Nguyễn Công Trí và 'Cục im lặng' 20 năm

23/12/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm thời trang và nghệ thuật đương đại Cục im lặng sẽ khai mạc lúc 14h ngày 27/12/2019 tại Trung tâm triển lãm và hội nghị Sài Gòn (SECC), nhân 20 năm bước chân vào ngành thời trang của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí.

NTK Nguyễn Công Trí: Bùng nổ? Đó không phải là tôi!

NTK Nguyễn Công Trí: Bùng nổ? Đó không phải là tôi!

Trời mưa. Thay vì tôi ngồi chờ Trí tới như chờ một ngôi sao, thì anh lại tới trước, lặng lẽ ngồi nghe những bản tình ca sướt mướt của Khánh Ly phát ra từ dàn âm thanh của quán.

Đây chắc chắn là một triển lãm đặc biệt, vì hợp tác giữa thời trang và liên nghệ thuật, có chiều sâu cũng quy mô bậc nhất từ trước tới nay tại Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.

Trở về từ 2 sự kiện hàng đầu thế giới là Tuần lễ thời trang New York Thu - Đông 2019 và Tuần lễ thời trang New York Xuân - Hè 2020, Nguyễn Công Trí làm Cục im lặng để kỷ niệm và tri ân thời trang.

Triển lãm có sự kết hợp của 10 gương mặt đương đại tiêu biểu như nghệ sĩ thị giác Truc-Anh, đạo diễn Bảo Nguyễn, nghệ sĩ thị giác Ngô Đình Bảo Châu, nghệ sĩ múa đương đại Ngô Thanh Phương, kiến trúc sư VUUV, nghệ sĩ thị giác Lu Yang, nghệ sĩ thị giác Trương Công Tùng, giảng viên múa đương đại Alexander Tú, nhiếp ảnh gia Hứa Như Xuân, nghệ sĩ thị giác Tùng Khỉ (Crazy Monkey).

Triển lãm do Việt Tú làm tổng đạo diễn, Hà Đỗ làm giám đốc sáng tạo, Arlette Quỳnh - Anh Trần làm giám tuyển, Dương Trần Bảo (BBright) làm giám đốc sản xuất.

Chú thích ảnh
Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Công Trí. Ảnh: Đại Ngọc

Tích hợp nghệ thuật và thẩm mỹ

Giám tuyển Arlette Quỳnh - Anh Trần cho biết: “Ngoài đề tài chính xoay quanh 10 bộ sưu tập của anh Nguyễn Công Trí, tôi tiếp cận dự án này từ 3 mô hình. Thứ nhất là khía cạnh lịch sử, ghi nhận 2 thập niên sáng tạo, những bước chuyển mình trong hình thức lẫn ý niệm của nhà thiết kế này. Tôi lấy cảm hứng từ mô hình các cuộc triển lãm lịch sử thời trang của các nhà tạo mẫu huyền thoại vào năm 2011, 2012, 2017 của Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan ở New York”.

“Thứ hai là khía cạnh nghệ thuật, mở rộng khái niệm thiết kế và biến câu chuyện thời trang của Nguyễn Công Trí trở thành một sân chơi sáng tạo với các nghệ sĩ từ nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, từ điện ảnh, múa đương đại, nghệ thuật thị giác, tới kiến trúc. Đây là một mô hình tiên phong nhằm tăng cường thể nghiệm và đối thoại giữa các ngành nghệ thuật - thiết kế, với ví dụ gần đây nhất là cuộc triển lãm lớn do giám đốc sáng tạo của Gucci, Alessandro Michele, mời nghệ sĩ nổi tiếng Maurizio Cattelan làm giám tuyển cho triển lãm nghệ thuật đương đại và thời trang tại Thượng Hải”.

Chú thích ảnh
Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Công Trí (cầm micro) và ê-kíp thực hiện “Cục im lặng” tại buổi họp báo ra mắt triển lãm. Ảnh: Đại Ngọc

“Thứ ba là khía cạnh góp phần xây dựng nền tảng văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, điều mà Nguyễn Công Trí, một người đàn anh thuộc thế hệ đi trước, đã thành đạt, muốn hỗ trợ những người thực hành sáng tạo trẻ tuổi nước nhà. Mô hình này có thể thấy điển hình tại Fondazione Prada thành lập từ năm 1993 dành cho nghệ thuật đương đại, đồng thời cũng là một nguồn cảm hứng truyền ngược lại cho nhà tạo mẫu Miuccia Prada”.

Chú thích ảnh
Một mẫu thiết kế trong bộ sưu tập số 10, có tên là “Em hoa” của Nguyễn Công Trí

Chính vì vậy, điểm độc đáo của triển lãm thời trang mà không chỉ thời trang này là ở sự tích hợp, tổng hợp cả 3 mô hình - 3 xu hướng riêng biệt như vừa nêu. Về hình thức và giá trị cộng đồng, Cục im lặng tạo một thể thống nhất giữa nghệ thuật - thời trang - thẩm mỹ, theo dòng lịch sử 20 năm thiết kế của nhà tạo mẫu Nguyễn Công Trí, đồng thời biến những dự án còn trong hoài bão của các nghệ sĩ đương đại tại Việt Nam thành hiện thực.

Như vậy, Nguyễn Công Trí không vị kỷ, không chỉ làm triển lãm cho riêng mình, mà còn biến lễ kỷ niệm 20 năm thành cơ hội đồng sáng tạo, cơ hội kích hoạt các loạt hình nghệ thuật khác.

Chú thích ảnh
Một mẫu thiết kế trong bộ sưu tập số 9, có tên là “Lúa” của Nguyễn Công Trí

Vì sao là “Cục im lặng”?

Ý niệm nghệ thuật của toàn bộ triển lãm là Cục im lặng, một hình tượng mà Nguyễn Công Trí chọn để tự phản ánh bản thân mình. Càng thành công, càng nổi tiếng quốc tế, nhà thiết này càng im lặng. “Im lặng một cục” là câu nói cửa miệng của dân Quảng - quê hương của Nguyễn Công Trí.

Cục là một khối nhỏ của vật chất, hoặc vật thể nào đó, với cách gọi khiêm nhường. Đó cũng là tính cách của Nguyễn Công Trí, vừa khiêm tốn vừa hài hước về chính mình. Nhưng mặt khác, trong tiếng Việt, cục còn có nghĩa là một tổ chức gồm nhiều con người làm việc với nhau vì một định hướng chung.

Điều đó thực sự thể hiện một nét tính cách khác của Nguyễn Công Trí: Tinh thần cởi mở và sẵn sàng hợp tác ở bất cứ nơi nào có thể. Cục trở thành một tập thể song hành cùng Nguyễn Công Trí, từ các nhân viên trong thương hiệu của anh, tới rất nhiều những nhân tố sáng tạo khác, chẳng hạn như tại triển lãm lần này.

Vì vậy, về mặt ý niệm, Cục im lặng tựa như một khối đa diện, gom góp công sức nhỏ bé, thầm lặng của nhiều người để xây dựng nền tảng độc đáo về văn hóa - nghệ thuật - thời trang dành cho công chúng Việt Nam.

Gần chạm đến “haute couture” thế giới

Nguyễn Công Trí sinh năm 1978 tại Đà Nẵng, là ủy viên haute couture của Hiệp hội Thời trang châu Á từ năm 2014. Khi bộ sưu tập thứ 10 là Em hoa ra mắt tại Tokyo Fashion Week tháng 3/2017, tờ Vogue (phiên bản Mỹ) nhận xét Nguyễn Công Trí gần chạm tới haute couture đẳng cấp thế giới. Nhiều quý bà và ngôi sao quốc tế đã diện đồ của Nguyễn Công Trí như: Michelle Obama, Jada Koren Pinkett Smith, Beyonce, Katy Perry, Rihanna, Gabrielle Union, Cobie Smulders, Kate Bosworth, Gwen Stefani, Josephine Skriver, Katherine McNamara, Rita Ora, Jacqueline Fernandez, Sophie Turner, Justine Skye, Georgia Fowler, Joan Smalls, Camila Cabello, Julia Garner, Elsa Hosk…

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm