải Thuần, nhưng vì Thái tử vẫn còn trẻ, vì vậy tạm thời được giao cho mẹ Từ Hi. Kế hoạch của Hàm Phong là Từ Hi sẽ trao con ấn cho Tải Thuần khi lớn lên. Để ngăn Từ Hi lạm dụng quyền lực khi nắm quyền, Hàm Phong quy định rằng bất kỳ sắc lệnh nào cũng phải được đóng dấu bởi hai con ấn cùng lúc mới có hiệu lực.
Tóm lại, Hàm Phong đã thực hiện nhiều biện pháp để kìm hãm Từ Hi, nếu không có gì bất ngờ xảy ra, Tải Thuần có thể giành được quyền lực và tự cai trị khi lớn lên. Chỉ là Hàm Phong không ngờ rằng, “không đành lòng giết Từ Hi” đã để lại tai họa cho Thanh triều.
Sau khi Hàm Phong băng hà, Từ Hi đã hợp lực với Từ An Thái hậu và Ái Tân Giác La Dịch Hân trừng phạt Cố mệnh Bát đại thần. Sau đó, Từ Hi dần nắm quyền lực cao nhất, và với lối sống xa hoa, đã đẩy nhanh sự sụp đổ của nhà Thanh. Lời nguyền của Diệp Hách Na Lạp cuối cùng cũng ứng nghiệm. Mọi thứ như thể đã được định sẵn từ trước.
Nguồn: QQ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất