Nguồn gốc Phái Phố, Phố Phái

29/08/2010 00:43 GMT+7 | Phái "Phố" và Phố "Phái"


Từ năm 1956, sau khi vương vào hệ lụy, để mưu sinh, Bùi Xuân Phái đã phải dùng nhiều bút danh khác nhau như: Vi Vu, Pi Ha, Ly, Pha Y... để ký tên dưới các bức minh họa và tranh vui đăng trên các báo thời đó.

Từ năm 1950 đến năm 1962, trong giai đoạn này trên các tác phẩm sơn dầu của ông thường được ký dài dòng cả tên cả họ cả chữ đệm BUI XUAN PHAI


Đến năm 1980, có vẻ như ông đã tìm được chữ ký ổn định và vừa ý nhất cho mình, từ đây, không còn thấy ông không thay đổi chữ ký nữa.

Ở đầu thập niên 60, nhà văn Nguyễn Tuân đã chơi chữ, mượn tên cổ của Hội An là Phai Phô biến tướng thành Phái Phố rồi dần thành từ cửa miệng của giới mộ điệu để gọi những bức tranh vẽ về Hà Nội của ông là Phái Phố.

Danh xưng Phái Phố hay Phố Phái là nổi tiếng nhất và nó cũng "vận" cả vào tác phẩm của ông một cách tình cờ vì cái âm tiết Phái Phố thì với một người thạo tiếng Pháp, sẽ bị hiểu là tranh Phái giả: Phai Faux (faux tiếng Pháp là giả). Và người ta còn nói vui rằng Phái vốn đã vẽ nhiều nhưng sau khi Phái mất, "Phái faux" cũng được vẽ nhiều hơn. Bùi Xuân Phái là họa sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam đồng thời ông cũng là nạn nhân số 1 của tệ làm tranh giả. Người ta cũng nói rằng, nghệ thuật của Bùi Xuân Phái đã nuôi sống và làm giầu cho biết bao nhiêu người kể từ khi ông mất vào năm 1988.

Phố Phái ở Nha Trang

Vào thập niên 60-70, giới sành điệu nghệ thuật còn gọi lái tên của ông ra thành: Buồn Xuân Phố, do bởi phố trong tranh ông thường heo hắt, u hoài, một thành phố cổ như không có người ở, có nhiều bức tranh phố của ông được miêu tả với vẻ tịch mịch, cô liêu và thê lương quá.

Phải đến khi về cuối cuộc đời, ở thập niên 80, tranh phố của ông mới nhẹ nhõm hơn, bắt đầu thấy xuất hiện những gam mầu ấm của nắng, của tà áo đỏ qua đường... Người ta cũng cho rằng, sự thành công vang dội từ cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của ông vào năm 1984 đã có tác động lớn vào sự hưng phấn trong sáng tác của ông: tâm lý mặc cảm của người dính "faute" hoàn toàn được gỡ bỏ. Lần đầu tiên, vào năm đó, Đài truyền hình trung ương đã dành thời lượng lớn, giới thiệu cuộc đời và tác phẩm của ông với công chúng cả nước.

Bên cạnh những biến chuyển trên còn có sự tình cờ như duyên phận đã gắn bó sự nghiệp của Bùi Xuân Phái vào với từ và địa danh Phai Phô. Năm 1981, ông được cử đi vẽ thực tế vùng đất Quảng Nam Đà Nẵng. Khi đặt chân tới Hội An, ông đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lôi cuốn của những khu phố cổ Hội An, nó khác hẳn với những khu phố cổ ở Hà Nội mà ông vẽ trước đó. Do khí hậu nơi đây không có mùa đông nên bầu trời lúc nào cũng xanh ngát và nắng trải dài trên khắp đường phố...điều này đã có tác động và ảnh hưởng lớn đến cái nhìn và quan niệm nghệ thuật của ông với những bức họa vẽ về phố cổ mùa đông ở Hà Nội mà bầu trời lúc nào cũng cũng xám và trĩu nặng tâm tư.

Cũng từ năm này, trong tranh phố cổ của ông đã chuyển sang gam mầu tươi sáng, bớt đi vẻ cô đơn, hiu hắt, phố của ông đã có đông người và mầu xanh lam được được dùng nhiều hơn mầu ghi xám trước đó. Một điều linh nghiệm nữa là, sau khi họa sĩ mất, Đà Nẵng chính là thành phố đầu tiên đã chọn Bùi Xuân Phái để đặt tên cho một con đường.

Đà Nẵng là thành phố đầu tiên có phố Bùi Xuân Phái

Đến thập niên 80, dường như tranh phố của ông muốn nói lời giã từ "buồn ơi ta xin chào mi" với thời kỳ Nâu, thời kỳ Xám. Một ảnh hưởng nữa cũng tác động vào phong cách vẽ của ông trong thời kỳ Lam này là, những năm cuối đời (từ 80 đến 88 ) tất cả các người con của ông đã trưởng thành và độc lập, gánh nặng kinh tế gia đình không còn đè nặng trên vai ông như xưa nữa. Đất nước cũng bắt đầu chuyển động sang thời kỳ đổi mới, cùng lúc, khách ngoại quốc cũng đã bắt đầu được phép đến thăm xưởng vẽ và mua nhiều tranh của ông. Những năm về cuối đời, có thể nói, tác phẩm của Bùi Xuân Phái, phần nhiều đã lọt vào tay khách mua ngay từ khi bức tranh còn ướt sơn.

Bùi Xuân Phái trong xưởng vẽ của ông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm