Nguyễn Việt và ý tưởng xây dựng 'Đường vào vương quốc các vua Hùng'

06/05/2015 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đường vào vương quốc các vua Hùng, dự án tâm linh tái dựng nền văn minh kỳ vĩ Văn Lang bằng các công trình cụ thể là ý tưởng được tác giả Nguyễn Việt vừa đưa ra công luận.

Theo tác giả Nguyễn Việt, 82 tuổi, nguyên là chuyên viên Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa, những gì thuộc về thời đại Hùng Vương không chỉ còn lại trong truyền thuyết. Trong bản thuyết trình dự án hàng ngàn trang của mình, Nguyễn Việt đã chứng minh nền văn minh Văn Lang đã để lại những tri thức về thiên văn, lịch pháp và cả một nền y học Đông phương đồ sộ... mà con người hiện đại vẫn còn sử dụng trong thực tế.

Từ câu chuyện 3 trống đồng

Cách đây hơn 40 năm, năm 1971, Nguyễn Việt là cán bộ thuộc Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa được cử lên Phú Thọ để sưu tầm múa hát Xoan.

Một lần đi sâu vào vùng núi Minh Đài dự lễ mừng lúa mới của đồng bào Mường, xóm Chiềng Kiệt. Đêm hội không chỉ có những chiếc Đuống, vốn là cối giã gạo của người Mường mà còn có cả trống Đồng phối kèm theo. Âm điệu bản song tấu trầm lặng, nhưng có lúc lại âm vang như sấm rền.


Tác giả Nguyễn Việt

Những “Bản đại hòa tấu chiêng đồng” đó đã hút Nguyễn Việt vào niềm say mê khảo cổ. Và chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Việt đã đào được 3 chiếc trống đồng trong một vùng khảo cổ cách nhau không quá 20km. Ông cho rằng vùng đất này chính là “Kinh đô Đồng Thau”.

Khi đó, đích thân Giáo sư Phạm Huy Thông, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, đã mời Nguyễn Việt đến hỏi nguyên cớ. Ông  rút ngay ra cuốn Tạp chí Khảo cổ học và nói lý do rằng đã đọc tạp chí của Viện Khảo cổ học. Giáo sư Phạm Huy Thông tặng Nguyễn Việt những tư liệu cần thiết về trống đồng và thời đại Hùng Vương.

Nguyễn Việt say sưa bắt tay vào nghiên cứu, từ đó, nhiều bản thảo như: Hùng Vương thời văn minh Văn Lang, Tìm về ngôi nhà mẹ Âu Cơ, Truyền thuyết Con rồng cháu tiên - bộ sách phép biện chứng của người Việt và đặc biệt là bản thuyết trình Đường vào vương quốc các vua Hùng lần lượt ra đời.

“Vương quốc các vua Hùng” sẽ có gì?

Dự án Đường vào vương quốc các vua Hùng gồm nhiều hạng mục chính như: Cổng Văn Lang, Cầu Ngọc sông Mua, Đền Trình, Cầu Thiên Vân, Quảng trường Kinh Dương Vương, Khu đền Âu Cơ và Lăng các vua Hùng, Quảng trường Hùng Vương, Bến bờ cổ tích, Bãi trống đồng, Khu di chỉ: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Lâu đài văn minh Hùng Vương,Tháp phồn thực...

Trong đó, Cổng Văn Lang là một biểu tượng được xây dựng trên mô-típ núi Ba Vì. Ở đây, vào thời đại Hùng Vương thứ VI đã diễn ra câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh. Trận “tình chiến” ấy đã gây dấu ấn rất đậm nét về tâm linh. Ngoài ra, là lời thách cưới của Hùng Vương với 3 loài kỳ thú “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” cũng xuất hiện trước cổng Văn Lang.


Phối cảnh dự án Đường vào Vương quốc các vua Hùng của Nguyễn Việt

Nhưng âm vang nhạc cổ đại cũng được tái hiện qua những bộ gõ của Đuống và đặc biệt là bộ Chiêng Dàn, Chiêng Thể, Chiêng Bồng, từ nhà Dàn Chiêng.

Hạng mục Cầu Sông Mua là sông có thật trên đất Thanh Sơn, Phú Thọ thời trước, từ ngoài muốn vào đất của các vua Hùng phải qua sông Mua. Cầu sông Mua sẽ là chiếc cầu biểu tượng, được phủ trên 30 ngàn viên gốm hồng. Theo Nguyễn Việt, đây sẽ là chiếc cầu độc nhất vô nhị không đâu có.

Hạng mục Đền Trình với chỉ một bát hương, cho tất cả mọi người, tất cả chúng ta đều chung một cội nguồn, một con dân đất Việt.

Biểu tượng đất tổ Hùng Vương là vua Kinh Dương Vương đứng trên mình voi yểm ngà, một tay nắm tai voi, một tay giương cao chiếc rìu đá Bắc Sơn, vũ khí và cũng là dụng cụ duy nhất thời bấy giờ...

Nguyễn Việt cho biết, ông đã nhiều lần gặp nhà sử học Dương Trung Quốc để trao đổi về dự án này. Ông mong muốn sớm biến dự án này thành hiện thực.

Sẽ khó tìm người thực hiện

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, giới sử học biết tới Nguyễn Việt từ việc tự thân phát hiện trống đồng, các bài đúc rút vấn đề về triết học, về tư tưởng và văn hóa từ chiếc trống đồng.

Khi ông có ý tưởng xây dựng một không gian lịch sử về các vua Hùng, gợi mở những giá trị văn hóa của một thời đại rất xa xưa để truyền bá cho thế hệ trẻ, bản thân ông Dương Trung Quốc hết sức khích lệ.

Tuy nhiên, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: “Sẽ khó để có thể tìm được người thực hiện ý tưởng trên, do những dữ kiện để đồng nhất, hiện thực hóa các công trình, và rõ ràng là phải có mức đầu tư không nhỏ. Riêng cá nhân tôi hết sức ủng hộ ý tưởng này của Nguyễn Việt. Nhưng khoảng cách từ ý tưởng đến hiện thực đòi hỏi phải có sự ủng hộ của nhiều người trong xã hội nói chung”.

Hoa Chanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm