Nhà đầu tư đề xuất Nhà nước mua lại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới

29/04/2018 08:11 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Liên danh nhà đầu tư Cienco 4-Tuấn Lộc-Trường Lộc vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về kết quả 3 tháng triển khai thu giá (thu phí) tại trạm BOT trên đường Thái Nguyên-Chợ Mới và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho dự án này.

Theo liên danh nhà đầu tư, sau 3 tháng thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Km72+930 trên tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới (từ 25/1-25/4/2018) tổng doanh thu của trạm đạt 6,68 tỷ đồng, với tổng số vé được bán ra là 148.744 vé, gồm: 148.523 vé lượt, 203 vé tháng và 17 vé quý.

Chú thích ảnh
Trạm BOT Thái Nguyên-Chợ Mới. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Lưu lượng xe trung bình 1 ngày qua trạm khoảng 1.735 lượt, đạt 18,5% so với phương án tài chính (9.398 lượt xe/ngày đêm); doanh thu thực tế trung bình một ngày đạt 74,3 triệu đồng, bằng 12,5% so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT (594,48 triệu đồng/ngày).

Trong khi đó, kể từ ngày công trình đưa vào khai thác (18/5/2017) đến ngày 25/4/2018, doanh nghiệp dự án phải chi trả 219,2 tỷ đồng, gồm: trả lãi vay ngân hàng (183,1 tỷ đồng), trả nợ gốc cho ngân hàng (26 tỷ đồng), chi phí duy tu, bảo trì (3,3 tỷ đồng), chi nộp thuế giá trị gia tăng (607 triệu đồng),…

Đại diện liên danh nhà đầu tư cho biết việc chỉ triển khai thu phí tại trạm BOT Km72+930 tuyến Thái Nguyên-Chợ Mới đã làm dự án không phát huy được hiệu quả theo mục tiêu ban đầu là tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác cho Quốc lộ 3 cũ.

Lý do là việc thu phí tại một trạm trên tuyến Thái Nguyên-Chợ Mới dẫn đến các phương tiện chủ yếu tập trung đi vào Quốc lộ 3 cũ làm cho lưu lượng trên tuyến này tăng đột biến so với thời điểm chưa thu giá chính thức, thường xuyên gây ùn tắc cục bộ trên tuyến Quốc lộ 3, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông cao.

Cùng với đó, các khoản thu phí đang ở mức thấp so với phương án tài chính của dự án gây khó khăn cho doanh nghiệp trong trả nợ ngân hàng cung cấp tín dụng, khả năng duy trì dự án hoạt động bình thường, khiến doanh nghiệp có nguy cơ không còn khả năng thanh toán.

Trên cơ sở số liệu thu phí thực tế, các thông số đầu vào của dự án và phương án tài chính quy định tại hợp đồng dự án, sau khi tính toán, nhà đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét hai phương án giải quyết nhằm đảm bảo hoàn vốn cho dự án.

Cụ thể, nhà đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có giải pháp để doanh nghiệp dự án được thực hiện thu thêm giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm Km77+922,5 Quốc lộ 3 như thỏa thuận tại hợp đồng dự án đã ký, thời gian thu phí tại trạm Km77+922,5 Quốc lộ 3 bắt đầu từ tháng 5/2018, có thực hiện giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo phương án nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã thống nhất với địa phương.

Phương án nữa là nhà đầu tư đề nghị Nhà nước trưng mua lại dự án với giá trị khoảng 2.775 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), dự kiến chi trả một lần trong tháng 1/2019. Giá trị này bao gồm: tổng chi phí đầu tư thực tế, lãi vay ngân hàng, lợi nhuận của nhà đầu tư sau thời gian xây dựng, chi phí hoạt động của doanh nghiệp dự án,…

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km 75-Km 100 có tổng chiều dài 65 km; trong đó, hợp phần Quốc lộ 3 mới đoạn Thái Nguyên-Chợ Mới được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc dài 40km, bề rộng nền đường 12m.

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 2.713 tỷ đồng, do liên danh CIENCO4-Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc-Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Theo hợp đồng BOT, để phương án tài chính đảm bảo khả thi, dự án sẽ đặt hai trạm thu giá để hoàn vốn, một trạm đặt trên tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới (Km 72+930) và một trạm đặt trên Quốc lộ 3 cũ tại Km 77+922 (khu vực Bờ Đậu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên).

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành vào cuối năm 2017, dự án mới được cấp thẩm quyền cho phép thu giá một trạm trên tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới (Km 72+930) từ ngày 25/1/2018, còn lại trạm trên Quốc lộ 3 vẫn chưa được phép đưa vào hoạt động.

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc thanh toán tiền 'siêu nhỏ' 100 đồng tại trạm thu phí BOT

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc thanh toán tiền 'siêu nhỏ' 100 đồng tại trạm thu phí BOT

“Tiền mệnh giá nhỏ 100 đồng là phương tiện thanh toán bình thường nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bày tỏ quan điểm là không ủng hộ việc tài xế sử dụng loại tiền lẻ này để mua vé nhằm phản đối việc thu phí tại trạm BOT”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ với báo giới chiều 8/1.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm