Nguyễn Huy Thiệp: “Phần lớn cuộc đời, tôi ở trong ánh sáng”

23/02/2012 13:24 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Tác giả Tướng về hưu trở lại làng văn sau nhiều năm với một tập kịch bản chèo, được gắn mác “thể nghiệm” đầy tò mò. Nguyễn Huy Thiệp làm thơ lục bát, không phải từng bài ngắn, mà là hai vở chèo dài.

Hai tác phẩm được hoàn thành vào những ngày cuối năm 2011, đầu năm 2012, trong đó Vong bướm được hoàn thành sau 4 buổi tối trong một tuần giáp Tết, còn Truyền thuyết tìm vua viết xong trước đó ít lâu.

“Trải thảm đỏ” đón Nguyễn Huy Thiệp trở lại

Vừa ra Tết, đến gần Rằm tháng Giêng đã thấy sách ra mắt, tác giả ký tặng ở Ngày thơ Việt Nam. Vỏn vẹn hai, ba tháng. Thời gian ra một cuốn sách như thế có thể nói là tốc độ… tên lửa. Ngoài ra, mỗi vở chèo trước đó cũng được đăng báo, Truyền thuyết tìm vua lên tờ Nghệ thuật mới số đầu tiên và Vong bướm lên Sài Gòn Tiếp thị số Tết. Dường như người ta đang “trải thảm đỏ” đón Nguyễn Huy Thiệp trở lại.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và người bạn Nguyễn Bảo Sinh tại cà phê Nhân
ở Hà Nội vào cuối năm 2011. Ảnh: Pham Mi Ly

Nhà văn, người mà những năm gần đây hạn chế xuất hiện trước đám đông, đồng ý trở thành nhân vật chính trong một buổi ký tặng ở Ngày thơ VN, đồng thời (cùng với quầy sách của mình) làm mẫu ảnh cho các phóng viên xa gần, cười tươi tạo dáng bên những độc giả hâm mộ. Ông bảo: “Đi rao bán sách, được khoảng 200 cuốn”. Sách có hai kịch bản chèo, lấy tên chung Vong bướm. “Đề tên thế cho dễ bán, chứ không phải tâm đắc vở này hơn vở kia”, Nguyễn Huy Thiệp giải thích.

Ông viết chèo vì yêu chèo, ông dừng chân ở con đường truyện ngắn lâu lắm rồi, rẽ sang những con đường khác và chưa thấy có ngày trở lại. Chèo là ngã rẽ mới nhất. Khi được hỏi: Lựa chọn chèo để sáng tác, có sợ không hợp gu độc giả nói chung? Ông nói: “Điều quan trọng là nhà văn muốn nói gì qua tác phẩm”.

Nguyễn Huy Thiệp từng nói, những tác phẩm thành công trước đây được ông viết vào những lúc đau khổ nhất của cuộc đời. Ngày tháng đau khổ không phải là ngày tháng đáng quên, chúng nằm lại đâu đó trong những tác phẩm cả rồi.

Nguyễn Huy Thiệp… đang viết

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ có buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm mới Vong Bướm vào lúc 15h chiều nay (23/2) tại Không gian sáng tạo Cà phê Trung Nguyên, số 36B Điện Biên Phủ (Hà Nội). Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng sẽ tham dự với tư cách là diễn giả chính.

Thời điểm hiện tại cũng chẳng phải là những ngày tháng hạnh phúc đối với Nguyễn Huy Thiệp. Ông buồn từ trong Tết buồn ra, chuyện gia đình, chuyện chính mình. Ông nói: “Người già không có vũ khí chống lại sự cô đơn”. Nguyễn Huy Thiệp năm nay 62 tuổi. Ông luôn đi cùng người bạn thân thiết, nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, người có những câu thơ mà ông coi như chân lý cuộc đời. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp cũng đồng thời tâm niệm một câu nói của chính Nguyễn Bảo Sinh: “Ai cũng là người khác. Ai cũng không phải là mình”. Đó là những ngày tháng Nguyễn Huy Thiệp tìm kiếm những khoảnh khắc có thể viết những thứ trong đầu và trong tim, trở thành Truyền thuyết tìm vua, Vong bướm.

Bao giờ cũng thế, tác phẩm luôn ở trong đầu nhà văn, việc nó trở thành câu chữ trên mặt giấy chỉ là công đoạn cuối cùng mà thôi. “Tôi đang viết…”, Nguyễn Huy Thiệp nhiều lần nói với nhiều người trong nhiều dịp, cuối cùng cũng đến lúc ông thông báo: “Đã viết xong. Hôm nào đọc thử”. Giới thiệu Truyền thuyết tìm vua, ông rất hào hứng. Giới thiệu Vong bướm, ông càng hào hứng hơn. Trước Tết, Nguyễn Huy Thiệp nói: “Nhiều người cũng khen hai vở này”. Sau Tết, Nguyễn Bảo Sinh nói: “Cái đau khổ của ông ấy là giờ đây ít được nghe lời nói thật”. Hai câu được nói ra trong hai hoàn cảnh khác nhau nên không liên quan lắm.

Chỉ biết, trong Vong bướm, thi sĩ Điệp Lang dành cả tuổi trẻ tìm kiếm “Đâu là lằn ranh giữa đêm với ngày? Lúc nào ngày mới bắt đầu? Khi nào thì đêm kết thúc?”. Tất nhiên không phải như lời thằng hề: “Cứ đúng giờ Dần khi nào vợ Hề dậy đi giải sớm”, hay lời quỷ: “Khi nào phân biệt được chó với mèo thì đó là ngày! Đấy là giờ Mão!”, hay một quỷ khác: “Khi nào ta phân biệt được lá tre với lá trúc thì đó là ngày. Đấy là giờ Tý!”. Câu trả lời chính Điệp Lang đã tìm ra, khi chàng sắp chết: “Chỉ tìm thấy nó ở trong lòng người. Khi nào ngập tràn ánh sáng bao dung thanh thản trong lòng thì đó là ngày, khi nào trong lòng chỉ chứa hận thù thì là đêm tối”. Nguyễn Huy Thiệp từng nói: “Phần lớn cuộc đời, tôi ở trong ánh sáng ban ngày. Từ Tây Bắc, đến Hà Nội, từ thời trẻ, đến tận bây giờ”.

Trong buổi tọa đàm về cuốn sách 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân hồi cuối năm ngoái, Nguyễn Huy Thiệp là người được đưa ra so sánh với tác giả. Đó là cách nhìn của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy trong một bài viết công phu, có tên là: Cuộc chạy tiếp sức lịch sử (Đặng Thân nhìn từ Nguyễn Huy Thiệp), khi đăng trên báo Văn Nghệ đổi tên thành Một cuộc chạy tiếp sức. Đỗ Lai Thúy nhận định: “Sang thời hậu hiện đại, Nguyễn Huy Thiệp ngừng truyện ngắn, hẳn vì không muốn làm một “Nguyễn Huy Thiệp kéo dài”. Anh chuyển sang viết tiểu thuyết theo kiểu hậu hiện đại, như Võ lâm ngoại sử, Tiểu long nữ... viết tiểu luận - tùy bút là những thể loại chủ lực của văn chương hậu hiện đại. Nhưng, rõ ràng, anh không thành công, dù vẫn được đọc/đọc được”.

Suy nghĩ của Nguyễn Huy Thiệp về cuốn tiểu thuyết của Đặng Thân, một người khá thân với ông, là tích cực. Nguyễn Huy Thiệp thậm chí đã tự so sánh mình với Đặng Thân, ông từng nói đại ý: “Nếu tôi là chợ quê thì Đặng Thân là siêu thị, nhưng là một cái siêu thị vừa xây dựng xong còn bộn bề hàng hóa chưa được sắp xếp gọn gàng”. Nhưng đó là lời chia sẻ bên bàn trà ở quán cà phê Nhân vào một buổi chiều cuối năm. Còn trong không gian tọa đàm trang trọng như ở Trung tâm Văn hóa Pháp, ngồi nghe người ta nói về mình, chủ yếu là ca ngợi, nhưng phần nào cũng như mổ xẻ, nói về thành công của ông và cả thất bại của ông, rồi tất nhiên là đem ra so sánh, Nguyễn Huy Thiệp ngồi nghe một chút rồi rời đi rất sớm. Dù trước đó, khi đến, ông đã chuẩn bị ý kiến để phát biểu, ghi ra ba trang giấy, chữ viết tay của ông rất khó đọc. Khi ông rời khỏi khán phòng hôm đó, nhiều người nhìn theo ngạc nhiên. Đến lúc cử tọa giới thiệu Nguyễn Huy Thiệp phát biểu, đáp lại chỉ là sự im lặng, cả khán phòng nhìn nhau ngơ ngác, một bầu không khí bâng khuâng.

Pham Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm