Truyện Nguyễn Huy Thiệp lại lên sân khấu

26/07/2011 14:31 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vở kịch Nhà có 5 anh em trai, dựng theo tác phẩm văn học của Nguyễn Huy Thiệp vừa được Đoàn kịch I - Nhà hát Tuổi trẻ - đưa lên sàn tập và sắp sửa ra mắt vào đầu tháng 8 tới.

NSƯT Anh Tú

1. Cảm tác từ truyện ngắn Không có vua, tác giả Nguyễn Thu Phương đã viết kịch bản Nhà có 5 anh em trai vào năm 2006, thời điểm mà Nhà hát Tuổi trẻ đã dàn dựng khá thành công kịch bản Nhà có 3 chị em gái của chị. Tuy nhiên, sau đó, kịch bản này đã không được dàn dựng tại kịch Tuổi trẻ mà được đưa sang dựng tại Nhà hát Kịch Hà Nội với tên gọi Xuân tím (đạo diễn NSƯT Quốc Toàn).

Đúng với khái niệm “cảm tác”, kịch bản Nhà có 5 anh em trai có khá nhiều khác biệt so với nguyên mẫu tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Không chỉ thay tên các nhân vật và “đổi vai” ông bố thành bà mẹ của 5 anh em trai, các tình huống và chi tiết trong kịch bản này cũng được sửa đổi khá nhiều. “Tôi hạn chế việc ẩn dụ hóa các nhân vật và cũng không muốn các màn đối thoại trong kịch trở nên nặng nề” – tác giả Thu Phương cho biết - “Quanh ý tưởng chính về sự giằng xé không bao giờ dễ dàng giữa lý trí và dục vọng của mỗi người, kịch bản được viết theo hướng... dễ dựng, dễ xem cho phù hợp với nhu cầu của sân khấu hiện nay”.

Dựng lại kịch bản này cho Đoàn I - Nhà hát Tuổi trẻ, đạo diễn NSƯT Anh Tú sử dụng khá nhiều gương mặt trẻ. Vài tháng trước, anh cũng từng dàn dựng kịch bản này để làm vở diễn tốt nghiệp của khóa diễn viên thuộc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật HN. Đặc biệt, Thu Trang - học viên đóng vai nữ chính trong vở diễn tốt nghiệp này- cũng được anh đưa về cộng tác tại Nhà hát Tuổi trẻ để tiếp tục vai diễn của mình một lần nữa.

2. Trao đổi với TT&VH, đạo diễn NSƯT Anh Tú cho biết:

- Tôi và anh em trong đoàn đều thích kịch bản này nên đề xuất lên lãnh đạo nhà hát và được chấp nhận dàn dựng. Thu Phương viết Nhà có 5 anh em trai cách đây 5 năm, nhưng câu chuyện kịch vẫn hoàn toàn phù hợp và có ý nghĩa với cuộc sống bây giờ. Nói rộng hơn thì những vở diễn về hạnh phúc gia đình, về con người đặt trong nhịp chuyển động của xã hội hiện đại... vẫn luôn có khán giả nếu như được dàn dựng chất lượng và nghiêm túc.

* Nghĩa là anh không ngại việc chỉ cách đây vài năm, khán giả đã từng được xem kịch bản này với bản dựng của Nhà hát Kịch Hà Nội?

- Tôi chưa được xem bản dựng của anh Quốc Toàn nhưng ở từng câu chuyện, mỗi nhà hát, mỗi đạo diễn đều có những cách tiếp cận và cắt nghĩa riêng. Kịch bản Nhà có 5 anh em trai mang khá nhiều lớp nghĩa để khai thác. Tôi thích nhìn nó từ góc độ câu chuyện về những ẩn ức riêng tư của con người.

Chẳng hạn, thật trớ trêu là trong khuôn khổ một gia đình, vì sự gắn bó máu mủ, những con người ruột thịt lại thường rất khó khăn để chuyển tới nhau những thông điệp đơn giản về cách sống. Nhất là khi chuyện kịch lại xảy ra ở một gia đình nghèo, mà sự nghèo đói thì luôn tiềm ẩn khả năng làm tha hóa mỗi cá nhân. Rồi đặt giữa cái sa sút của cuộc sống như vậy, người ta sẽ tự có trách nhiệm với mình như thế nào, sẽ đủ nghị lực tới đâu để biết dừng ở ranh giới trong các mối quan hệ? Đó là những câu hỏi tôi muốn đặt ra trong vở diễn của mình.

* Anh đã từng dựng Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp và có vẻ rất hứng thú với tác giả này. Vậy, khi dựng Nhà có 5 anh em trai, anh có chịu chút ảnh hưởng gì từ nguyên tác?

- Quả thực là có. Tôi luôn thích chất cay đắng, nghiệt ngã nhưng cũng đầy nhân văn trong những trang sách của Nguyễn Huy Thiệp. Điều đó cũng phù hợp với một yêu cầu của sân khấu: tìm tòi, khám phá những diễn biến tâm lý dù là rất nhỏ của con người. Trong vở diễn, trước những vuốt ve, gạ gẫm của cậu em chồng, tôi muốn nhân vật nữ chính dù đoan trang, đức hạnh nhưng cũng có đôi chút bâng khuâng, so sánh khi thầm liên tưởng tới người chồng ốm yếu của mình. Để rồi, vượt qua cảm giác rất con người ấy, chị mới càng thấy thương yêu chồng mình hơn.

Minh Châu (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm